Nga không muốn đối đầu với phần còn lại của thế giới

19:05, 15/08/2014
|

(VnMedia) - Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, nhiều người châu Âu muốn chấm dứt các lệnh trừng phạt kinh tế mà châu Âu đang áp đặt lên Nga.
 
“Nhiều người ở châu Âu, trong đó có các các chính trị gia, các đồng nghiệp của tôi – và cả Tổng thống Pháp, người mà tôi từng nói rằng tôi hiểu cảm giác của ông ấy – đều đang muốn ngừng các lệnh trừng phạt đang làm phương hại đến mối quan hệ hợp tác của chúng ta”.
 
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói như vậy tại một cuộc hội đàm với ông Philippe de Villiers, một lãnh đạo của đảng "Mouvement pour la France" (Pháp).

Ảnh minh họa
Tổng thống Nga Vladimir Putin

Cuộc hội đàm giữa hai bên tập trung các các vấn đề chính sách quốc tế. Tại cuộc hội đàm, Tổng thống Nga lưu ý rằng Nga buộc phải đưa ra các lệnh trừng phạt kinh tế đáp trả các lệnh trừng phạt kinh tế của châu Âu và Moscow luôn bảo vệ những nguyên tắc của mình cũng như những người có cùng quan điểm với Moscow.
 
Ông Philippe de Villiers cũng nói rằng, nhiều người châu Âu không đồng ý với các nhà lãnh đạo của họ trong việc áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế với Nga và vẫn muốn hợp tác với Nga.
 
Hồi tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký kết một sắc lệnh , trong đó cấm nhập khẩu các loại lương thực và nông sản từ các quốc gia áp đặt lệnh trừng phạt lên Nga trong vòng 1 năm.
 
Sắc lệnh cũng yêu cầu Chính phủ đưa ra phương án ổn định thị trường nội địa, giám sát sự biến động của hàng hóa và giá cả, trừng trị đầu cơ, thao túng thị trường, áp dụng các biện pháp tăng cường sử dụng hàng sản xuất trong nước.
 
Hứng chịu đòn "phản công" chính của Nga sẽ là các nhà sản xuất và nhà xuất khẩu châu Âu chuyên cung cấp các loại trái cây, rau quả, giò và xúc xích, phormat, bơ và những sản phẩm từ sữa. Theo tư liệu của Ủy ban châu Âu, thị phần nhập khẩu của Liên minh châu Âu vào Nga là khoảng 30% trái cây và hơn 20% các loại rau. Tổng cộng hàng năm Nga nhập khẩu thực phẩm và nông sản chừng 30 tỷ USD. Trong đó chỉ 2% là từ Mỹ.
 
Đòn đáp trả này của Nga trước hết nhằm vào EU, Mỹ, Canada, Na-uy và Úc. 
 
Yêu cầu chính phủ Nga đưa ra biện pháp đối phó với các hình thức trừng phạt kinh tế gần đây nhất chống lại Nga, ông Putin kêu gọi các cơ quan liên quan đảm bảo phải có các biện pháp hỗ trợ sản xuất trong nước và không "gây thiệt hại cho người tiêu dùng".
 
Mỹ và châu Âu đã đồng loạt áp đặt một số lệnh trừng phạt lên các quan chức và các công ty của Nga theo sau sự kiện Crimea ly khai khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga hồi tháng 3 vừa qua với cáo buộc Moscow can thiệp vào vấn đề nội bộ của Kiev.
 
Nhiều quốc gia châu Âu đều thừa nhận chính họ sẽ thiệt hại lớn từ “cuộc chiến” lệnh trừng phạt giữa Phương Tây và Nga.
 
Các doanh nghiệp Thụy Sỹ bày tỏ quan ngại nếu lệnh cấm này kéo dài và họ không muốn mất thị trường Nga, mặc dù mỗi năm Thụy Sỹ chỉ xuất khẩu sang Nga khoảng 70 triệu euro. Một số quan chức của Ủy ban Châu Âu cũng quan ngại trước các lệnh trừng phạt của EU và Mỹ đối với Nga.
 
Theo tính toán sơ bộ thì phía Latvia có thể bị thiệt hại khoảng 55 triệu euro mỗi năm do lệnh cấm này của Nga, còn đối với Hy lạp thì con số thiệt hại ước 180 triệu euro mỗi năm.
 
EU là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, với kim ngạch thương mại song phương năm 2013 đạt 336 tỷ euro. Các biện pháp hạn chế huy động vốn sẽ tác động nghiêm trọng tới quan hệ kinh tế, thương mại song phương.
 
Nga không muốn đối đầu với phần còn lại của thế giới

Trong một diễn biến liên quan khác, cùng ngày, Tổng thống Nga - Vladimir Putin tuyên bố, nước Nga luôn sẵn sàng đứng lên bảo vệ lợi ích của mình, nhưng không muốn đối đầu với phần còn lại của thế giới. 
 
Tuyên bố này được coi là một tín hiệu tìm kiếm sự hòa giải với phương Tây sau nhiều tháng căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và châu Âu leo thang vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine, dẫn đến các lệnh trừng phạt trả đũa lẫn nhau khiến cả 2 bên có thể thiệt hại nặng nề.
 
Phát biểu với giới chức Crimea trong chuyến thăm bán đảo này ngày 14/8, Tổng thống Nga Putin cho biết, nước Nga sẽ duy trì sự bình tĩnh, điềm đạm, lòng tự trọng và tiếp tục xây dựng đất nước một cách hiệu quả, nhưng không đồng nghĩa với việc tạo ra một rào chắn với thế giới bên ngoài.
 
“Chúng ta phải phát triển đất nước bằng sự điềm đạm, lòng tự trọng và hiệu quả mà không tự cô lập mình khỏi thế giới bên ngoài hay phá vỡ mối quan hệ với các đối tác, nhưng cũng không cho phép bất cứ ai đối xử thiếu tôn trọng với chúng ta”, Thổng thống Putin khẳng định
 
Trong bài phát biểu, Tổng thống Putin nhấn mạnh, nước Nga phải đoàn kết và luôn sẵn sàng nhưng không phải cho một cuộc chiến hay bất cứ hình thức đối đầu nào. Ông chủ Điện Kremlin khẳng định, Moscow sẽ làm tất cả những gì có thể để chấm dứt xung đột và đổ máu ở Ukraine.
 
Theo Tổng thống Putin, các đối tác của Moscow trên khắp thế giới cũng cần phải hiểu rằng, cũng giống như những nước lớn và hùng mạnh khác, Nga có rất nhiều biện pháp để đảm bảo lợi ích quốc gia, bao gồm cả giải pháp quân sự, nhưng học thuyết ngoại giao của Nga là yêu chuộng hòa bình.
 
Trong khi đó, giới quan sát phương Tây lại cho rằng, đây không phải là lần đầu tiên ông Putin dùng lời lẽ xoa dịu Liên minh châu Âu và Mỹ, nhưng điều này chưa đảm bảo các động thái hòa giải thực tế giữa 2 bên.


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc