(VnMedia) - Bộ Ngoại giao Nga hôm 19/7 cho biết họ thực sự cảm thấy khó hiểu trước việc một số nước đã nhanh chóng tìm cách gây áp lực và ảnh hưởng lên các nhà điều tra bằng cách đưa ra những giả thuyết về nguyên nhân vụ rơi máy bay Boeing-777 của hãng hàng không Malaysia Airlines ở phía đông Ukraine.
"Thật là điều khó hiểu khi mà ngay cả trước khi cuộc điều tra chưa được bắt đầu, các đại diện chính thức của một loạt nước đã vội vàng đưa ra những giả thuyết vô căn cứ về nguyên nhân của vụ tai nạn, gây áp lực lên tiến trình điều tra. Phía Nga đã khẩn cấp kêu gọi cả hai phe đối lập ở Ukraine làm tất cả những gì có thể để tạo điều kiện cho các chuyên gia quốc tế tiếp cận hiện trường vụ rơi máy bay để họ có thể thực hiện tất cả những việc cần thiết cho một cuộc điều tra toàn diện và tỉ mỉ vụ rơi máy bay”, Bộ Ngoại giao Nga đã cho biết như vậy trong một tuyên bố.
Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh rằng, Nga là nước đầu tiên kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập và minh bạch về nguyên nhân vụ rơi máy bay MH17 bằng việc thành lập một nhóm điều tra quốc tế để tránh có những đánh gia đơn phương, phiến diện.
"Cuộc điều tra đó phải là cuộc điều tra của quốc tế và được tiến hành với sự tham gia mang tính quyết định của Tổ chức Hàng không Dân sự Quốc tế - ICAO cùng các thể chế quốc tế khác như Ủy ban Hàng không Liên quốc gia (IAC) bao gồm đại diện của cả Nga, Ukraine và các nước khác”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh.
Chiếc máy bay Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airlines đang trên đường bay từ Amsterdam tới Kuala Lumpur thì bị rơi ở gần thành phố Torez thuộc khu vực Donetsk hôm 17/7, khiến toàn bộ 283 hành khách và 15 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Kiev, Mỹ và phương Tây nhanh chóng hướng mũi chỉ trích, đổ lỗi về phía Nga và lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine. Tổng thống Obama hôm 18/6 còn tuyên bố chắc chắn rằng, máy bay MH17 bị bắn rơi bởi một quả tên lửa được phóng đi từ khu vực nằm trong quyền kiếm soát của lực lượng ly khai miền đông và rằng Nga là nước có liên quan.
Trước đó cùng ngày, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc – bà Samantha Power cũng đưa ra phát biểu tương tự như của Tổng thống Obama, nói rằng chiếc máy bay MH17 “có thể bị bắn rơi bởi một tên lửa đất đối không được phóng đi từ một địa điểm đang nằm trong sự chiếm đóng của lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine”.
Thủ tướng Australian Tony Abbott cũng cho rằng, Nga nên chịu một phần gánh nặng trách nhiệm cho cái chết của 28 người Australia đi trên máy bay nếu kết quả điều tra chứng minh được rằng chiếc máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines “bị bắn rơi bởi một tên lửa đất đối không do Nga cung cấp".
Về phần mình, Kiev nhanh chóng đổ lỗi cho phe đối lập là lực lượng ly khai ở khu vực bất ổn Donetsk về vụ bắn rơi máy bay chở khách. Tuy nhiên, lãnh đạo của Donetsk khẳng định chắc chắn rằng, lực lượng phòng vệ miền đông không có công nghệ cần thiết để có thể bắn hạ một chiếc máy bay đang bay ở độ cao hơn 10.000 mét như vậy.
Đáp lại, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, Kiev nên chịu trách nhiệm về thảm kịch rơi máy bay và rằng “tình hình diễn ra xung quanh thảm họa máy bay cần phải được điều tra một cách kỹ lưỡng, toàn diện và khách quan".
Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin đã so sánh kết luận vội vã của Washington về nguyên nhân vụ rơi máy bay Boeing-777 của hãng hàng không Malaysia Airlines, chẳng khác gì với tuyên bố của Mỹ về việc Iraq sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt cách đây nhiều năm.
Tổng thống Putin: Không nên đưa ra các kết luận vội vã khi cuộc điều tra chưa kết thúc
Trước việc các nước phương Tây và Kiev tiếp tục dồn sự chỉ trích và đổ lỗi về phía Moscow, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua (29\0/7) tiếp tục tái khẳng định tầm quan trọng của việc tất cả các bên không được đưa ra những kết luận vội vã và chính trị hóa các phát biểu của mình cho đến khi cuộc điều tra về vụ rơi máy bay của Malasia được hoàn tất, cơ quan báo chí điện Kremlin cho biết.
"Nga cam kết và sẵn sàng tiếp tục trợ giúp cho tiến trình điều tra toàn diện và tỉ mỉ của Tổ chức Hàng không Dân sự Quốc tế (ICAO). Việc các nước kiềm chế, không đưa ra những phán đoán vội vàng và chính trị hóa các phát biểu của họ cho đến khi cuộc điều tra kết thúc là điều vô cùng quan trọng”, điện Kremlin cho hay.
Tổng thống Putin đã thảo luận về cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng hiện nay ở Ukraine với Thủ tướng Anh David Cameron tối muộn ngày hôm qua. Hai nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine dưới sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế trong thời gian sớm nhất có thể.
Thủ tướng Cameron đã viết một bài báo gửi tờ Sunday Times của Anh, trong đó kêu gọi tiếp cận ngay lập tức với hiện trường vụ rơi máy bay, bảo vệ hiện trường đồng thời kêu gọi “một lệnh ngừng bắn cũng như một cuộc điều tra toàn diện về những gì đã xảy ra”.
Trước đó Nhà lãnh đạo Nga cũng có cuộc điện đàm với nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel. Hai nhà lãnh đạo Nga, Đức cũng đồng ý rằng, việc tất cả các bên ở Ukraine ngừng bắn để tạo điều kiện cho các nhà điều tra quốc tế tiến hành một cuộc điều tra độc lập và khách quan tại hiện trường vụ rơi máy bay cũng như bảo đảm an toàn cho các chuyên gia quốc tế làm việc tại hiện trường là điều rất quan trọng.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc