(VnMedia) - Nhóm chiến binh Quốc gia Hồi giáo đã hành quyết 700 người của một bộ lạc ở phía đông Syria chỉ trong vỏn vẹn 2 tuần qua. Đa số các nạn nhân là dân thường. Thông tin này đã được xác nhận bởi một nhóm giám sát nhân quyền và các nhà hoạt động.
|
Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria chuyên theo dõi tình trạng bạo lực của tất cả các bên trong cuộc nội chiến kéo dài 3 năm qua ở Syria hôm thứ Bảy (16/8) cho biết, những nguồn tin đáng tin cậy đã tiết lộ, 700 người đã bị nhóm Quốc gia Hồi giáo hành quyết dã man, trong đó có nhiều trường hợp là sử dụng hình thức chặt đầu ghê rợn. Những người bị hành quyết đều thuộc bộ lạc al-Sheitaat đến từ tỉnh Deir al-Zor.
Cuộc xung đột giữa Nhóm Quốc gia Hồi giáo với bộ lạc al-Sheitaat có 70.000 dân bắt đầu bùng lên sau khi các chiến binh Hồi giáo chiếm giữ hai giếng dầu của bộ lạc al-Sheitaat hồi tháng 7.
“Những người bị hành quyết tất cả đều là người của bộ lạc al-Sheitaat”, người đứng đầu Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria – ông Rami Abdelrahman cho biết qua đường dây điện thoại từ Anh. “Một số bị bắt, bị phát xét và sau đó bị giết”, ông Abdelrahman cho biết thêm.
Tuyên bố thành lập một “nhà nước Hồi giáo” ở khu vực nằm giữa một số phần của Iraq và Syria, Nhóm Quốc gia Hồi giáo đang hoành hành khắp khu vực phía bắc Iraq trong những tuần gần đây, đẩy lui các lực lượng khu vực người Kurd và đuổi hàng ngàn người Hồi giáo, người Thiên Chúa giáo và các thành viên của dân tộc thiểu số Yazidi ra khỏi nơi ở của họ. Kết quả là Mỹ bắt đầu tiến hành các cuộc không kích vào Iraq, đánh dấu sự trở lại đầu tiên của lực lượng quân đội Mỹ kể từ sau khi họ rút quân ra khỏi chiến trường này năm 2011.
Các chiến binh Hồi giáo cũng đang thắt chặt quyền kiểm soát ở Syria. Nhóm Quốc gia Hồi giáo hiện đang kiểm soát khoảng 1/3 khu vực phía bắc và phía đông Syria, chủ yếu là các vùng nông thôn.
Một nhà hoạt động ở Deir al-Zor giấu tên cho biết, khi Nhóm Quốc gia Hồi giáo tấn công vào thành phố Ghraneij, trung tâm bộ lạc al-Sheitaat, vào hồi đầu tuần này, chỉ trong một ngày đã có 300 người bị hành quyết ở nơi đây.
Một nhà hoạt động đối lập khác đến từ Deir al-Zor cho biết, người dân ở các thành phố al-Sheitaat đang nhận được tối hậu thư phải rời nơi ở của họ trong vòng 3 ngày.
“Những người bị hành quyết trong đợt tấn công vào khu vực al-Sheitaat của Nhóm Quốc gia Hồi giáo là khoảng 300 người. Phần còn lại bị hành quyết trong quá trình diễn ra ác cuộc giao tranh”, nhà hoạt động đối lập giấu tên nói trên cho hay.
Người dân đã phải tháo chạy khỏi các thành phố, thị trấn của bộ lạc al-Sheitaat và tìm đến ẩn náu ở những ngôi làng khác hoặc chạy thẳng sang Iraq.
Hơn 170.000 người đã thiệt mạng kể từ khi cuộc nội chiến ở Syria bùng lên. Đây là cuộc chiến giữa lực lượng nổi dậy theo dòng Hồi giáo Sunni và chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad – một thành viên của giáo phái Alawite – một chi nhánh của dòng Hồi giáo Shi'ite.
Phe nổi dậy bị chia rẽ giữa các phe nhóm khác nhau trong nội bộ ở Syria, với Nhóm Quốc gia Hồi giáo đang nổi lên là nhóm quyền lực nhất, đáng sợ nhất. Nhóm Quốc gia Hồi giáo có độ tàn bạo được miêu tả là còn hơn cả Al-Qaeda.
Các nhóm bộ tộc, bộ lạc ở Syria và Iraq đang phải lựa chọn giữa việc đấu tranh chống lại Nhóm Quốc gia Hồi giáo hay là trung thành với nhóm này. Hồi cuối tuần vừa rồi, một đoạn băng được tung lên mạng YouTube cho thấy những người đàn ông thuộc bộ lạc al-Sheitaat ở thành phố Kishkeih và Abu Hammam đang thề trung thành và ủng hộ hết mình cho Nhóm Quốc gia Hồi giáo. Nhóm này đang kêu gọi những người khác theo họ về đầu quân cho Nhóm Quốc gia Hồi giáo.
Nhóm Quốc gia Hồi giáo đang reo rắc nỗi kinh hoàng khắp phương Tây?
Sự tàn bạo, dã man của Nhóm Quốc gia Hồi giáo đang thực sự gây ra nỗi lo sợ cho các nước phương Tây. Hồi cuối tuần vừa rồi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã ra một nghị quyết trong đó lên án Nhóm Quốc gia Hồi giáo là lực lượng “mắc hàng loạt những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và có hệ thống, vi phạm luật nhân quyền quốc tế”.
Thủ tướng Anh David Cameron hôm 17/8 cảnh báo, lực lượng chiến binh của Nhóm Quốc gia Hồi giáo đang hoành hành khắp Syria, Iraq và đang gây ra mối đe doạ trực tiếp đối với Anh. Vì thế, Anh cần phải sử dụng tất cả các công cụ có thể để chặn đứng bước đi của lực lượng đó.
Theo lời Thủ tướng Cameron, sẽ là không đúng đắn để đưa quân đội vào Iraq nhưng can thiệp quân sự ở một mức độ nào đó là cần thiết bởi mối đe doạ về sự bành trướng của “một nhà nước khủng bố” đang đặt ra ngay trước mắt Châu Âu và các đồng minh.
"Nếu chúng ta không hành động để ngăn chặn những vụ giết chóc, thảm sát của phong trào khủng bố cực kỳ nguy hiểm này, nó sẽ ngày càng trở nên mạnh mẽ và có thể nhằm vào chúng ta ngay trên các đường phố của nước Anh”, Thủ tướng Cameron đã viết như vậy trên tờ Sunday Telegraph.
"Tôi đồng ý rằng, chúng ta nên tránh đưa quân đội vào đó chiến đấu hoặc chiếm đóng, nhưng chúng ta cần phải thừa nhận rằng chúng ta cần phải có một kế hoạch lâu dài để bảo đảm tương lai tươi sáng hơn mà chúng ta mong đợi”, ông Cameron nói thêm.
Hiện tại, Mỹ đã buộc lòng phải can thiệp vào tình hình Iraq sau khi đã rút quân ra khỏi đây hồi năm 2011. Mỹ đang tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu của Nhóm Quốc gia Hồi giáo để ngăn chặn lực lượng này mở rộng khu vực chiếm đóng ở Iraq.
Vân Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc