(VnMedia) - Canada rất quan ngại về các hoạt động tăng cường sự hiện diện quân sự của Nga ở Bắc Cực và sẵn sàng dùng vũ lực, sức mạnh quân sự để bảo vệ các lợi ích của mình ở khu vực này. Đây là tuyên bố mang đầy tính thách thức được Ngoại trưởng Canada John Baird đưa ra trên tờ Berlingske hôm 25/8.
Ngoại trưởng Canada John Baird |
“Chúng tôi quan ngại sâu sắc và sẵn sàng củng cố cũng như bảo vệ chủ quyền của Canada ở Bắc Cực. Đó là một ưu tiên chiến lược của chúng tôi. Liên quan đến vấn đề quân sự hóa, chúng tôi muốn lựa chọn con đường làm dịu căng thẳng nhưng chắc chắn chúng tôi có thể bảo vệ chủ quyền của mình bằng vũ lực”, ông Baird cứng rắn cho biết.
Tất cả những nước ven biển ở Bắc Cực hiện này đều đã giới hạn khu vực đặc quyền kinh tế của họ ở phạm vi trong 200 hải lý như quy định của quốc tế. Tuy nhiên, một số phần của khu vực Bắc Kinh đang rơi vào tranh chấp vì tiềm năng hàng hải và các nguồn lực tự nhiên của nó. Khả năng băng tan chảy ở Bắc Cực đã mở ra tiềm năng thăm dò, khai thác nguồn dầu mỏ trong khu vực.
Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã tác động đến mối quan hệ hợp tác ở Bắc Cực khi Na-uy, Mỹ, Canada và Đan Mạch đều áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt đối với Nga. Moscow đã đáp trả bằng việc tung ra lệnh cấm nhập khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm từ Mỹ và các nước Châu Âu. Hồi tháng 4, Canada thông báo sẽ tẩy chay cuộc họp của Hội đồng Bắc Cực ở thủ đô Moscow do việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea xinh đẹp vào nước này.
Canada là một trong số các nước, trong đó có Nga và Mỹ, đang tìm cách xác lập chủ quyền của mình lên khu vực Bắc Cực bởi đây là nơi chứa rất nhiều tài nguyên thiên nhiên chưa được khai thác. Cuộc tranh chấp trên trở nên căng thẳng khi các lớp băng tan chảy mở ra triển vọng về những tuyến đường hàng hải mới và khả năng khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú ở đây.
Các chuyên gia cho biết, một chuyến đi từ Châu Âu đến Châu Á đi qua Bắc Cực sẽ ngắn hơn đi qua kênh đào Panama khoảng 7.408km. Hồi tháng 8 năm 2007, một tàu ngầm của Nga đã cắm một lá cờ dưới đáy Bắc Cực như một động thái nhằm khẳng định chủ quyền của Nga ở khu vực. Chính phủ Canada sau đó đã thông báo về chính sách riêng của nước này đối với Bắc Cực, bao gồm việc thiết lập một Trung tâm Đào tạo các lực lượng Bắc cực, xây dựng một tàu phá băng cũng như các kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội ở khu vực.
Về phần mình, Nga đã chính thức đặt mục tiêu và đề ra kế hoạch triển khai lực lượng vũ trang để bảo vệ các lợi ích kinh tế và chính trị ở Bắc Cực trước năm 2020, trong đó có các đơn vị bảo vệ bờ biển, lính biên phòng cũng như các lực lượng quân đội khác. Theo quân đội Nga, hai lữ đoàn Bắc Cực sẽ được triển khai ở vùng cực bắc của nước Nga trong vài năm tới. Nga cũng đang lên kế hoạch khôi phục hoạt động trở lại các sân bay từ kỷ nguyên Xô-viết ở Bắc Cực đồng thời thiết lập sự hiện diện hải quân thường trực dọc Đường Biển Bắc có tầm quan trọng chiến lược.
Nga tuyên bố, nước này cần tăng cường sự hiện diện hải quân ở Bắc Cực để bảo vệ các lợi ích kinh tế trong khu vực khỏi sự xâm lấn của các quốc gia NATO. Đây chính là chỉ thị của Tổng thống Vladimir Putin.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc