Nếu chiến tranh xảy ra, Kiev sẽ bị bỏ rơi?

06:24, 19/08/2014
|

(VnMedia) - Nếu Nga và Ukraine bị trượt vào một cuộc chiến tranh thực sự thì Mỹ và các đồng minh sẽ phải đối mặt với những sự lựa chọn khó khăn về việc làm thế nào để ủng hộ cho một quốc gia mà họ không có ý định kết nạp thành thành viên đầy đủ của NATO.
 

Ảnh minh họa


Ảnh minh họa


Trong một diễn biến được cho là một bước ngoặt leo thang căng thẳng giữa Nga và Ukraine, chính quyền Kiev hồi cuối tuần vừa rồi tuyên bố họ đã tấn công và phá hủy một phần đoàn xe bọc thép của Nga đang rầm rập tiến vào lãnh thổ Ukraine.
 
Moscow bác bỏ thông tin trên, gọi đó là trò “ảo tưởng” trong khi đó NATO xác nhận có “sự xâm nhập” của Nga. Mặc dù thông tin về việc Ukraine tấn công đoàn xe bọc thép của Nga chưa được kiểm chứng nhưng người ta bắt đầu lo ngại về khả năng bùng phát một cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine. Và nếu thật sự Kiev dám tấn công đoàn xe của Nga, Moscow chắc chắn sẽ đáp trả. Đây có thể là mồi lửa châm ngòi cho một cuộc chiến tranh thật sự giữa hai nước láng giềng sát vách từng rất gắn bó với nhau.
 
Nếu Moscow có bất kỳ hành động nào chống lại một quốc gia thành viên của NATO thì ngay lập tức liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương này có thể áp dụng điều khoản phòng thủ chung trong Chương 5 của hiến chương NATO để phát động một cuộc chiến tranh nhằm vào Nga. Tuy nhiên, Ukraine lại không phải là một thành viên của NATO và giới chức phương Tây cho biết, Ukraine cũng không thể sớm được gia nhập NATO.
 
Washington và các nước phương Tây đã dùng phần lớn thời gian trong 5 tháng qua để tung ra liên tiếp các biện pháp trừng phạt nhằm vào chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin, miêu tả hành động của Moscow ở nước láng giềng Ukraine là không thể chấp nhận được. Các nước phương Tây cáo buộc Moscow trang bị vũ khí cho phe nổi dậy – điều mà điện Kremlin kịch liệt bác bỏ.
 
Tuy nhiên, trên thực tế, giới lãnh đạo Mỹ và các nước Châu Âu đang cố gắng tìm cách tránh một cuộc đối đầu tiềm năng giữa hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới. Một hành động quân sự trực tiếp của các nước NATO là điều hoàn toàn bị gạt ra khỏi mọi cuộc thảo luận, bàn bạc trong liên minh này, giới chức cũ và đương nhiệm của NATO đã khẳng định chắc chắn như vậy.
 
"Phương Tây đã cố gắng đẩy tới các giới hạn mà liên minh này cảm thấy có thể làm được mà không nhận thấy chính mình đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng với Nga”, ông Samuel Charap – một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ hiện là một chuyên gia cấp cao của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho biết.
 
"Có thể có thêm các biện pháp trừng phạt, có thể có thêm sự ủng hộ dành cho Kiev nhưng để vượt qua điều đó tôi thực sự không tin Mỹ sẽ làm điều đó", ông Charap nhận định.
 
Nếu chiến tranh xảy ra, ai sẽ thắng?
 
Phát biểu trong tình trạng giấu tên trước khi xảy ra vụ có thông tin Kiev tấn công đoàn xe bọc thép của Nga, giới chức Mỹ cho hay, họ đang đặt lên bàn nhiều sự lựa chọn nếu leo thang căng thẳng trong khu vực. Trong số các lựa chọn này có việc thắt chặt thêm các biện pháp trừng phạt, tẩy chay Moscow ra khỏi các diễn đàn quốc tế, tăng cường sự hiện diện quân sự của NATO ở Đông Âu và có thể cung cấp thêm những mặt hàng viện trợ không gây sát thương cho Kiev.
 
Các biện pháp trừng phạt và áp lực kinh tế đối với Nga đã dẫn đến một cuộc chiến thương mại thực sự nhưng điều này không làm Moscow nao núng mà thay đổi lập trường trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
 
Lực lượng vũ trang Ukraine có thể cảm thấy được “khích lệ tinh thần” từ thông tin chưa được kiểm chứng về cuộc tấn công thành công vào một đoàn xe bọc thép của Nga. Tuy nhiên, giới chuyên gia hầu hết đều có chung nhận định, Nga có thể dễ dàng đè bẹp Ukraine nếu bị tấn công bằng vũ lực , đặc biệt nếu Moscow chỉ giới hạn chiến dịch tấn công ở miền đông nam Ukraine – nơi có đông đảo cộng đồng người nói tiếng Nga, gốc Nga sinh sống.
 
Nếu thọc sâu hơn vào miền trung và khu vực trung tâm phía tây của Ukraine, Nga sẽ gặp khó khăn hơn nhưng vẫn có ưu thế.
 
Cho đến thời điểm này, Washington mới chỉ giúp đỡ Kiev bằng việc cung cấp các mặt hàng viện trợ không gây sát thương. Nhưng điều này có thể thay đổi, giới chức Mỹ cho biết. Tình trạng tiến thoái ở đây, theo giới chức Mỹ, là bất kỳ sự giúp đỡ nào về mặt quân sự của Mỹ cho Kiev chắc chắn Nga đều có thể đối phó bởi xét về sức mạnh quân sự, Nga chẳng thua kém gì Mỹ.
 
Trong trường hợp khả thi nhất, Mỹ có thể cung cấp cho quân đội Kiev sự giúp đỡ về quân sự hạn chế như cung cấp các hệ thống vũ khí tương đối nhỏ, ví dụ như các tên lửa chống tăng. Điều này chỉ có thể làm chậm chứ không thể ngăn được bước tiến của quân Nga.
 
Như vậy, một cuộc chiến với Nga chỉ khiến Ukraine hứng chịu hậu quả nặng nề và nước này được cho là không nên trông chờ nhiều vào sự giúp đỡ từ Mỹ cũng như phương Tây. Cách tốt nhất là Kiev nên chấm dứt chiến dịch đàn áp quân sự ở miền đông Ukraine, ngồi vào bàn đàm phán và tìm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng dài nhiều tháng qua ở nước này. Nếu tiếp tục để tình hình diễn ra theo cách như hiện nay, sẽ có thêm nhiều người chết, thêm nhiều cơ sở hạ tầng bị tàn phá và đất nước Ukraine sẽ thêm kiệt quệ, chia rẽ.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc