NATO sẽ "thẳng tay đáp trả quân sự Nga"

11:06, 18/08/2014
|

(VnMedia) - "Nếu Nga tìm cách đưa quân vào một quốc gia NATO, thậm chí là dưới hình thức giấu mình như vụ sáp nhập Crimea, NATO sẽ đáp trả thẳng tay bằng quân sự", chỉ huy hàng đầu của liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương tuyên bố như vậy trong một cuộc trả lời phỏng vấn ngày hôm qua (17/8).
 

Ảnh minh họa


Chỉ huy tối cao của Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) – Tướng Philip Breedlove


NATO cáo buộc lực lượng binh lính mặc quân phục không đeo phù hiệu đã được triển khai ở Crimea, khi bán đảo này được sáp nhập vào Nga hồi cuối tháng 2. Kiev và các chính phủ phương Tây hiện đang lo lắng, hồi hộp chờ xem Moscow có can thiệp vào tình hình ở miền đông Ukraine khi lực lượng ly khai đang bị bao vây, bóp nghẹt bởi quân đội trung thành với Kiev và cộng đồng người nói tiếng Nga ở khu vực đang đối mặt với cảnh sống khó khăn.
 
Chỉ huy tối cao của Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) - Tướng Philip Breedlove cho biết, mặc dù NATO không có kế hoạch can thiệp vào tình hình Ukraine - một nước không phải là thành viên của NATO, nhưng các nước NATO ở Đông Âu cần phải chuẩn bị sẵn sàng cho mối đe doạ tiềm năng từ “những người đàn ông xanh”, ám chỉ đến lực lượng binh lính mặc quân phục xanh không đeo phù hiệu mà NATO cáo buộc là quân Nga.
 
"Công việc quan trọng nhất là chuẩn bị cho một quốc gia đối phó với vấn đề từ ‘những người đàn ông xanh hay là sắp xếp, tổ chức cộng đồng nói tiếng Nga. Điều đó đã xảy ra đầu tiên và nó đang xảy ra”, ông Breedlove cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn được đăng tải trên tờ Die Welt của Đức.
 
"Làm thế nào để chúng ta bây giờ có thể đào tạo, tổ chức và trang bị cho lực lượng cảnh sát, quân đội ở các quốc gia đồng minh có thể đối phó với điều đó. Nếu chúng tôi chứng kiến những hành động như vậy xảy ra ở một quốc gia NATO và chúng tôi có thể coi đó là một quốc gia xâm lược. Như vậy, điều 5 sẽ được áp dụng và đó sẽ là một đòn trả đũa quân sự”, Tổng thư ký NATO đã đưa ra lời cảnh báo sắc lạnh như vậy. Lời cảnh báo này rõ ràng đang được dùng để ám chỉ đến Nga khi mà giới chức Mỹ và phương Tây gần đây liên tục cáo buộc Moscow có ý định xâm lược Moscow.
 
Điều khoản phòng thủ chung của NATO có quy định, một cuộc tấn công nhằm vào một quốc gia thành viên của liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương sẽ được coi là một cuộc tấn công vào toàn bộ liên minh này.
 
Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang lôi mối quan hệ Đông-Tây xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Cuộc khủng hoảng này đã châm ngòi cho một “cuộc chiến” thương mại gây tổn thương cho cả nền kinh tế ở cả Nga và Châu Âu. NATO gần đây đã áp dụng một loạt bước đi nhằm củng cố sự hiện diện quân sự ở Đông Âu. Điều này đã khiến Moscow lo ngại phản ứng.
 
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hồi cuối tuần vừa rồi đã lên tiếng bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về việc Mỹ cùng NATO gần đây tăng cường các hoạt động quân sự ở gần biên giới Nga. Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Chuck Hagel, Bộ trưởng Shoigu đã kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở miền đông Ukraine và thiết lập một hành lang an toàn cho việc cung cấp hàng viện trợ nhân đạo và sơ tái người dân ra khỏi vùng chiến sự ở miền đông Ukraine.
 
Đức, Mỹ cũng đồng loạt cảnh báo Nga
 
Đức hôm qua cũng cảnh báo rằng, các cuộc xung đột trực tiếp giữa Nga và Ukraine cần phải được tránh bằng mọi giá. Lời cảnh báo này được đưa ra khi giới chức ngoại giao hàng đầu của Moscow và Kiev có cuộc gặp nhằm tìm hướng giải quyết cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, hy vọng về một sự đột phá trong cuộc gặp gỡ này là rất nhỏ.
 
Ngoại trưởng các nước Nga, Ukraine, Đức và Pháp đã gặp nhau ở thủ đô Berlin sau khi Moscow một lần nữa bác bỏ những cáo buộc về việc họ đang đưa vũ khí vào cho lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine để giúp lực lượng này chống trả lại quân Kiev.
 
Trước cuộc gặp trên, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã nói rằng, tất cả các bên cần phải “rất thận trọng để không cho tình hình trượt sâu thêm vào một cuộc đối đầu trực tiếp giữa lực lượng vũ trang Ukraine và Nga. Điều này phải được tránh bằng mọi giá".
 
Ông Steinmeier cũng thận trọng cho biết, “không có sự bảo đảm nào về việc các cuộc gặp gỡ ngày hôm nay sẽ dẫn đến thành công mà chúng ta mong đợi” nhưng nhấn mạnh “sẽ là vô trách nhiệm nếu chúng ta không tận dụng cơ hội khi các bên muốn đối thoại với nhau”.
 
Vấn đề ở đây sẽ là “liệu có con đường nào tiến đến một lệnh ngừng bắn thực tế và dai lâu, giúp đem lại cho chúng ta hy vọng về khả năng chấm dứt tình hình chiến sự” ở miền đông Ukraine hay không, Ngoại trưởng Đức nói.
 
Trước Đức, Mỹ cũng lên tiếng kêu gọi Nga chấm dứt những hành động mà nước này miêu tả là “cực kỳ nguy hiểm và khiêu khích” nhằm gây bất ổn ở Ukraine khi căng thẳng ở miền đông leo thang nhanh chóng trong 24 giờ qua. Lời cảnh báo này được đưa ra vài giờ sau khi Kiev tuyên bố lực lượng của họ tấn công và phá huỷ một phần của đoàn xe bọc thép mà Nga đưa vào lãnh thổ Ukraine. Thông tin này chưa được kiểm chứng và Moscow bác bỏ hoàn toàn thông tin đó.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc