Tờ Gazeta.ru, một trong ba tờ báo điện tử tư nhân lớn nhất tại Nga ngày 2/8 có bài viết về Hội thảo quốc tế “Những khía cạnh pháp lý liên quan đến sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển Việt Nam” được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 26/7 vừa qua.
Phóng viên Vladimir Koryagin của tờ Gazeta trực tiếp tham dự đưa tin tại hội thảo cho biết với ba phiên làm việc, hơn 50 học giả quốc tế uy tín đến từ các Trung tâm, Viện nghiên cứu, trường Đại học lớn của Mỹ, Nga, Italy, Thụy Sĩ, Hungary, Bulgaria, Ba Lan, Thái Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Nhật Bản, Singapore đã tập trung thảo luận các phương diện pháp lý của hành động Trung Quốc đặt hạ giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông.
Tiến sỹ Alexandr Yankov. (Nguồn: Gazeta.ru)
Các tham luận trình bày tại hội thảo đều nhấn mạnh hành động phi pháp của Trung Quốc và ủng hộ tiến trình giải quyết xung đột ở biển Đông bằng các biện pháp chính trị-ngoại giao và trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Bên lề hội thảo, phóng viên của tờ Gazeta.ru đã phỏng vấn một số chuyên gia, học giả quốc tế xung quanh vấn đề này. Trong đó, đáng chú ý nhất là nhận định của tiến sỹ Alexandr Yankov, nguyên Đại diện thường trực Bulgaria tại Liên hợp quốc và hiện là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về luật quốc tế.
Tiến sỹ Alexandr Yankov cho rằng những sự kiện gần đây ở Đông Âu và châu Á-Thái Bình Dương cho thấy vai trò của Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế đang bị lung lay. Nếu trước đây các quốc gia có thể đàm phán để đi đến thỏa hiệp thì hiện nay một số nhóm quốc gia đang hành động một cách độc đoán để đạt được lợi ích vị kỷ.
Chuyên gia Alexandr Yankov cho biết: “Với tư cách là đại diện thường trực của Bulgaria tại Liên hợp quốc, tôi đã từng bỏ ra tám năm để cùng với các đồng nghiệp quốc tế soạn thảo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển. Nhưng với những hành động như vừa qua Trung Quốc đã nhổ toẹt vào văn bản pháp lý này và coi như nó chưa từng tồn tại."
Trả lời câu hỏi của tờ Gazeta về chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông, ông Alexandr Yankov khẳng định: “Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là sự vi phạm thô bạo Công ước quốc tế về Luật biển 1982. Theo tôi Việt Nam không nên tiếp tục im lặng mà cần đưa vụ việc ra Tòa án quốc tế tại La Hay như Philippines đã làm. Dù Bắc Kinh có cố gắng biện hộ thế nào thì vị trí đặt giàn khoan cũng nằm rất xa phạm vi 200 hải lý đặc quyền kinh tế của họ và điều này đã được quy định trong Công ước 1982 mà Trung Quốc chính thức tham gia vào năm 1996. Tôi cho rằng để đảm bảo an ninh ở Biển Đông, các bên liên quan cần tuân thủ Tuyên bố về hành động của các bên ở biển Đông mà Trung Quốc ký với các nước ASEAN năm 2002”.
Ý kiến bạn đọc