(VnMedia) - Sau khi Nga tung ra đòn trừng phạt đầu tiên nhằm vào Mỹ và EU, đã có rất nhiều quan chức và giới chuyên gia nói về những tổn thất to lớn mà EU sẽ phải hứng chịu. Vậy thực sự thì phương Tây phải hứng “đòn” đau như thế nào từ Nga?
|
Mất 16 tỉ USD vì “đòn đánh” đầu tiên của Nga
Việc Nga áp đặt lệnh cấm nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm và nông sản của Liên minh Châu Âu (EU) đã khiến liên minh này mất khoảng 16 tỉ USD. Điều này có thể lôi cả lục địa Châu Âu vào một cuộc khủng hoảng, giới chức EU đã lên tiếng cảnh báo như vậy.
Chính phủ Nga ngày hôm qua (7/8) đã chính thức ký sắc lệnh cấm nhập khẩu thịt bò, thịt lợn, thịt gia cầm, các loại thịt, cá, hoa quả, rau, sữa và các sản phẩm từ sữa của các nước EU, Mỹ, Australia, Canada và Na-uy.
Thương mại của EU phụ thuộc lớn vào hoạt động xuất khẩu thực phẩm sang Nga. Riêng trong năm ngoái, thị trường Nga đã nhập khẩu một số lượng thực phẩm trị giá lên tới 16 tỉ USD từ liên minh 28 nước thành viên, chiếm khoảng 10% tổng xuất khẩu cả cả liên minh này. Đây là con số thống kê do Eurostat công bố.
Ông Vygaudas Usackas - Đại sứ EU tại Nga, cũng đưa ra con số tương tự như trên khi có cuộc trả lời phỏng vấn một đài phát thanh của Nga trong ngày hôm qua.
"Chúng tôi vẫn chưa phân tích chi tiết tổn thất gây ra từ những hàng hóa rơi vào diện bị trừng phạt, nhưng thiệt hại có thể lên tới 12 tỉ euro (khoảng 16 tỉ USD). Thực phẩm và hàng hóa thuộc diện bị trừng phạt chiếm tới 10% tổng xuất khẩu của EU sang Nga", ông Usackas cho biết.
Những đòn đáp trả của Nga đối với các biện pháp trừng phạt của phương Tây có thể đẩy Châu Âu vào một cuộc khủng hoảng thị trường, Liên minh các Hiệp hội của các nhà sản xuất nông nghiệp quốc gia (FNSEA) - Hiệp hội nông nghiệp lớn nhất nước Pháp, đã nhận định như vậy.
“Nga sẽ ngừng nhập khẩu nhưng các sản phẩm không được xuất khẩu sẽ rơi trở lại các thị trường Châu Âu, và điều đó tạo nên một cuộc khủng hoảng”, ông Xavier Beulin - Chủ tịch FNSEA cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên iTele trong ngày hôm qua.
Hà Lan, Đức và Ba Lan hiện đang là những nhà cung cấp thực phẩm lớn nhất cho Nga trong liên minh Châu Âu. Mỹ xuất khẩu khoảng 1,6 tỉ giá trị thực phẩm sang Nga trong năm 2013. Nga nhập khoản 36,7% thịt; 32,6% các sản phẩm từ sữa, trừng và mật ong; cùng 30,4% rau; 24,2% hoa quả từ EU.
Châu Âu có thể phải đối diện với kết cục là một cuộc khủng hoảng thừa, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất rau quả. Năm 2012, Tây Ban Nha xuất khẩu 100.000 tấn hoa quả sang Nga và Ukraine, ông Luc Barbier - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất hoa quả của Pháp (FNPF) cho biết. Khoảng một nửa trong số này sẽ bị kẹt lại thị trường EU.
Beulin không dự đoán lệnh cấm vận trên của Nga sẽ kéo dài bao lâu nhưng ông này tin rằng, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ can thiệp vào tình hình này. Nga tham gia WTO vào năm 2012. Ngoại trưởng Lithuania Linas Linkevicius cũng đã nêu ra vấn đề kiện Nga.
Về phần mình, Moscow trước đó đã nói rằng, đòn trừng phạt của họ sẽ kéo dài trong vòng 1 năm nhưng nước này tuyên bố sẵn sàng xem xét lại lệnh cấm nếu các đối tác phương Tây tái khởi động lại tiến trình đối thoại với điện Kremlin.
Theo Bộ Phát triển Kinh tế của Nga, nước này nhập khẩu khoảng từ 25-30% thực phẩm bán lẻ từ EU.
EU đối mặt với hậu quả tiêu cực từ đòn trừng phạt của Nga
Cũng trong ngày hôm qua, Hiệp hội Nông nghiệp và Làm vườn, của Hà Lan (LTO) đã đưa ra cảnh báo rằng, lệnh trừng phạt của Nga đối với các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm từ EU sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực không chỉ cho nền kinh tế của Hà Lan mà cả nền kinh tế của các nước thành viên khác của Liên minh Châu Âu.
“Hà Lan là nhà xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp và làm vườn lớn thứ hai thế giới và Nga là một trong những khách hàng lớn của Hà Lan”, ông Albert Jan Maat cho biết trong một tuyên bố được phát đi trên trang website của LTO.
Ông Maat nhấn mạnh, Hiệp hội này ủng hộ chính sách của chính phủ nhưng giới chức Hà Lan nên áp dụng các bước đi nhằm giảm thiểu hiệu quả tiêu cực cho nền kinh tế của nước này từ đòn trừng phạt của Nga.
"Chúng ta không nên đánh giá thấp những hậu quả có thể xảy ra. Sự tẩy chay của Nga có thể gây ra những hậu quả tiêu cực không chỉ cho hoạt động phân phối sản xuất mà còn đến giá cả hàng hóa trên thị trường Châu Âu”’, ông Maat nói thêm.
Trong khi đó, một thành viên của Quốc hội Pháp - ông Jacques Myard hôm qua đã nói trên tờ Le Figaro rằng, quyết định của Pháp trong việc trừng phạt Nga cực kỳ thiếu hợp lý, sai lầm và mang tính tự sát. "Liên minh Châu Âu và các nước thành viên đã mắc một sai lầm nghiêm trọng khi áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Nga bởi cuộc xung đột ở Ukraine liên quan đến lực lượng ly khai nói tiếng Nga hoàn toàn là một cuộc xung đột khu vực, một hậu quả từ sự sụp đổ của Liên Xô và từ những điều đã xảy ra trước đây, cụ thể là trong thế chiến II", ông Myard nói.
Theo nghị sĩ Pháp, thay vì giới hạn cuộc xung đột đó trong nội bộ thì Liên minh Châu Âu lại biến nó thành một cuộc xung đột quốc tế giữa Nga với EU và Mỹ bằng cách tung ra một loạt biện pháp trừng phạt.
Pháp có chỗ đứng chắc chắn trên thị trường Nga, trong đó có ngành công nghiệp máy móc, ô tô và công nghệ. "Trong tình hình hiện nay, khi Pháp đang trải qua khó khăn về kinh tế, tài chính và ngân sách, đó ít nhất là hành động tự sát khi gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu sang Nga - một lĩnh vực quan trọng và cần thiết để tạo việc làm cho người Pháp và cho cán cân thương mại của chúng ta. Chính phủ và EU đã hành động như những kẻ ngốc”, ông Myard nhấn mạnh.
Ý kiến bạn đọc