10 tên lửa 'vua' trong các cuộc không chiến

21:08, 05/08/2014
|

Những tên lửa không đối không tiên tiến (AAM) như Meteor, R-77 (RVV-AE), IRIS-T và AIM-9X Sidewinder đang trở thành những vũ khí quan trọng trong một kịch bản không chiến.

Dưới đây là danh sách 10 tên lửa không đối không hiệu quả nhất thế giới hiện nay do trang mạng Công nghệ Không quân bình chọn trên cơ sở độ chính xác và các tính năng chiến đấu của nó.
 
Meteor

Meteor là loại tên lửa không-đối-không có điều khiển ngoài tầm nhìn (BVRAAM) được phát triển bởi MBDA, một nhà thầu quốc phòng có trụ sở tại Anh theo yêu cầu của các nước Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Anh. Khả năng chống lại các mối đe dọa trong chiến đấu hiện tại và tương lai làm cho Meteor trở thành một trong những tên lửa không-đối-không tốt nhất trên thế giới.

Ảnh minh họa

 Máy bay chiến đấu Rafale bắn tên lửa Meteor.


Bộ Quốc phòng Anh đại diện cho 6 nước, đã ký một hợp đồng về tên lửa Meteor vào tháng 12/2002. Các cuộc thử nghiệm bắn tên lửa này đã kết thúc thành công vào năm 2012. Meteor sẽ được tích hợp trên các máy bay chiến đấu hiện đại như Typhoon, Rafale và F-35.

Điểm đặc biệt của Meteor là tên lửa này có hệ thống tìm kiếm radar chủ động tiên tiến, một hệ thống thông tin liên lạc liên kết dữ liệu 2 chiều và một động cơ phản lực tĩnh siêu âm nhiên liệu rắn để tấn công các mục tiêu với độ chính xác cao. Nó cũng mang theo một đầu đạn nổ phân mảnh với tính sát thương tối ưu. Tên lửa này có khả năng sống sót cao và tạo ra “khu vực không thể trốn thoát” lớn nhất. ("Khu vực không thể trốn thoát” là một thuật ngữ để chỉ các khu vực mà trong đó một máy bay địch sẽ không thể sử dụng sự nhanh nhẹn thuần túy để tránh tên lửa).

R-77 (RVV-AE)

R-77 hay còn gọi là RVV-AE của Nga (mã NATO: AA-12 Adder) là loại tên lửa không đối không tầm trung hiện đại hàng đầu thế giới hiện nay. R-77 là một đối thủ trực tiếp nặng ký với tên lửa không đối không tầm trung AIM-120 AMRAAM của Mỹ.

Công tác phát triển R-77 được Phòng thiết kế Vympel khởi xướng vào năm 1982, nó là đại diện cho tên lửa đa nhiệm đầu tiên của Nga sử dụng cho cả không quân chiến thuật và không quân chiến lược. R-77 hoạt động theo nguyên lý “bắn và quên”, tên lửa được thiết kế để chống lại tất cả các mục tiêu đường không.

R-77 cũng được thiết kế để tấn công bắn hạ tên lửa không đối không tầm trung AIM-120ARMAAM hoặc tên lửa không đối không AIM-54 Phoenix. Nó cũng có thể được sử dụng để chống lại tên lửa hành trình và  các loại vũ khí dẫn đường chính xác khác.

Ảnh minh họa

 R-77 dưới cánh Su-30 MKI.


Tên lửa được giới thiệu cho công chúng vào năm 1992 với tên gọi R-77 RVV-AE. Các nhà báo phương Tây khi nhìn thấy R-77 đã đặt cho nó biệt danh AMRAAM Ski để ví von và so sánh nó với AIM-120AMRAAM của Mỹ. Tên lửa còn được biết đến với tên gọi khác là Izdieliye-170 (Sản phẩm-170).

Nó có thể trang bị rộng rãi cho các tiêm kích của Nga như Su-27, Su-30MK, Su-34, Su-33, Su-35, Su-37, MiG-29, MiG-35, MiG-31. Thậm chí, ngay cả MiG-21 nếu được nâng cấp về hệ thống điện tử cũng có khả năng sử dụng R-77.

R-77 có thiết kế khí động học rất dễ nhận biết đó là 4 vây lái hình lưới ở phía đuôi cùng 4 vây ổn định hình chữ nhật ở gần giữa thân. Mỗi vây được bao bọc bằng một khung kim loại bên trong có các tấm kim loại được thiết kế dạng lưới. Giải pháp thiết kế này được giới thiệu là giúp kiểm soát tên lửa tốt hơn trong điều kiện tốc độ cao cũng như giảm trọng lượng.

Tên lửa đang được sản xuất với 3 biến thể trang bị đầu tự dẫn khác nhau gồm: R-77 tiêu chuẩn sử dụng đầu tự dẫn radar chủ động (cách mục tiêu một cự ly nhất định, radar trên tên lửa tự bám bắt mục tiêu không cần sự can thiệp từ máy bay phóng). R-77T sử dụng đầu tự dẫn hồng ngoại Mk-80M tương tự như trên tên lửa R-73M, và R-27T. R-77P sử dụng đầu tự dẫn quang điện.

Các thiết kế tên lửa của Nga luôn được trang bị nhiều loại đầu tự dẫn khác nhau để thực hiện đòn tấn công phóng loạt 2 quả với 2 loại đầu tự dẫn khác nhau. Lối chiến thuật này được xem là một sự kết thúc cho “trò chơi không chiến” khi mà đối phương cần phải đánh bại 2 cơ chế dẫn đường khác nhau cùng lúc nếu muốn sống sót.

R-77 tiêu chuẩn được trang bị radar chủ động 9B-1348E có khả năng khóa mục tiêu ở cự ly 20km. Radar có thể hoạt động ở 2 chế độ, nếu tấn công mục tiêu ở tầm gần tên lửa sẽ khóa mục tiêu ngay từ trên máy bay và hoạt động theo nguyên lý “bắn và quên”. Nếu tấn công các mục tiêu tầm xa tên lửa được dẫn hướng đến mục tiêu kết hợp quán tính, cập nhật thông số về mục tiêu ở pha giữa, pha cuối tên lửa  khóa mục tiêu bằng radar chủ động.

Tên lửa có chiều dài 3,6m, đường kính 200mm, sải cánh 350mm, trọng lượng phóng 175kg, tầm bắn từ 40-80km tùy biến thể. Tên lửa được trang bị đầu đạn nặng 20kg với ngòi nổ lade cận đích, tốc độ của tên lửa gấp 4,5 lần tốc độ âm thanh (5.000km/h). Gần đây, Vympel đã giới thiệu thêm biến thể R-77M-PD hay còn gọi RVV-AE-PD, sử dụng động cơ ramjet nhiên liệu rắn cho phép đạt tầm bắn tới 160km, trong lượng phóng tăng lên 195kg.

Biến thể hiện đại hơn nữa là RVV-AE-ZKR được thiết kế như một “siêu tên lửa đối không” với phần thân sau có đường kính khá lớn để tăng tầm bắn. Tầm bắn của biến thể này được dự đoán lên đến 180km, trọng lượng phóng tăng lên 226kg.

Tên lửa IRIS-T

IRIS-T là loại tên lửa không đối không tầm ngắn thế hệ mới do công ty quốc phòng Diehl BGT của Đức chế tạo. Tên lửa có thể tấn công các mục tiêu trên không trong phạm vi 25km.

Ảnh minh họa

Tên lửa IRIS-T. 


Tên lửa này được phát triển nhằm thay thế tên lửa không đối không AIM-9L Sidewinder. Phiên bản sản xuất hàng loạt đầu tiên của IRIS-T đã được chuyển giao cho không quân Đức trong tháng 12/2005.

IRIS-T có thể tiêu diệt nhiều mục tiêu với đầu đạn nổ có độ phân mảnh cao. Nó được coi là một vũ khí tiêu chuẩn của máy bay chiến đấu Typhoon, F-16, EF-18, Tornado và Gripen. Tên lửa này cũng được trang bị thiết bị tìm kiếm hình ảnh hồng ngoại (IIR) với độ chính xác cao và khả năng chống tại các hệ thống tác chiến điện tử của đối phương. Động cơ nhiên liệu rắn với điều khiển vector đẩy giúp nó có khả năng tấn công các mục tiêu có sự cơ động cao.

MICA

Đây là loại tên lửa không đối không tầm trung hiện đại của châu Âu, có trọng lượng 112kg, sử dụng động cơ véc-tơ đẩy có đầu tìm ảnh-hồng ngoại bước sóng kép hoặc dùng đầu tìm radar tích cực, tầm bắn xa nhất 50km. MICA do công ty Rafale của Israel phát triển cho các biến thể tiên tiến của máy bay chiến đấu Mirage 2000.

Ảnh minh họa

 Tên lửa MICA.


Tên lửa này có 2 phiên bản: Đó là phiên bản sử dụng radar chủ động MICA RF ra mắt năm 1996 và phiên bản đầu dò ảnh nhiệt MICA IR ra mắt năm 2000. Tên lửa MICA RF sử dụng đầu dò radar xung Doppler AD4A với chóp nhọn bảo vệ ở đầu, được cung cấp bởi liên doanh Thales và Alenia Marconi,. Tên lửa MICA IR sử dụng đầu dò ảnh nhiệt sóng kép bị động Sagem với nắp kính ở đầu tên lửa. Khối lượng đầu nổ chiến đấu của MICA nặng 12kg, nó được đặt ngay sau đầu dò sử dụng cơ chế chạm nổ hay radar kích nổ.

Tên lửa MICA được tích hợp một đầu đạn có độ phân mảnh cao và tương thích với bất kỳ máy bay chiến đấu tiên tiến nào. Kích thước nhẹ và nhỏ gọn của nó cho phép tích hợp lên đến 6 tên lửa trên một máy bay chiến đấu hạng nhẹ.

PYTHON-5

Python-5 cũng do công ty quốc phòng Rafael phát triển. Đây là loại tên lửa không đối không thế hệ thứ 5 được thiết kế để tấn công các mục tiêu tầm rất ngắn và gần ở bên ngoài tầm nhìn. Nó là thế hệ mới nhất trong một loạt tên lửa Python và là một trong những tên lửa đối không tiên tiến nhất trên thế giới.

Ảnh minh họa

Tên lửa Python-5. 


Python-5 có khả năng tồn tại cao trước các biện pháp đối phó của đối phương và có thể được triển khai trên một loạt các máy bay như F-15, F-16, Mirage, Saab Gripen và Su-30MKI. Tên lửa này được trang bị một hệ thống tìm kiếm hình ảnh FPA băng tần kép mới, hệ thống dẫn đường quán tính và hệ thống chống gây nhiễu hồng ngoại (IRCCM).

Python-5 có thể tấn công các mục tiêu ở cự ly rất gần đến mục tiêu ở phạm vi gần ngoài tầm nhìn. Động cơ tên lửa nhiên liệu rắn và đầu đạn của nó đảm bảo một xác suất tiêu diệt mục tiêu thành công cao.

AIM-120

Tên lửa không đối không tầm trung AIM-120, được phát triển bởi công ty quốc phòng Raytheon của Mỹ, đã chứng minh khả năng chiến đấu của mình khi tham chiến tại các chiến trường ở Iraq, Bosnia và Kosovo. Khả năng bắn đa năng, sống sót trước các biện pháp đối phó của đối phương và động cơ tên lửa nhiên liệu rắn cho phép AIM-120 được xếp vào một trong những tên lửa đối không tốt nhất thế giới hiện nay.

Ảnh minh họa

Tên lửa AIM-120 (trên cùng)


Tên lửa này nặng 157kg, hiện đang có trong trang bị của quân đội 36 nước. Kiểu mới nhất AIM-120C5 có đầu đạn cải tiến, động cơ tên lửa tầm bắn xa hơn, cánh ngắn và cánh đuôi ổn định phù hợp cho việc vận chuyển bên trong máy bay. Hiện không quân Mỹ đang tiến hành cải thiện hệ thống điều khiển và nâng cấp AIM-120C5 theo các nội dung: Kéo dài động cơ tên lửa, cải tiến đường truyền dữ liệu và có khả năng ngắm ngoài trục cao hơn.

AIM-120 có thể được tích hợp trên máy bay chiến đấu F-22, Eurofighter Typhoon, F-15, F-16, F/A-18, F-35 JSF, Sea Harrier, Tornado, Harrier II Plus, JAS-39 Gripen, và hệ thống tên lửa đối không tiên tiến của Na Uy (NASAMS). Nó cũng có đầu đạn nổ với độ phân mảnh cao.

R-73E/R-73EL

R-73E/R-73EL (mã NATO: AA-11 Archer) là tên lửa không đối không tầm ngắn được phát triển bởi Văn phòng Thiết kế Xây dựng Thiết bị "Vympel" của Nga. Tên lửa này có thể đánh chặn máy bay chiến đấu, máy bay ném bom, tấn công và máy bay vận tải quân sự.

R-73E/R-73EL có thể được trang bị cho các loại máy bay chiến đấu MiG hoặc Sukhoi và các máy bay tấn công khác cũng như trực thăng. Tên lửa “bắn và quên” này được trang bị hệ thống dẫn đường hồng ngoại để tấn công các mục tiêu từ mọi hướng, trong môi trường phức tạp, khi có sự đối kháng tích cực của đối phương.

Ảnh minh họa

Tên lửa R-73.


R-73 được phát triển thay thế cho tên lửa tầm ngắn Molniya R-60 (AA-8 'Aphid') sử dụng trên các máy bay chiến đấu của Liên Xô trước đây này. Công việc bắt đầu vào năm 1973, và tên lửa được trang bị trong quân đội Liên Xô năm 1985.

R-73 là một tên lửa dẫn đường hồng ngoại nhạy cảm (tìm kiếm mục tiêu tỏa nhiệt), thiết bị cảm ứng có thể "nhìn" thấy mục tiêu lên đến góc 60°. Nó có thể hiển thị lên trên màn hình gắn trên mũ của phi công (HMS), cho phép phi công điều khiển tên lửa đến mục tiêu. Tầm bay tối thiểu là 300 km, ở độ cao có thể lên tới 30 km.

R-73 là một tên lửa có khả năng hoạt động ở phạm vi rộng, được tin tưởng hơn loại tên lửa cao cấp AIM-9M Sidewinder của Mỹ, chính điều này đã thúc đẩy sự ra đời của một loạt các loại tên lửa đối kháng khác như AIM-132 ASRAAM, IRIS-T, MBDA MICA, Python-4 và các phiên bản sau của Sidewinder là AIM-9X, loại này được bắt đầu trang bị vào năm 2003.

Từ năm 1994, R-73 được nâng cấp thành mẫu R-74EM (hay R-73M), nó bắt đầu phục vụ năm 1997. R-74EM có tầm bắn lớn và có góc dò tìm lớn (60°), IRCCM (máy chống gây nhiễu hệ thống đo hồng ngoại) cải thiện.

AIM-9X Sidewinder

AIM-9X Sidewinder cũng do Raytheon sản xuất và là “thành viên” mới nhất trong gia đình của tên lửa không đối không tầm ngắn Sidewinder. Đây được cho là một trong những tên lửa không đối không tầm ngắn hiện đại nhất trên thế giới, nó cũng có thể dễ dàng tích hợp với một loạt các máy bay chiến đấu hiện đại.

Ảnh minh họa

Tên lửa AIM-9X Sidewinder.


Tên lửa này hiện đang được trang bị trong lực lượng Hải quân và Không quân Mỹ cũng như không quân của 8 quốc gia khác. Nó được triển khai trên các máy bay chiến đấu F-15, F-16, F/A-18, Sea Harrier, F-4, A-4, AV-8B và máy bay tấn công Tornado cũng như trực thăng AH-1.

Biến thể AIM-9X Block-I được trang bị một thiết bị tìm kiếm máy bay bằng hồng ngoại, động cơ đẩy nhiên liệu rắn và đầu đạn nổ phân mảnh. Tên lửa này cũng có khả năng tồn tại trước các hệ thống chống gây nhiễu hồng ngoại. Biến thể AIM-9X Block II với thiết bị điện tử đang được phát triển.

AIM-132

Đây là tên lửa không đối không tầm ngắn được MBDA thiết kế cho không quân Hoàng gia Anh để thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu trong tầm nhìn (WVR). Tên lửa cũng được trang bị trên máy bay tấn công F/A-18 Hornet của không quân Hoàng gia Australia (RAAF).

Ảnh minh họa

Tên lửa AIM-132


AIM-132 được biên chế trong lực lượng không quân Anh từ tháng 9/2002 và RAAF vào năm 2004. Nó có thể được tích hợp trên các máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon, Tornado, F/A-18 và F-35. Nó cũng tương thích với các máy bay trang bị tên lửa AMRAAM hay Sidewinder.

Tên lửa này được tích hợp thiết bị tìm kiếm ảnh hồng ngoại (IIR) tiên tiến và tập hợp dữ liệu mục tiêu sử dụng các cảm biến máy bay. Nó cũng được trang bị đầu đạn phân mảnh có độ sát thương cao. Động cơ tên lửa đặc trưng của nó cho phép AIM-132 có tốc độ cao trong suốt chuyến bay, trong khi hệ thống hướng dẫn đảm bảo tấn công các mục tiêu trong môi trường rất lộn xộn và vượt qua các biện pháp đối phó của đối phương.

A-Darter

A-Darter là một hệ thống tên lửa không đối không thế hệ thứ năm được phát triển bởi các công ty quốc phòng Denel Dynamics, Mectron, Avibras, và Opto Eletronica. Tên lửa được thiết kế để trang bị cho máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo và dự kiến sẽ phục vụ không quân Nam Phi và Brazil trong năm 2014.

Ảnh minh họa


Tên lửa có thể được tích hợp trên các máy bay JAS-39 Gripen, Hawk Mk120, F-5E/F Tiger II, F-5A/B và máy bay chiến đấu F-X2 tương lai.

Tên lửa được trang bị thiết bị tìm kiếm hình ảnh nhiệt 2 màu và hệ thống chống gây nhiễu điện tử đa phương thức (ECCM) phù hợp cho việc tấn công các mục tiêu trong môi trường có các biện pháp đối phó của đối phương. Nó cũng có thể được hướng dẫn hướng tới mục tiêu bởi radar của máy bay và kính nhìn trên mũ phi công.


Theo Tin tức

Ý kiến bạn đọc