Nội bộ EU chia rẽ vì sợ "vía" Nga?

12:01, 16/08/2014
|

(VnMedia) - Ngoại trưởng các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) hôm qua (15/8) bày tỏ quan ngại về thông tin có đoàn xe bọc thép của Nga xâm nhập vào biên giới Ukraine . Tuy nhiên, đằng sau những lời nói cứng rắn là dấu hiệu cho thấy sự đoàn kết của liên minh này đang gặp nguy hiểm vì Nga.

 

Ảnh minh họa


Nhiều nước Đông Âu muốn EU từ bỏ chính sách trừng phạt Nga


Ngoại trưởng Anh Philip Hammond hôm qua cho biết, ông cảm thấy lo ngại về thông tin có ít nhất 23 chiếc xe bọc thép của Nga vượt qua biên giới, xâm nhập vào lãnh thổ Ukraine . Dù thông tin hoàn toàn chưa được kiểm chứng và bị nghi ngờ về tính xác thực, ông Hammond vẫn đưa ra lời cảnh báo lạnh lùng rằng, Moscow sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng nếu không rút đoàn xe bọc thép nói trên ra khỏi biên giới với Ukraine.

 

Trong khi đó, ngoại trưởng của hai nước thành viên cứng rắn hơn trong EU là Thụy Điển và Latvia, tuyên bố, liên minh này có thể áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nếu tình hình Ukraine tiếp tục xấu đi và Nga sử dụng đoàn xe viện trợ làm cái cớ xâm lược nước láng giềng.

 

Tuy nhiên, đằng sau những lời nói có vẻ cứng rắn, quyết liệt trên là những dấu hiệu cho thấy, sự đoàn kết, thống nhất của Liên minh Châu Âu đang đối mặt với nguy cơ bị tan vỡ vì Nga. Đòn trả đũa của Nga được tung ra hồi tuần trước đã khiến nhiều nước EU lao đao và điều đó đang gây tổn hại đến quyết tâm của liên minh này trong việc đối đầu với Nga

 

Nhiều nước thành viên EU lo sợ rằng việc làm leo thang cuộc chiến thương mại với Nga có thể phá tan hy vọng hồi phục nền kinh tế của họ. Các số liệu mới nhất được công bố hoom14/8 cho thấy, sự tăng trưởng kinh tế trong khu vực đồng euro gồm 18 quốc gia đang chững lại ở con số 0 trong quý hai của năm, thậm chí khi nền kinh tế EU lúc này chưa thấm đòn trả đũa từ Nga.

 

Thủ tướng Hungary Viktor Orban hôm qua (15/8) đã lên tiếng phát biểu, EU đang tự làm đau chính mình bằng việc tung ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Ông này đang kêu gọi EU nghĩ lại. Theo ông Orban, việc trừng phạt Nga của EU giống như việc liên minh này “tự bắn vào chân mình”.

 

“Chính sách trừng phạt mà phương Tây theo đuổi với hậu quả nhất thiết sau đó là những gì Nga đang làm đang gây hại cho chúng ta nhiều hơn Nga”, hãng tin Reuters dẫn lời Thủ tướng Orban phát biểu trên đài phát thanh. Ông này còn nói thêm rằng, “trong chính trị, người ta gọi đó là hành động tự bắn vào chân mình”.

 

Nga đang là đối tác htuowgn mại lớn nhất của Hungary ngoài EU, với xuất khẩu của Hungary sang Nga đạt 3,4 tỉ USD năm 2013. Hungary cũng phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung cấp năng lượng từ Nga. Trước đó, hồi đầu năm nay, Hungary đã ký một hợp đồng trị giá 13 tỉ USD với công ty Rosatom của Nga để mở rộng nhà máy năng lượng hạt nhân duy nhất của nước này.

 

“EU không chỉ nên đền bù cho các nhà sản xuất ở các nước Ba Lan, Slovakia, Hungary và Hy Lạp – những nước đang phải hứng chịu tổn thất từ đòn trả đũa của Nga, mà còn nên xem lại chính sách trừng phạt”, Thủ tướng Hungary cho biết đồng thời tuyên bố ông đang tìm kiếm sự ủng hộ cho việc thay đổi chính sách trừng phạt Nga.

 

Những phát biểu trên của Thủ tướng Orban được đưa ra một ngày sau khi người đồng cấp Slovakia của ông này – ông Robert Fico cũng lên tiếng chỉ trích gay gắt các biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào Nga, nói rằng đó là những biện pháp “vô nghĩa”, khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của liên minh 28 thành viên bị ảnh hưởng. Ông Fico gay gắt hỏi: "Tại sao chúng ta lại phải làm hại nền kinh tế của EU. Ai được lợi nếu nền kinh tế EU bị suy thoái, nền kinh tế Nga gặp rắc rối và nền kinh tế Ukraine sụp đổ?”.

 

Lãnh đạo của các nước như Hungary , Slovakia và CH Czech đều tin rằng, các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga đã đi quá xa.

 

Thủ tướng Czech Bohuslav Sobotka gần đây cũng bày tỏ sự bất mãn về chính sách trừng phạt NGa. "Cả EU và Nga đều chẳng được lợi gì khi bị cuốn vào một cuộc chiến thương mại kéo dài”, ông Sobotka nói.

 

Trước đó, hôm 14/8, ông Matteo Salvini – Lãnh đạo Đảng Liên đoàn Phía Bắc của Italia cũng lên tiếng kêu gọi Brussels ngay lập tức hủy bỏ lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.

 

“Chỉ có những kẻ ngốc như Brussels Rome mới có thể quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Điều đó gây ra hậu quả là hàng tấn hàng nông sản trị giá 1 tỉ euro của Italia đang bị gửi trở lại”, ông Salvini đã viết như vậy trên trang Facebook. “Ai sẽ trả tiền cho những người nông dân của chúng ta? Renzi? Merkel?”

 

Vị chính khách trên chỉ trích mạnh mẽ rằng, để làm hài lòng Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Italia Matteo Renzi đã "phá hủy nền kinh tế” của đất nước.

 

Như vậy, ngày càng có nhiều nước thành viên EU, đặc biệt là các nước Đông Âu, cảm thấy khó chịu và phản đối việc phương Tây trừng phạt Nga. Từ quan điểm của Mỹ và phương Tây, các nước này cho rằng những nước như Hungary , Slovakia hay Czech sợ Nga và họ cần phải hành động “dũng cảm” giống như Ba Lan – một nước đang tỏ ra rất cứng rắn với Nga.

 

Tuy nhiên, trên thực tế, theo các nhà phân tích, các nhà lãnh đạo Orban, Fico và Sobotka sở dĩ không muốn thách thức Nga như Lãnh đạo của Ba Lan Sikorski bởi họ hiểu rõ về nước Nga chứ không phải vì vấn đề dũng cảm hay hèn nhát. Các nước này thừa biết, việc dùng đòn trừng phạt với Nga chẳng có tác dụng gì, chẳng làm Tổng thống Putin hay giới lãnh đạo ở Moscow chùn bước mà thay vào đó chỉ khiến tình hình tồi tệ thêm. Thực tế này có thể được thấy rõ qua việc, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây trong 5 tháng qua chẳng đem lại được bất kỳ kết quả cụ thể nào. Washington và EU tốt hơn hết là nên tìm cách hạ nhiệt tình hình căng thẳng ở Ukraine bằng cách từ bỏ sự hoài nghi đối với Moscow và chấm dứt các hoạt động hậu thuẫn, ủng hộ về quân sự cho Kiev .


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc