Choáng ngợp trước dàn vũ khí “khủng” của Nga

10:50, 16/08/2014
|

(VnMedia) - Nga đang “khoe” dàn vũ khí “khủng” nhất của nước này tại triển lãm vũ khí OboronExpo-2014 đang diễn ra ở Zhukovsky, ngay bên ngoài thủ đô Moscow.
 
Triển lãm OboronExpo-2014 kéo dài từ ngày 13 đến 17/8. Tham gia triển lãm vũ khí lần này của Nga còn có các công ty đến từ Đức, Pháp và Mỹ. Hơn 200 công ty của Nga tham dự triển lãm OboronExpo-2014.
 
Triển lãm OboronExpo-2014 là nơi trưng bày 39 loại vũ khí hạng nặng khác nhau của Bộ Quốc phòng Nga, trong đó có 14 loại vũ khí nằm trong khuôn khổ chương trình quân sự yêu nước quốc gia mang tên “Vô địch và Huyền thoại”.
 
Dưới đây là một số hình ảnh về dàn vũ khí thiện chiến hàng đầu mà Nga “khoe” ra trong cuộc triển lãm lần này:

Sau đây là một số hình ảnh:

 Ảnh minh họa

Hệ thống vũ khí tên lửa phòng không S-300V: S-300 được coi là một trong những hệ thống phòng không hiện đại nhất trên thế giới hiện nay. Hệ thống S-300 được Liên Xô bắt đầu triển khai lần đầu tiên vào năm 1979. Liên Xô đã phát triển loại tên lửa phòng không này với với mục tiêu là để tăng cường khả năng chống lại máy bay và tên lửa hành trình của đối phương. S-300 là hệ thống tên lửa phòng không có khả năng phá hủy các tên lửa đạn đạo và máy bay ở tầm xa 150km và ở độ cao lên tới 27km. S-300 có thể cùng lúc lần theo tới 100 mục tiêu, với thời gian triển khai là 5 phút. Tên lửa này cũng có thể tấn công các mục tiêu mặt đất. S-300 V là phiên bản nâng cấp của hệ thống tên lửa S-300.

 

 Ảnh minh họa

Hệ thống tên lửa phòng không đất đối không tự hành Tor-M1: Tor-M1 là hệ thống tên lửa phòng không đất đối không tự hành có tính năng tiên tiến của Nga. Nó được thiết kế cho nhiệm vụ bảo vệ các lực lượng chiến đấu và tiêu diệt các mục tiêu bay độ cao thấp đến trung bình. Nó có khả năng tác chiến độc lập trong mọi điều kiện thời tiết. Hệ thống này có thể tiêu diệt các mục tiêu là máy bay, trực thăng, tên lửa hành trình, vũ khí điều khiển chính xác, máy bay không người lái và tên lửa đường đạn.

 

 Ảnh minh họa

Hệ thống tên lửa chống tăng Khrizantema: Khrizantema (NATO gọi là AT-15 Springer) là hệ thống tên lửa chống tăng của Nga được thiết kế để phá hủy các dòng xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại của Phương Tây. Khrizantema bắt đầu được phát triển từ cuối những năm 1980 và chính thức giới thiệu năm 1996. Nó ra đời nhằm mục đích thay thế hệ thống tên lửa chống tăng kiểu cũ Shturm (AT-6 Spiral). Tuy ra đời đã khá lâu nhưng mãi tới tận năm 2004, Khrizantema mới chính thức được chấp nhận phục vụ trong Quân đội Nga.

 

Khrizantema được đánh giá là một trong những hệ thống vũ khí uy lực nhất trên thế giới. Theo quảng cáo của nhà thiết kế, chỉ cần ba xe phóng Khrizantema là đủ để đối phó với 14 xe tăng chiến đấu chủ lực của đối phương và tiêu diệt không ít hơn 60% trong số đó. Hệ thống tên lửa chống tăng Khrizantema thiết kế để hoạt động cả ban ngày và ban đêm, trong mọi điều kiện thời tiết.

 

 Ảnh minh họa
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-90A: Xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 là loại vũ khí hiện đại nhất của quân đội Nga. Xe tăng T-90 là phiên bản cải tiến cuối cùng của xe tăng T-72B. Tuy nhiên, khi Liên Xô tan rã, nó được đặt tên mới là T-90, cùng với những cải tiến kỹ thuật vượt bậc so với phiên bản T-72. Theo kế hoạch của Tập đoàn sản xuất vũ khí Rosoboronexport của Nga, từ năm 2020 đến 2025, T-90 sẽ là vũ khí chủ lực của quân đội Nga. Đến năm 2020, T-90 sẽ chiếm 50% tổng số tăng thiết giáp của Nga; 50% còn lại sẽ là các dòng cũ như T-72, T-80.

 

 Ảnh minh họa

Pháo tự hành Msta-S: Msta-S được phát triển từ cuối những năm 1980 và được đưa vào phục vụ trong quân đội Nga từ năm 1989. Hệ thống pháo này có tầm bắn 29km và có thể kéo dài tầm bắn lên 36km bằng đạn tăng tầm.

 

Msta-S là loại pháo tự hành hiện đại nhất của quân đội Nga hiện tại, sử dụng khẩu pháo cỡ nòng 152mm có thể bắn nhiều loại đạn khác nhau. Về phương châm hoạt động, tính năng lẫn thiết kế thì Msta-S khá giống với các loại pháo tự hành phương Tây như PzH 2000 của Đức hay M109 Paladin của Mĩ dựa trên bộ khung bánh xích. Hàng trăm chiếc xe pháo tự hành Msta-S đã được đưa vào sử dụng trong quân đội Nga và một số quốc gia khác như Belarus , Venezuela , Azerbaijan

 

 Ảnh minh họa
Một hình ảnh khác của pháo tự hành Msta-S

 

 Ảnh minh họa

Hệ thống tên lửa chiến thuật S-400: S-400 Triumph là thế hệ tên lửa chiến thuật hiện đại nhất của Nga và cũng là một trong những loại tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới hiện nay. Nó là thứ vũ khí phòng không được rất nhiều nước thèm muốn. S-400 được phát triển và cải tiến từ hệ thống tên lửa phòng không S-200 và S-300. NATO gọi S-400 của Nga bằng cái tên SA-21 Growler.

 

S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 5m đến 27km trong phạm vi 400km. Những mục tiêu mà tên lửa S-400 có thể tiêu diệt là các thiết bị bay, tên lửa có cánh kích thước nhỏ và tên lửa hỏa tiễn có tầm hoạt động không quá 3.500km và tốc độ bay tối đa 4,8 km/s. S-400 Triumph có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao.

 

Một trong những đặc tính khiến S-400 trở thành hệ thống tên lửa độc nhất vô nhị trên thế giới là nó có khả năng cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng. Ngoài ra, S-400 cũng nổi trội ở khả năng cơ động. Đây là một hệ thống phòng không toàn diện có thể được thiết lập ngay trên mặt đất, ở bất cứ đâu chỉ trong vòng vài phút.

 

 Ảnh minh họa
 Hình ảnh S-400 tại triển lãm

 

 Ảnh minh họa

Hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M: Hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander của Nga(phiên hiệu NATO: SS-X-26) là một trong những loại vũ khí mạnh nhất và hiệu quả nhất của lực lượng mặt đất quân đội Nga. Thậm chí nó còn được ví là một loại tên lửa “vô đối”. Tên lửa Iskander có khả năng mang đầu đạn thường lẫn đầu đạn hạt nhân để tham gia tấn công nhiều loại mục tiêu khác nhau, từ các đơn vị quân sự tiềm tàng đến các trung tâm chỉ huy dưới lòng đất.

 

Đây là loại tên lửa 1 tầng, nhiên liệu rắn, được điều khiển trong suốt quá trình bay. Nó có chiều dài 7,2m, đường kính thân đoạn lớn nhất là 0,95m, trọng lượng bay 3,8 tấn, đầu đạn 380kg, có thể bay trên độ cao 50km. Mỗi xe chở - phóng có 2 quả đạn và dự trữ 2 quả. Trong vòng 1 phút xe này có thể hoàn tất phóng cả 2 tên lửa. Tên lửa Iskander-Mcó khả năng tấn công tầm xa 480km và có thể hơn nữa nếu sử dụng tên lửa hành trình P-500, tầm bắn là 2000km. Hệ thống “Iskander”có thể triển khai trên cả địa hình rừng núi, đầm lầy, bãi bồi ven sông.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc