(VnMedia) - Chính phủ Mỹ hôm qua (18/7) đã kết luận rằng, chiếc máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị rơi ở Ukraine là do bị một tên lửa đất đối không do Nga sản xuất bắn trúng từ khu vực lãnh thổ nằm trong quyền kiểm soát của lực lượng ly khai miền đông...
Mỹ cũng vội vàng đưa ra phỏng đoán rằng, khả năng cao nhất là Nga đã cung cấp những tên lửa đó cho lực lượng ly khai của Ukraine. Người ta đang tự hỏi, vì sao Mỹ lại nhanh chóng đưa ra kết luận như vậy, khi mà các nhà điều tra còn chưa đưa ra bất kỳ thông tin chính thức nào? Liệu có hợp lý không khi Mỹ đưa ra những thông tin mang tính cáo buộc gây bất lợi cho Nga như vậy khi mà chưa có căn cứ, bằng chứng rõ ràng?
Trong khi các quan chức Mỹ vẫn còn đang điều tra về một loạt chuỗi sự kiện dẫn đến vụ máy bay Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị rơi hôm 17/7 thì Washington đã nhanh chóng chỉ ra một loạt những dấu hiệu mà họ cho là chứng tỏ có sự liên quan của Nga đến thảm họa máy bay nói trên. Một trong những dấu hiệu mà giới chức Mỹ đưa ra là cái mà họ miêu tả là bằng chứng ngày càng rõ về việc một máy bay quân sự của Ukraine bị bắn hạ 3 ngày trước đó bằng một tên lửa được phóng đi từ bên trong lãnh thổ Nga bởi cùng một khẩu đội tên lửa được sử dụng để bắn vào chiếc máy bay dân sự.
Giới tình báo Mỹ đã thuyết phục Tổng thống Barack Obama công khai đổ trách nhiệm ít nhất là về mặt gián tiếp vào điện Kremlin trong vụ máy bay Malaysia bị bắn rơi. Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Obama đã cố tìm cách phát đi thông điệp về sự phẫn nộ quốc tế nhằm vào Nga. Ông chủ Nhà Trắng cho rằng, thảm kịch máy bay Malaysia nên là “tiếng gọi thức tỉnh đối với Châu Âu” và “thu hút mọi sự chú ý” về những gì đang diễn ra ở Ukraine - nơi cuộc nổi dậy của lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine trở thành một cuộc khủng hoảng quốc tế.
Không đưa ra thông tin chi tiết mà giới tình báo Mỹ cung cấp nhưng Tổng thống Obama cho rằng, lực lượng ly khai được trang bị và được đào tạo bởi “sự hậu thuẫn của Nga”. Những chiếc máy bay bay ở độ cao như MH17 không thể bị bắn hạ mà không có vũ khí tinh vi và không được đào tạo bài bản, ông Obama khẳng định đồng thời nói thêm rằng “điều đó xuất phát từ Nga”.
Tổng thống Mỹ còn chỉ đích danh Tổng thống Nga Vladimir V. Putin, cáo buộc Nhà lãnh đạo Nga ủng hộ cho một cuộc chiến tranh dẫn tới thảm kịch với máy bay MH17. “Ông ấy có khả năng kiểm soát tình hình nhất và cho đến nay, ông ấy không thực hiện quyền kiếm soát đó”, ông Obama đã cáo buộc như vậy.
Nga bác bỏ mọi lời cáo buộc trên. Giới chức Nga nhiều lần kêu gọi Mỹ, phương Tây và Kiev đừng vội đưa ra kết luận khi mà một cuộc điều tra toàn diện, khách quan chưa được tiến hành. Moscow cũng cho rằng, sức mạnh của quân đội Ukraine cũng có khả năng phải chịu trách nhiệm về vụ máy bay MH17 bị bắn rơi. Ông Putin đã lên tiếng kêu gọi tiến hành đàm phán, nói rằng “tất cả các bên cần phải nhanh chóng ngừng bắn và bắt đầu khởi động tiến trình đàm phán hòa bình. Thật đáng lo ngại và đáng buồn khi chúng ta phải chứng kiến những gì đang xảy ra ở miền đông Ukraine. Đó là điều đáng sợ và đó là thảm kịch”.
Bản thân Malaysia và Hà Lan, hai nước bị tổn thất nặng nề nhất trong vụ máy bay MH17 bị bắn rơi, cũng chưa đưa ra kết luận vì về thảm kịch này. Giới chức Malaysia và Hà Lan đều tuyên bố, họ cần phải chờ đợi kết luận của các nhà điều tra trước khi đưa ra bất kỳ thông tin hay lời cáo buộc nào.
Những kết luận hay phỏng đoán được đưa ra một cách vội vàng của giới chức Mỹ không khỏi khiến nhiều người hoài nghi về động cơ của nó khi mà giữa Mỹ và Nga đang đối đầu kịch liệt vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận nào về vụ máy bay MH17
Giới chuyên gia cũng có chung quan điểm với Nga, Malaysia và Hà Lan. Một cựu nhân viên chuyên điều tra về các vụ tai nạn hàng không hôm qua đã nói với hãng tin RIA Novosti rằng, còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận chắc chắn nào về nguyên nhân gây ra vụ rơi máy bay MH17 ở miền đông Ukraine.
“Có rất nhiều bằng chứng rõ ràng để chỉ đến một tên lửa đất đối không tương đối tinh vi. Tuy nhiên, với bất kỳ thảm họa nào như thế này, người ta đòi hỏi phải tiến hành điều tra kỹ lưỡng, tỉ mỉ trước khi đưa ra bất kỳ kết luận chắc chắn nào”, ông Tony Cable – người từng là một nhà điều tra của Cơ quan Điều Tra Tai nạn Hàng không của Anh trong suốt 32 năm và đã tham gia điều tra vụ đánh bom máy bay Lockerbie/Pan Am 103 và thảm họa với máy bay Paris Concorde, cho biết.
Theo chuyên gia Tony Cable, loại tên lửa được cho là đã bắn rơi máy bay MH17 chắc chắn phải rất tinh vi.
“Trong những vụ việc trước đây mà tôi từng biết, các vụ máy bay bị bắn rơi thường là do một quả tên lửa không đối không chứ không phải là tên lửa đất đối không. Nó chắc chắn phải là một quả tên lửa đất đối không tương đối tinh vi. Có rất nhiều loại tên lửa đất đối không vác vai trên thế giới và bạn có thể dễ dàng có được nó nhưng chúng lại có giới hạn tầm bắn chỉ ở khoảng 3.000m”, ông Cable phân tích.
“Những hệ thống tên lửa vác vai không có hệ thống dẫn đường tố và không có cách nào để chúng có thể bắn rơi một chiếc máy bay ở độ cao hơn 10.000 mét như máy bay MH17 đang bay. Vì thế, loại tên lửa bắn hạ chiếc máy bay đó chắc chắn phải tinh vi hơn nhiều”, ông Cable nói thêm. Ông Cable cũng tỏ ra ngạc nhiên khi những chuyến bay thương mại lại được phép bay qua vùng chiến sự và theo ông này, chính phủ Ukraine phải chịu trách nhiệm về vụ này.
Ý kiến bạn đọc