Chiến đấu cơ Ukraine trúng đạn, phát nổ giữa bầu trời

14:15, 08/08/2014
|

(VnMedia) - Một chiếc chiến đấu cơ của Ukraine đã bị bắn hạ khi đang bay ở tầm thấp tại vùng lãnh thổ do lực lượng ly khai kiểm soát ở miền đông nước này.
 
Các nhân chứng nhìn thấy một chiến đấu cơ phát nổ giữa không trung rồi rơi xuống một cánh đồng. Phi công trên máy bay đã nhảy dù xuống khu vực cách thành phố Donetsk khoảng 40km về phía đông.
 
Sau khi rơi xuống đất, các mảnh vỡ của máy bay tiếp tục bốc cháy, tạo ra một cột khói đen nghi ngút bốc lên bầu trời.

Ảnh minh họa
Cột khói đen bốc lên nghi ngút từ xác chiến đấu cơ

Hai chiến binh của lực lượng ly khai đã xuất hiện gần hiện trường vụ rơi máy bay và những tiếng súng nổ đã vang lên inh ỏi gần đó. Một máy bay được nhìn thấy bay phía bên trên và các thành viên của phe ly khai yêu cầu nhóm phóng viên rời hiện trường.
 
Phát ngôn viên của quân đội Ukraine, ông Vladislav Seleznyov, thông báo chiếc máy bay bị lực lượng ly khai bắn rơi là loại MiG-29.
 
Khu vực chiến đấu cơ của Ukraine bị bắn hạ cách hiện trường máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines rơi khoảng 40km về phía đông. Quân đội Ukraine đang cử một chiếc trực thăng đến hiện trường để thu thập các mảnh vỡ.

Phát ngôn viên của quân đội Ukraine - ông Andriy Lysenko cho hay, quân chính phủ đã đụng độ 19 lần với lực lượng ly khai trong 24 giờ tính đến sáng qua (7/8), khiến 7 binh sĩ thiệt mạng và 19 người bị thương.

Quân đội Ukraine đã mất hàng loạt máy bay chiến đấu trong cuộc giao tranh ác liệt với phe ly khai ở miền đông trong suốt 4 tháng qua. Trước đó, hôm 23/7, 2 máy bay chiến đấu Sukhoi của Ukraine cũng bị bắn rơi và Kiev cáo buộc các tên lửa bắn trúng máy bay được phóng đi từ lãnh thổ Nga.
 
Hôm qua (7/8), Kiev đã thông báo hủy bỏ lệnh ngừng bắn quanh hiện trường máy bay MH17 rơi, sau khi các chuyên gia quốc tế quyết định ngừng kiểm tra hiện trường do an ninh xấu đi.

Mikoyan MiG-29 là một loại máy bay tiêm kích phản lực thế hệ thứ 4 do Liên Xô cũ và Nga thiết kế chế tạo. Được phát triển vào thập niên 1970 bởi Phòng thiết kế Mikoyan, nó bắt đầu được đưa vào biên chế của Không quân Xô viết vào năm 1983, và sau này tiếp tục được sử dụng bởi Không quân Nga cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới.

MiG-29 được NATO gọi với cái tên là “Fulcrum”, tức là Điểm tựa. MiG-29 được thiết kế cho vai trò chiếm ưu thế trên không.

MiG-29 được thiết kế để đối đầu với những loại máy bay tiêm kích mới của Hoa Kỳ như F-16 Fighting Falcon, và F/A-18 Hornet. MiG-29 có nhiều phiên bản nâng cấp, trong đó có phiên bản MiG-29B, MiG-29S.

MiG-29 có hệ thống điều khiển thủy lực và một máy lái tựđộng truyền dẫn 3 trục SAU-451. Nó hoạt động rất linh hoạt, có khả năng thực hiện những pha quay ngoắt tức thời và duy trì ổn định hoàn hảo, góc tấn lớn, và sự chống chọi tuyệt vời đối với hiện tượng quay tròn.

MiG-29 có 2 động cơ phản lực Klimov RD-33 được lắp đặt trong khoảng không gian rộng, mỗi động cơ có công suất 50 kN và 83.5 kN khi đốt nhiên liệu phụ trội.

Trang bị cho MiG-29 bao gồm một pháo đơn 30 mm GSh-30-1 ở gốc cánh trái. Lúc đầu nó có 150 viên đạn, nhưng sau này bị giảm xuống còn 100 viên trong các phiên bản sau này của MiG-29.

Chiến đấu cơ này được trang bị 3 giá treo tên lửa, được gắn vào mỗi cánh, tuy nhiên một số phiên bản có tới 4 giá treo. Mỗi giá treo có thể mang được 1 tên lửa không đối không tầm trung R-27 (AA-10 "Alamo"), hoặc bom không điều khiển hoặc rocket.

Ukraine tạm ngừng điều tra hiện trường vụ MH-17

Trong một diễn biến khác, các chuyên gia quốc tế đã buộc phải tạm ngừng công tác điều tra cũng như tìm kiếm thi thể các nạn nhân trong vụ rơi máy bay MH17 do các cuộc giao tranh giữa quân đội chính phủ và lực lượng chống đối vẫn tiếp diễn ở miền Đông Ukraine.
 
Tại cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel vào tối qua, 7/8 (giờ Kiev), Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho biết, các chuyên gia quốc tế cần chấm dứt cuộc điều tra hiện trường máy bay MH17 bị nạn “vì mối đe dọa thường trực từ những kẻ khủng bố”.
 
“Các chuyên gia quốc tế đánh giá cao tất cả các biện pháp đảm bảo an ninh từ phía Ukraine, góp phần vào quá trình điều tra hiện trường vụ tai nạn”, Tổng thống Ukraine cho biết trong một tuyên bố.
 
Tại cuộc điện đàm, Tổng thống Poroshenko cũng cáo buộc rằng, có những dấu hiệu cho thấy vũ khí hạng nặng đang được chuyển từ Nga sang các tỉnh miền Đông Donetsk và Lugansk.
 
Tổng thống Ukraine và Thủ tướng Đức “đồng ý phối hợp để tiến hành các cuộc đàm phán đa phương ở mức cao nhất nhằm thực hiện kế hoạch hòa bình và chống lại các mối đe dọa đối với an ninh ở châu Âu”.

Chính quyền Kiev và phương Tây luôn đổ lỗi cho Nga về tình hình bất ổn hiện nay ở miền đông Ukraine. Tuy nhiên, Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc này.


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc