Mỹ che giấu bí mật vụ MH17?

13:03, 11/08/2014
|

(VnMedia) - Cựu nghị sĩ Mỹ Ron Paul cho rằng, chính phủ Mỹ biết “nhiều hơn là những gì họ nói” về vụ máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị bắn rơi ở miền đông Ukraine hồi tháng trước, khiến toàn bộ 298 người đi trên máy bay tử nạn và đẩy quan hệ Nga-Mỹ vào tình trạng xấu hơn bao giờ hết.

 

Ảnh minh họa


Cựu Nghị sĩ Mỹ Ron Paul


Trong một nỗ lực nhằm tạo sự cân bằng nhất định trong các luồng ý kiến về cuộc tranh cãi hiện nay xung quanh việc chuyện gì đã xảy ra với chiếc máy bay Boeing 777 của Malaysia, ông Ron Paul tin rằng, chính phủ Mỹ đang ém nhẹm một số thông tin về thảm kịch này.

 

"Chính phủ Mỹ đã trở nên lặng lẽ một cách kỳ lạ trước cáo buộc cho rằng chính Nga hay là các đồng minh của nước này đã bắn hạ chiếc máy bay MH 17 của Malaysia bằng tên lửa đối không Buk", cựu nghị sĩ Paul cho biết trên website tin tức của ông này hồi cuối tuần vừa rồi.

 

Những phát biểu trên của ông Paul đi ngược lại hoàn toàn với những ý kiến một chiều được đăng tải tràn ngập trên báo chí chính thống của phương Tây trong thời gian qua, trong đó đều đồng loạt đổ lỗi cho lực lượng ly khai và Nga trong vụ máy bay MH 17 bị bắn rơi. Đáng kinh ngạc là, trong nhiều trường hợp, Washington không có gì để đưa ra làm bằng chứng để chứng minh cho những cáo buộc của họ ngoài các thông tin được lấy từ các trang mạng xã hội.

 

“Chúng tôi đã chứng kiến tình trạng vũ khí hạng nặng được chuyển từ Nga đến Ukraien và những vũ khí này đã đến tay giới lãnh đạo của lực lượng ly khai. Và theo thông tin được cung cấp trên các trang mạng xã hội, những vũ khí đó bao gồm tên lửa SA-11 (Buk)”, phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest cho hay.

 

Trong trường hợp khác, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf từng nói với phóng viên rằng, “Nga có ý định cung cấp vũ khí hạng nặng hơn và những bệ phóng tên lửa hùng mạnh cho lực lượng ly khai ở Ukraine . Mỹ có bằng chứng chứng tỏ Nga đang bắn đạn pháo từ lãnh thổ của họ sang các cứ điểm của quân đội Ukraine ”. Tuy nhiên, khi được phóng viên AP Matthew Lee đề nghị cung cấp bằng chứng, phát ngôn viên Harf đã từ chối.

 

Chỉ vài ngày sau khi giới chức tình báo Mỹ thừa nhận, họ không có bằng chứng thuyết phục để chứng minh cho cáo buộc Nga đứng đằng sau vụ máy bay MH17 của Malaysia bị bắn rơi, Kiev đã cho công bố một loạt hình ảnh vệ tinh mà nước này miêu tả là “bằng chứng chứng tỏ họ không triển khai các khẩu đội tên lửa phòng không xung quanh địa điểm MH17 bị bắn rơi. Tuy nhiên, những hình ảnh này đều đã được điều chỉnh về thời gian in trên ảnh, Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc.

 

Trong một diễn biến khác chưa thể được giải thích, quân đội Nga đã phát hiện một chiếc máy bay chiến đấu SU-25 của Ukraine tiếp cận lại gần chiếc máy bay MH17 trong ngày xảy ra thảm kịch. Chưa có lời giải thích có thể chấp nhận nào được Kiev đưa ra về việc tại sao chiếc chiến đấu cơ của họ lại áp sát chiếc máy bay dân sự xấu số vào ngay thời điểm trước khi nó bị bắn rơi.

 

“Chúng tôi muốn có được một lời giải thích rõ ràng về lý do tại sao một máy bay quân sự bay dọc vào khu vực hành lang cho máy bay dân sự cùng vào thời điểm và cùng ở độ cao tương tự với máy bay chở khách”, Trung tướng Andrey Kartopolov của Nga cho biết.

 

Cựu nghị sĩ Mỹ Paul đã chỉ trích Mỹ gay gắt về việc không cung cấp được bất kỳ một bằng chứng nào để giải quyết sự bí ẩn bao trùm vụ máy bay của Malaysia rơi bất chấp việc siêu cường số 1 thế giới sở hữu trong tay kho công nghệ do thám đồ sộ và tinh vi.

 

"Rất khó có thể tin được rằng Mỹ, với tất cả các vệ tinh do thám sẵn có được dùng để theo dõi, giám sát nhất cử nhất động mọi diễn biến ở Ukraine, lại không thể cung cấp bằng chứng chính xác về việc ai đã gây ra vụ rơi máy bay đó và khi nào”, cựu nghị sĩ Paul cũng từng hai lần là ứng cử viên tổng thống của nước Mỹ, cho hay.

 

"Quá tồi tệ khi chúng ta không thể dựa vào chính phủ để họ nói cho chúng ta sự thật cũng như không trưng ra được các bằng chứng cho chúng ta. Tôi tin rằng, họ biết nhiều hơn những gì họ đang nói ra cho chúng ta hiện nay”, ông Paul cáo buộc.

 

Mặc dù không có bằng chứng đầy đủ để chứng minh rằng lực lượng ly khai miền đông Ukraine chịu trách nhiệm về vụ bắn rơi máy bay MH17 nhưng điều này không ngăn Mỹ và Châu Âu áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

 

Moscow đã đáp trả bằng việc tung ra lệnh cấm các mặt hàng nông sản, thực phẩm từ Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU). Đòn trả đũa của Nga chắc chắn sẽ khiến cả Mỹ và Châu Âu phải chịu tổn thất bởi Nga nhập khẩu tương đối nhiều mặt hàng thực phẩm và nông sản từ hai thị trường này.

 

Sau khi xảy ra vụ máy bay MH17 rơi, cựu nghị sĩ Ron Paul là một trong những tiếng nói hiếm hoi kêu gọi giới chức Mỹ hãy bình tĩnh, thận trọng, không đưa ra lời cáo buộc, chỉ trích khi mà không có đủ bằng chứng cho điều đó. Ông này cũng không ngại ngần công khai chỉ trích báo chí phương Tây vì việc đưa tin phiến diện, một chiều trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine .


Vân Linh - (theo RT)

Ý kiến bạn đọc