EU tin tưởng vào tiềm năng của Việt Nam

11:34, 27/08/2014
|

(VnMedia) - Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Durão Barroso vừa có chuyến thăm 2 ngày kéo dài từ ngày 25 đến 26/8. Ngày hôm qua (26/8), ông Barroso đã có cuộc gặp với lãnh đạo các doanh nghiệp cấp cao của Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Ảnh minh họa

Chủ tịch Ủy ban châu Âu  José Manuel Durão Barroso


Phát biểu trước lãnh đạo các doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) cho hay, việc ông đến thăm Việt Nam lần thứ hai với tư cách là Chủ tịch Ủy ban Châu Âu đã chứng tỏ sự quan tâm của Liên minh Châu Âu (EU) dành cho Việt Nam cũng như cho mối quan hệ EU-Việt Nam – một mối quan hệ đã và đang phát triển ngày một mạnh mẽ và khăng khít hơn trong những năm qua.

 

“Tôi đến đây lần thứ hai chính xác là bởi tôi tin tưởng vào tiềm năng của đất nước Việt Nam và vào mối quan hệ song phương của chúng ta. Tôi tin tưởng chúng ta sẽ gặt hái được nhiều từ việc hợp tác chặt chẽ hơn nữa, cả trên bình diện chính trị và kinh tế. Đây cũng là thông điệp mà ngày hôm qua tôi đã chuyến tới các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam ”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Durão Barroso phát biểu.

 

Chuyến thăm lần đầu tiên của ông Barroso với tư cách là Chủ tịch Ủy ban Châu Âu diễn ra vào năm 2007. Khi đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Barroso đã khởi động đàm phán Hiệp định khung về Đối tác và Hợp tác giữa EU và Việt Nam . 5 năm sau, Việt Nam và EU đã ký kết hiệp định, “tạo ra cho mối quan hệ song phương một trụ cột chính trị vững mạnh mà dựa trên đó chúng ta có thể xây dựng đối thoại”, ông Barroso cho biết.

 

Tuy nhiên, theo ông Barroso, quan hệ EU-Việt Nam không thể chỉ đứng trên một chân trong thời gian lâu dài. Vì vậy, vào năm 2012, hai bên đã khởi động đàm phán hiệp định tự do thương mại thế kỉ 21 toàn diện. Hiệp định này sẽ là chân thứ hai trong mối quan hệ đối tác Việt Nam-EU. Hiệp định sẽ cho phép hai bên cùng nhau đối mặt với những thách thức trong tương lai.

 

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu cho rằng, “không có cách nào tốt hơn là xử lý những thách thức nói trên thông qua hội nhập kinh tế, mở cửa thị trường và xã hội. Chiến lược thương mại phối hợp của chúng ta, mục tiêu chung về một Hiệp định Tự do Thương mại song phương của chúng ta sẽ đóng góp vào đó, kết nối hai nền kinh tế của chúng ta một cách chặt chẽ hơn chưa từng có. Và, trên cơ sở của mối quan hệ kinh tế đó, một mối quan hệ quan trọng hơn, sâu sắc hơn và rộng lớn hơn được xây dựng – một mối liên kết của hợp tác chính trị và hữu nghị đích thực”.

 

Tiếp tục thành công ngoạn mục của Việt Nam

 

Trong bài phát biểu trước lãnh đạo các doanh nghiệp Việt Nam , Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Barroso đã nói đến tầm quan trọng của chính sách đổi mới, mở cửa thị trường của Việt Nam . Theo ông Barroso, “sự cởi mở đã dẫn đến sự phát triển”, giúp Việt Nam xóa đói nghèo và đưa nền kinh tế nổi lên trên nấc thang toàn cầu.

 

Tuy nhiên, “để thành công ngoạn mục của Việt Nam có thể kéo dài”, ông Barroso cho rằng, Việt Nam nên “tiếp tục cải cách kinh tế nhiều hơn và cởi mở hơn. Đây chính là bài học chúng tôi học được ở châu Âu với cuộc khủng hoảng kinh tế. Chúng ta cần chính sách tài chính tốt, quy định tốt và giám sát lĩnh vực tài chính và cải cách cơ cấu để tăng sức cạnh tranh và nắm bắt cơ hội của nền kinh tế toàn cầu”.

 

“Rõ ràng, tôn trọng các quy định của pháp luật, chống tham nhũng và đảm bảo một hệ thống tư pháp độc lập, hiệu quả là tất cả chìa khóa để cải thiện môi trường kinh doanh tại bất cứ nước nào, kể cả Việt Nam”, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu nhấn mạnh.

 

Ông Barroso tin rằng, “mối quan hệ chặt chẽ hơn với Liên minh châu Âu có thể giúp Việt Nam tiến lên phía trước trên con đường đó”. Một Hiệp định Tự do Thương mại giữa Việt Nam và EU không chỉ giúp Việt Nam tiến lên phía trước trên con đường phát triển mà còn góp phần đem đến một sự phục hồi bền vững cho Châu Âu.

 

Hiện tại, quan hệ thương mại Việt Nam-EU đạt 27 tỷ euro (36 tỷ USD) mỗi năm, nhưng theo Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, “đây chỉ là một phần nhỏ của tổng thương mại của EU - có nghĩa là chúng ta mới tận dụng không đáng kể bề mặt của mối quan hệ này. Những gì chúng ta cần là quan hệ hợp tác dài lâu”.

 

“Tôi rất vui mừng nói rằng các cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu về một hiệp định tự do thương mại đã đạt đến một giai đoạn quyết định. Tuy nhiên, trước khi chúng ta kết thúc, một số quyết định khó khăn và tham vọng hơn sẽ là cần thiết”, ông Barroso cho hay.

 

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) José Manuel Durão Barroso đã có chuyến thăm chính thức đến Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Trước khi đến Thành phố Hồ Chí Minh để gặp gỡ lãnh đạo các doanh nghiệp Việt Nam, ông Barroso đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hôm 25/8.

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban châu Âu đã thông báo cho nhau về tình hình kinh tế - xã hội và chính sách đối ngoại của mỗi bên, cùng trao đổi các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác Việt Nam - EU trong các lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị, an ninh - quản lý khủng hoảng tới môi trường, khoa học công nghệ, giáo dục, tư pháp và di cư… Bên cạnh các vấn đề song phương, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch EC cũng trao đổi về một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm như vấn đề Biển Đông, Cấp cao Á - Âu...


Hải Yến

Ý kiến bạn đọc