Trung Quốc tung chiêu, Nhật Bản phản đòn

10:49, 05/07/2014
|

(VnMedia) - Khu vực Đông Á đang diễn một “màn đấu” nóng bỏng giữa hai cường quốc hàng đầu Châu Á khi Trung Quốc và Nhật Bản “tung đòn” ăn miếng trả miếng quyết liệt.
 

Ảnh minh họa
Các quan chức cấp cao ASEAN tại phiên khai mạc cuộc họp sáng nay. (Ảnh: Nhandan) - See more at: http://vtv.vn/Thoi-su-quoc-te/SOM-ASEAN-Cuoc-hop-dac-biet-cua-cac-quan-chuc-cao-cap-ASEAN/121702.vtv#sthash.iJmioISa.dpuf


Chủ tịch Trung Quốc trong chuyến thăm Hàn Quốc


Trong chỉ hai hoặc 3 ngày, các quốc gia Đông Á gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên đã nhanh chóng có những thay đổi trong sự sắp xếp về chính sách ngoại giao, thương mại và quân sự trong một “trò chơi quyền lực” được cho là có thể phát đi tín hiệu về một thời kỳ mới trong khu vực.
 
Sự thay đổi rõ nhất, gây ngạc nhiên nhất và đáng chú ý nhất chính là chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Hàn Quốc. Đây được xem là một “cú giáng” cố tình của Bắc Kinh nhằm vào đồng minh thân thiết Triều Tiên sau khi nước này nhiều lần bướng bỉnh không chịu tuân theo những mong muốn của Trung Quốc là từ bỏ chương trình hạt nhân và hợp tác trong lĩnh vực kinh tế. Trước đây, chưa bao giờ một nhà lãnh đạo Trung Quốc lại đến Hàn Quốc trước khi đến Triều Tiên bởi quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên luôn được ví như anh em “môi hở răng lạnh”.
 
Có một điều khiến người ta có chút kinh ngạc là Chủ tịch Tập Cận Bình không hề cố gắng giấu diếm sự khó chịu của Bắc Kinh đối với chương trình hạt nhân của Triều Tiên bằng những lời lẽ dài dòng lịch sự, không đề cập trực tiếp vào vấn đề. Thay vào đó, Nhà lãnh đạo Trung Quốc đứng ngay bên cạnh nữ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye khi bà này tuyên bố cứng rắn rằng cả Bắc Kinh và Seoul đều hoàn toàn nhất trí với nhau rằng, Triều Tiên “nhất định phải phi hạt nhân hóa” và không tiến  hành vụ thử hạt nhân thứ 4 kể từ sau vụ thử đầu tiên dưới lòng đất hồi tháng 10 năm 2006.
 
Triều Tiên sau đó tiếp tục tiến hành các vụ thử hạt nhân vào tháng 5 năm 2009 và tháng 2 năm ngoái. Nước này hiện đang đe dọa thực hiện “một hình thức thử hạt nhân mới để tawgn cường năng lực răn đe” của họ. Đây là một bước ngoặt bí ẩn nhưng đáng báo động vì nó cho thấy, có khả năng Bình Nhưỡng muốn thử một đầu đạn được chế tạo từ uranium được làm giàu ở mức độ cao chứ không phải là từ plutonium như các vụ thử trước đó.
 
Sau vấn đề Triều Tiên, Chủ tịch Tập Cận Bình và nữ Tổng thống Park bắt đầu bàn đến một loạt những biện pháp kinh tế trong đó có vấn đề đàm phán về một thỏa thuận thương mại tự do. Hàn Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc và Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc. Thương mại hai chiều của hai nước hồi năm ngoái đạt 275 tỉ USD, gấp 40 lần thương mại giữa Trung Quốc và Triều Tiên – quốc gia đang dựa tới một nửa vào lương thực từ Trung Quốc và 80% nhiên liệu từ Trung Quốc.
 
Một vấn đề được coi là quan trọng hàng đầu trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đến Seoul là tìm cách chia rẽ mối quan hệ Hàn Quốc và Nhật Bản cũng như làm suy yếu liên minh Mỹ-Nhật-Hàn.
 
Phát biểu trong chuyến thăm ngày hôm qua (4/7), Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói rằng, Trung Quốc và Hàn Quốc có lợi ích chung trong việc bảo đảm Tokyo phải chịu trách nhiệm về quá khứ thời chiến tranh.
 
Mới đây, Nhật Bản vừa thông qua việc cho phép quân đội nước này mở rộng vai trò quân sự. Cụ thể ở đây là quân đội Nhật Bản có thể đưa quân ra nước ngoài để bảo vệ đồng minh. Bước đi này của Tokyo đã khiến Bắc Kinh nhảy dựng lên vì lo lắng.
 
"Trung Quốc và Hàn Quốc đã từng trải qua một điều tương tự trong lịch sử và cùng có lợi ích chung trong vấn đề lịch sử liên quan đến Nhật Bản. Người Trung Quốc có câu quá khứ nếu không bị lãng quên sẽ là định hướng cho tương lai”, ông Tập Cận Bình phát biểu đồng thời cho biết thêm rằng hai nước Trung Quốc và Hàn Quốc đang hợp tác hiệu quả để tìm kiếm một lời xin lỗi chân thành từ Nhật Bnar.
 
Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Park đều bày tỏ lo ngại về động thái gỡ bỏ “xiềng xích” cho quân đội Nhật Bản mới đây.
 
Nhật Bản phản đòn
 
Tuy nhiên, trong một trận đấu lớn trong khu vực, đối thủ thường cũng nắm những “con bài” có ý nghĩa. Với trường hợp đối thủ của Trung Quốc là Nhật Bản cũng vậy.
 
Thủ tướng Shinzo Abe của Nhật Bản đã có “đòn phản công” khó tin khi chỉ một hoặc hai ngày sau khi khiến Trung Quốc sốc bằng một động thái quân sự, ông này đã thông báo dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên – đồng minh thân nhất của Trung Quốc. Điều này có nghĩa là, thoát khỏi các biện pháp trừng phạt của Nhật Bản, tàu thuyền Triều Tiên có thể đi qua lại giữa nước này với Nhật, mang theo không chỉ hàng hóa mà cả hành khách, đáng chú ý là những người Nhật gốc Triều Tên đang ủng hộ Bình Nhưỡng tiền, những ưu tiên về thương mại và nhiều thứ khác nữa.
 
Đổi lại, Bình Nhưỡng hứa sẽ tìm hiểu, điều tra số phận của ít nhất 17 công dân Nhật Bản được tin là đã bị Triều Tiên bắt cóc nhưng Triều Tiên chưa bao giờ thừa nhận điều này. Cố Chủ tịch Kim Jong Il năm 2002 đã từng gọi điện cho Thủ tướng Nhật Bản khi đó là ông Junichiro Koizumi để nói lời xin lỗi về vụ bắt cóc 13 công dân Nhật Bản nhưng chỉ 5 người đã trả về còn sống. Một số người Nhật Bản tin rằng, Triều Tiên đang giữ khoảng 80 người Nhật Bản. Nếu Bình Nhưỡng trả về Nhật Bản thêm một số người nữa thì mối quan hệ Nhật-Triều có thể có đủ lý do để phát triển thân thiện hơn. Và cả hai nước này có thể dùng mối quan hệ của họ để làm đối trọng với mối quan hệ Trung Quốc-Hàn Quốc.
 
Liệu có ai có thể tưởng tượng được rằng, có một ngày Nhật Bản và Triều Tiên sẽ chôn vùi những bất đồng, mâu thuẫn trong lịch sử để ký kết một thỏa thuận phát triển mối quan hệ ngoại giao? Xét đến độ gần của hai nước, triển vọng phát triển mối quan hệ thương mại trong tương lai xa, đặc biệt là xét đến nguồn lực tự nhiên dồi dào của Triều Tiên, thì kịch bản nói trên không phải là không thể.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc