(VnMedia) - Tổng thống Mỹ Barack Obama tối qua (7/8) thông báo, ông này đã chính thức cho phép Lầu Năm Góc phát động các cuộc không kích có mục tiêu vào Iraq nếu thấy cần thiết để bảo vệ công dân Mỹ trước lực lượng chiến binh Hồi giáo ở miền bắc Iraq đồng thời giúp các lực lượng an ninh Iraq bảo vệ dân thường đang bị bao vây. Quyết định gây sốc trên của ông chủ Nhà Trắng có nguy cơ lôi quân đội Mỹ trở lại chiến trường mà họ từng mắc kẹt ở đó suốt cả một thập kỷ với biết bao tổn thất về người và của.
|
Trong một tuyên bố được phát đi từ Nhà Trắng tối muộn ngày hôm qua trên truyền hình quốc gia, Tổng thống Obama tuyên bố, các lực lượng quân đội Mỹ đã tiến hành thả dù hàng viện trợ nhân đạo từ máy bay xuống cho hàng chục nghìn người thiểu số ở Iraq đang rơi vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn và tuyệt vọng, thiếu cả nước uống lẫn lương thực.
"Hôm nay, người Mỹ lại đến giúp họ”, ông Obama tuyên bố.
Thông báo trên của Tổng thống Obama cho thấy, đây là lần can thiệp sâu nhất của nước Mỹ vào Iraq kể từ khi siêu cường số 1 thế giới rút quân khỏi chiến trường này hồi cuối năm 2011 sau một thập kỷ chiến tranh.
Ông chủ Nhà Trắng tiết lộ, hàng viện trợ mà họ thả từ máy bay xuống được cung cấp theo yêu cầu của chính phủ Iraq. Nguồn cung cấp lương thực và nước uống đã được chuyển tới cho hàng ngàn người dân Yazidis bị mắc kẹt trên một ngọn núi trong tình trạng thiếu lương thực, nước uống. Những người Yazidis – một tôn giáo cổ ở Iraq, đã phải rời bỏ nhà cửa chạy lên núi ẩn náu sau khi nhóm Quốc gia Hồi giáo ra tối hậu thư yêu cầu họ phải chuyển sang đạo Hồi, phải thực hiện các nghi lễ tôn giáo theo Đạo Hồi, nếu không muốn phải đối mặt với cái chết.
Tổng thống Obama – người dành được nhiều uy tín khi là người kết thúc cuộc chiến tranh ở Iraq, đưa quân lính Mỹ trở về nhà, hiện tại đang phải thừa nhận viễn cảnh về khả năng Mỹ sẽ phải can thiệp quân sự vào tình hình Iraq.
Nhấn mạnh rằng, mặc dù Mỹ “không thể và không nên” can thiệp vào mỗi lần có cuộc khủng hoảng nào trên thế giới nảy sinh nhưng ông Obama cho rằng, Mỹ cần phải hành động khi những người dân vô tội đối mặt với bạo lực ở một mức độ, quy mô khủng khiếp.
Tiến xa hơn nữa, Tổng thống Obama tuyên bố, Mỹ đã sẵn sàng để tiến hành “các hành động quân sự có mục tiêu” dưới hình thức những cuộc không kích nếu thấy cần thiết để bảo vệ người dân Mỹ ở Erbil – nơi có lãnh sự quán Mỹ đóng tại đó – cũng như Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Baghdad. Ngoài ra, ông Obama cũng đề cập đến việc phát động chiến dịch không kích để ngăn chặn đoàn quân của Nhóm Quốc gia Hồi giáo tiến tới Erbil.
"Tôi đã cho phép tiến hành các cuộc không kích có mục tiêu nếu thấy cần thiết để giúp các lực lượng ở Iraq khi họ chiến đấu để phá vỡ vòng vây ở Núi Sinjar và để bảo vệ những người dân thường đang bị mắc kẹt ở đó", ông Obama cho hay đồng thời nói thêm rằng "Chúng ta có thể hành động thận trọng và có trách nhiệm để ngăn chặn khả năng xảy ra một cuộc tàn sát”.
“Chúng ta đang đối mặt với một tình huống giống như chúng ta đang làm trên ngọn núi đó, với những người dân vô tội đối diện với viễn cảnh bạo lực trên quy mô khủng khiếp, khi chúng ta có thẩm quyền để giúp và khi chúng ta có năng lực duy nhất để ngăn chặn thảm sát. Vì thế, tôi tin nước Mỹ không thể nhắm mắt làm ngơ”, ông Obama đã phát biểu thêm như vậy.
Tổng thống Obama cũng cho hay, Mỹ sẽ hợp tác với Liên Hợp Quốc để giải quyết tình hình leo thang ở Iraq.
Những phát biểu trên của ông chủ Nhà Trắng khiến nhiều người dân Mỹ đặc biệt quan ngại bởi từ lâu nay họ đã quá chán ngán với những cuộc chiến tranh mà Mỹ dính líu vào và mắc kẹt nhiều năm ở đó với biết bao xương máu và tiền của của người dân Mỹ bị hy sinh.
Dường như để trấn an nỗi lo lắng của dư luận trong nước cũng như của cộng đồng quốc tế, Tổng thống Obama đã thận trọng uyên bố, ông này “sẽ không cho phép” Mỹ bị cuốn vào một cuộc chiến tranh mới ở Iraq. Ông Obama cũng thẳng thừng bác bỏ khả năng về việc đưa lính bộ binh quay trở lại chiến trường Iraq năm xưa, nhấn mạnh rằng không có một giải pháp quân sự ở đây. Cái Iraq cần, theo ông Obama, là một tiến trình hòa giải chính trị giữa các bên.
"Với tư cách là tổng tư lệnh quân đội, tôi sẽ không cho phép Mỹ bị kéo vào một cuộc chiến tranh mới ở Iraq”, ông Obama nhấn mạnh đồng thời một lần nữa lên tiếng cam kết rằng sẽ không đưa binh lính chiến đấu của Mỹ trở lại chiến trường ở đất nước Trung Đông.
Trước đó, hồi tháng 6, Tướng David Petraeus – cựu Chỉ huy Lực lượng Mỹ ở Iraq, đã lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ việc Mỹ phát động một chiến dịch quân sự mới ở Iraq nhằm vào các mục tiêu chiến binh Hồi giáo mà theo ông này là đang biến thành “một đội quân khủng bố”.
Chính Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki cũng từng đề nghị Tổng thống Obama phát động trở lại chiến dịch không kích nhằm vào lực lượng chiến binh Hồi giáo.
Lực lượng chiến binh thuộc Nhóm Quốc gia Hồi giáo hồi đầu tháng 6 đã phát động một chiến dịch tấn công mạnh mẽ và đầy bất ngờ vào khu vực miền bắc Iraq. Chỉ trong hơn một tuần, lực lượng này đã đánh chiếm được hết thị trấn này đến thị trấn khác, nhiều thành phố và các căn cứ quân sự trên một dải lãnh thổ rộng lớn của Iraq. Đặc biệt, lực lượng chiến binh Hồi giáo đã chiếm được 2 thành phố lớn ở miền bắc Iraq và đang tiến về thủ đô Baghdad. Thành phố Baghdad hiện tại đang được đặt trong tình trạng báo động cao và được thắt chặt an ninh.
Ý kiến bạn đọc