(VnMedia) - Trung Quốc hôm nay (15/7) lại lớn tiếng đòi Mỹ tránh xa những tranh chấp ở Biển Đông và để các nước trong khu vực tự mình giải quyết vấn đề. Diễn biến này diễn ra sau khi Washington tuyên bố muốn chấm dứt tình trạng gây căng thẳng ở Biển Đông.
Các quan chức cấp cao ASEAN tại phiên khai mạc cuộc họp sáng nay. (Ảnh: Nhandan) - See more at: http://vtv.vn/Thoi-su-quoc-te/SOM-ASEAN-Cuoc-hop-dac-biet-cua-cac-quan-chuc-cao-cap-ASEAN/121702.vtv#sthash.iJmioISa.dpuf
|
Ông Michael Fuchs – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề đa phương và chiến lược, cho biết, không có nước nào phải chịu trách nhiệm duy nhất về tình hình leo thang căng thẳng ở Biển Đông. Tuy nhiên, ông Fuchs tái khẳng định quan điểm của Mỹ là hành vi “khiêu khích và đơn phương” của Trung Quốc làm dấy lên sự hoài nghi về sự sẵn sàng của nước này trong việc tuân thủ theo luật pháp quốc tế.
Trung Quốc đang đòi chủ quyền đối với 90% Biển Đông – khu vực biển được tin là chứa một trữ lượng lớn dầu mỏ và khí đốt cũng như nguồn hải sản dồi dào. Biển Đông cũng chứa những tuyến đường biển chiến lược quan trọng.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay tiếp tục ngang nhiên khẳng định nước này có “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với quần đảo Trường Sa. Trung Quốc còn trắng trợn đòi các nước rút người và tài sản ra khỏi quần đảo này.
"Điều đáng tiếc là một số nước trong những năm gần đây đang tăng cường sự hiện diện trái phép thông qua việc xây dựng và đưa vũ khí đến khu vực. Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chủ quyền và các quyền hàng hải đồng thời luôn luôn duy trì việc giải quyết vấn đề dựa trên đàm phán trực tiếp với các nước liên quan trên cơ sở tôn trọng các dữ liệu lịch sử và luật quốc tế”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nói như vậy.
Trung Quốc "hy vọng các nước bên ngoài khu vực nên nghiêm túc giữ lập trường trung lập, phân biệt rõ ràng phải trái và tôn trọng những nỗ lực chung của các nước ở khu vực trong việc duy trì hoà bình và sự ổn định”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nói thêm như vậy. Phát biểu này rõ ràng ám chỉ đến Mỹ. Bắc Kinh thường xuyên đòi Washington tránh xa Biển Đông.
Trên thực tế, quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa ở Biển Đông là thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Từ nhiều thế kỷ nay, ít nhất là từ thế kỷ 17, Việt Nam đã xác lập, thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi hai quần đảo này còn là vô chủ. Các nhà nước phong kiến Việt Nam đã thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này một cách hòa bình, liên tục, phù hợp với luật pháp quốc tế mà không gặp phải sự phản đối của bất cứ quốc gia nào.
Những tháng gần đây, tình hình căng thẳng ở Biển Đông đang gia tăng do những hành động hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc. Trung Quốc hồi tháng 5 đã ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ở trong vùng biển của Việt Nam.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines cũng rơi vào căng thẳng vì cuộc tranh chấp ở một khu vực khác thuộc Biển Đông. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Philippines cho biết, Manila ủng hộ lời kêu gọi của Mỹ về việc tất cả các bên phải ngừng làm trầm trọng tình hình ở Biển Đông.
Mỹ muốn 10 nước thành viên của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc tiến hành những "cuộc thảo luận thực chất" để tiến tới ký kết một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, ông Fuchs cho biết.
Một quan chức Mỹ cho biết, vấn đề trên đã được nêu ra một lần nữa tại cuộc Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ-Trung hàng năm.
Lo ngại xung đột ở Biển Đông
Các nước láng giềng của Trung Quốc đang ngày càng lo ngại về khả năng những cuộc tranh chấp hàng hải của Trung Quốc với những nước như Philippines và Việt Nam có thể bùng phát thành xung đột quân sự, một nhóm nghiên cứu của Mỹ đã nhận định như vậy.
Thậm chí ngay ở đất nước Trung Quốc, các cuộc thăm dò dư luận cũng cho thấy, có đến 62% người dân nước này quan ngại về việc các cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với những nước láng giềng có thể dẫn tới một cuộc xung đột vũ trang. Đây là kết quả của một cuộc nghiên cứu lớn được tiến hành ở 44 quốc gia của Trung tâm Nghiên cứu Pew.
"Trong năm nay, có tất cả 11 quốc gia Châu Á tham gia cuộc thăm dò dư luận. Khoảng một nửa trong số này bày tỏ, họ lo ngại về việc những cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng sẽ dẫn tới một cuộc xung đột quân sự”, nghiên cứu của Pew cho hay.
Người dân Philippines tỏ ra lo ngại nhất. Có tới 93% người dân Philippines có mối quan ngại này. Tiếp đó là Nhật Bản với 85% người dân; Việt Nam – 84% và Hàn Quốc – 83%.
Theo nghiên cứu của Pew, Nhật Bản, Philippines và Việt Nam xem Trung Quốc là mối đe doạ lớn nhất trong khi Trung Quốc, Malaysia và Pakistan coi Mỹ là mối đe doạ lớn nhất
Tất cả các quốc gia Châu Á khác tham gia điều tra, trong đó có Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan, đều xem Mỹ là đồng minh lớn nhất mặc dù Indonesia cũng xem Mỹ là mối đe doạ lớn nhất.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc