Tỉ phú Nga: Đừng mơ doạ được ông Putin

20:47, 05/08/2014
|

(VnMedia) - Một đồng minh của Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng là một trong những người giàu nhất nước Nga hôm qua (4/8) đã lên tiếng khẳng định, giới doanh nhân hàng đầu của Nga sẽ không vì sức ép từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây mà gây áp lực với ông chủ điện Kremlin để ông thay đổi lập trường trong vấn đề Ukraine. Thách thức hơn, vị tỉ phú này còn tuyên bố, các đòn trừng phạt của phương Tây chỉ khiến họ thêm ủng hộ cho các chính sách của Tổng thống Putin.
 

Ảnh minh họa


 Tổng thống Putin (bên trái) và Thủ tướng Đức Merkel


Tỉ phú Gennady Timchenko – người đang bị liệt vào danh sách trừng phạt của Mỹ, hôm qua đã nói với hãng tin Itar-Tass rằng, phương Tây đã tính toán sai lầm khi nghi rằng, việc họ tung ra các biện pháp trừng phạt mỗi lúc một mạnh hơn sẽ gây áp lực đối với thành phần nội bộ của Tổng thống Putin và điều đó sẽ buộc Nhà lãnh đạo nước Nga phải thay đổi lập trường, chính sách trong cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng Ukraine.
 
"Không, điều đó có thể bị loại bỏ”, tỉ phú Timchenko đã trả lời thẳng thắn như vậy trước câu hỏi liệu giới doanh nhân giàu có và có ảnh hưởng ở Nga có gây sức ép lên Tổng thống Putin vì các lệnh trừng phạt của phương Tây hay không.
 
"Tổng thống Vladimir Vladimirovich (Putin) chỉ nghĩ đến lợi ích của nước Nga. Chấm hết. Vì thế, sẽ không thể có bất kỳ nhượng bộ nào ở đây. Và thậm chí giới doanh nhân không hề nghĩ đến chuyện nói về chủ đề trừng phạt", ông Timchenko khẳng định. Tài sản mà vị tỉ phú này sở hữu được ước tính là từ 12 đến 16 tỉ USD.
 
"Thật là ngây thơ, ngốc nghếch khi nghĩ rằng, với biện pháp đó, họ có thể dọa dẫm chúng tôi và buộc chúng tôi phải rút lui”, tỉ phú Timchenko nói.
 
Ông Timchenko là một trong những doanh nhân Nga đầu tiên bị Mỹ đưa vào danh sách trừng phạt. Theo đó, ông này bị phong tỏa tài sản và bị cấm đi lại. Những biện pháp trừng phạt trên được phương Tây tung ra nhằm vào Nga với lý do để trừng phạt Moscow về việc sáp nhập bán đảo xinh đẹp Crimea vào nước Nga và vì cái mà họ cho là hành động can thiệp của Nga vào tình hình bất ổn ở các khu vực miền đông Ukraine.
 
Tỉ phú Timchenko nắm giữ cổ phần lớn trong tập đoàn sản xuất khí đốt Novatek , tập đoàn khai thác mỏ Kolmar, Ngân hàng Rossiya và nhà máy hóa dầu Sibur.
 
Trong cuộc trả lời phỏng vấn, ông Timchenko cho biết, ông không sử dụng máy tính hay điện thoại di động vì sợ bị giám sát, nghe trộm. Ông này cũng tỏ ra không quá coi trọng số tiền khổng lồ mà ông kiếm được trong thời gian qua khi tuyên bố sẵn sàng cống hiến cho đất nước nếu cần.
 
"Tôi có thể tuyên bố rõ ràng và chắc chắn rằng, nếu cần thiết, thì ngày mai tôi sẽ tặng tất cả tài sản cho nhà nước. Hoặc là cho từ thiện. Vì như vậy, điều đó có thể có ích”, ông Timchenko nói.
 
"Vợ tôi và tôi thường thảo luận về chủ đề này. Về mặt cá nhân, chúng tôi không cần hàng tỉ đô la”, ông Timchenko cho biết.
 
Từng là chủ của Gunvor – một trong 5 tập đoàn kinh doanh dầu mỏ hàng đầu của thế giới, thừa nhận, một trong những hậu quả của các biện pháp trừng phạt mà phương Tây nhằm vào Nga là ông không thể sử dụng thẻ thanh toán Mastercard và Visa. Vì thế, ông này đã chuyển sang sử dụng hệ thống thanh toán của Trung Quốc -UnionPay.
 
Theo chân phương Tây, Nhật chính thức tung đòn trừng phạt mới với Nga
 
Nhật Bản hôm nay (5/8) đã chính thức công bố chi tiết các biện pháp trừng phạt về tài chính mới nhằm vào 40 cá nhân và hai nhóm của Nga bị cáo buộc có liên quan đến vụ sáp nhập Crimea và gây bất ổn cho tình hình ở miền đông Ukraine.
 
Với quyết định tung ra các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga, Tokyo đã tham gia cùng phương Tây vào việc gia tăng sức ép đối với Moscow, buộc nước này phải gây áp lực với lực lượng ly khai ở Ukraine.
 
Đòn trừng phạt của Nhật Bản nhằm vào các nhân vật hàng đầu của Nga như quyền lãnh đạo khu vực nước Cộng hòa Crimea – Sergey Aksyonov. Cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych cũng nằm trong danh sách bị trường phạt.
 
Các doanh nghiệp Nhật Bản muốn nhập các sản phẩm từ Crimea cũng sẽ cần phải nhận được sự chấp thuận của Tokyo. "Nhật Bản sẽ tiếp tục phối hợp với các nước G7 và cộng đồng quốc tế nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình và ngoại giao cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine”, Tổng thư ký nội các Nhật Bản – ông Yoshihide Suga đã nói như vậy tại một cuộc họp báo.
 
"Chúng tôi đã quyết định chọn những người trực tiếp chịu trách nhiệm về vụ sáp nhập Crimea cũng như tình hình bất ổn ở miền đông Ukraine, và sau khi chúng tôi xem xét các biện pháp trừng phạt của Mỹ cũng như EU”, ông Suga nói.
 
Nhật Bản trước đó đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với 23 người Nga, trong đó có việc cấm đi lại.
 
Kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine nổ ra, Mỹ cùng các đồng minh phương Tây đã rất nhiều lần tung ra những lời cáo buộc nhằm vào Nga. Moscow cũng nhiều lần đề nghị, thậm chí là thách, Mỹ cung cấp được các bằng chứng để chứng minh cho cáo buộc của họ nhưng rốt cuộc vẫn là Washington chẳng cung cấp được bằng chứng nào ngoại trừ những lời cáo buộc, chỉ trích rất mạnh mẽ và quyết liệt.
 
Mỹ và phương Tây đã tung ra một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga để gây sức ép buộc Moscow thay đổi tiến trình ở Ukraine. Tuy nhiên, tình hình dường như không có thay đổi. Sau vụ máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines rơi ở miền đông Ukraine, EU tuyên bố sẽ tung ra thêm các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn vào cuối tháng trong khi Mỹ đã bắt đầu áp dụng những biện pháp trừng phạt hà khắc nhất từ trước đến nay nhằm vào Nga.
 
Tuy vậy, bất chấp diễn biến trên, Nga vẫn kiên quyết giữ lập trường của mình trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc