(VnMedia) - Chuyến thăm đầu tiên của ông Tập Cận Bình đến bán đảo Triều Tiên trên tư cách Chủ tịch Trung Quốc là đến Seoul chứ không phải Bình Nhưỡng. Điều này có nghĩa là Triều Tiên đang bị người bạn thân nhất lạnh nhạt. Điều khiến Triều Tiên bẽ bàng hơn nữa là Trung Quốc lại đang tìm cách ve vãn địch thủ số 1 của họ - Hàn Quốc.
Các quan chức cấp cao ASEAN tại phiên khai mạc cuộc họp sáng nay. (Ảnh: Nhandan) - See more at: http://vtv.vn/Thoi-su-quoc-te/SOM-ASEAN-Cuoc-hop-dac-biet-cua-cac-quan-chuc-cao-cap-ASEAN/121702.vtv#sthash.iJmioISa.dpuf
|
Trung Quốc ngày càng mất kiên nhẫn với Triều Tiên
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phá vỡ truyền thống khi đến thăm bán đảo Triều Tiên mà chọn điểm đến đầu tiên là Hàn Quốc chứ không phải là đồng minh lâu năm, gắn bó thân thiết, “môi hở răng lạnh” Triều Tiên.
Sự lựa chọn của ông Tập Cận Bình để gặp Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye vào ngày hôm qua (3/7) thay vì là gặp Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã làm đảo lộn mọi truyền thống trước đây. Bắc Kinh luôn lựa chọn Bình Nhưỡng trước tiên kể từ khi Trung Quốc bắt đầu thiết lập quan hệ ngoại giao với Seoul năm 1992. Sự lựa chọn đầy bất ngờ trên đã cho thấy rõ một thực tế là Bắc Kinh đang rất quan tâm tới việc tăng cường mối quan hệ với Seoul đồng thời cường quốc Châu Á này cũng muốn phát đi thông điệp không hài lòng đối với đồng minh thân nhất của họ.
Người ta tin rằng, sự lạnh nhạt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Triều Tiên đã cho thấy, Bắc Kinh ngày càng mất kiên nhẫn với người bạn láng giềng thân thiết ở sát nách, đặc biệt là trong vấn đề tên lửa và hạt nhân. Trên thực tế, kể từ khi ông Kim Jong Un lên cầm quyền, giữa Trung Quốc và Triều Tiên chưa diễn ra bất kỳ một cuộc họp cấp cao nào.
Trung Quốc là đồng minh lớn nhất, thân nhất cũng là nhà tài trợ nước ngoài lớn nhất của Triều Tiên. Vì thế, Bắc Kinh được tin là nước có ảnh hưởng nhất đối với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, kể từ khi ông Kim Jong Un lên cầm quyền, chính quyền Triều Tiên đã liên tục có những bước đi phớt lờ, không để tâm gì đến lập trường, quan điểm của người bạn khổng lồ Trung Quốc kế bên. Bất chấp sức ép và mọi lời kêu gọi của Bắc Kinh, Bình Nhưỡng vẫn thường xuyên tiến hành các vụ thử hạt nhân, tên lửa. Bắc Kinh không ít lần cảm thấy “bẽ mặt” vì bị Triều Tiên qua mặt. Chính vì lý do này, quan hệ thắm thiết một thời giữa Trung Quốc và Triều Tiên bắt đầu có dấu hiệu xa cách dần. Trung Quốc đã không còn ngại ngần chỉ trích Triều Tiên cũng như tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong việc đưa ra biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên. Mặc dù Bắc Kinh không dám làm căng quá mức với Bình Nhưỡng nhưng người ta vẫn thấy rõ sự không hài lòng, mất kiên nhẫn của chính quyền Trung Quốc đối với đồng minh thân thiết của họ. Và biểu hiện rõ nét nhất của sự lạnh nhạt của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng được tin chính là chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đến Seoul lần này.
Ngay trước thềm chuyến thăm trên, Triều Tiên đã phóng đi 7 quả tên lửa tầm ngắn, trong đó có hai quả được phóng vào vùng lãnh hải ngoài khơi bờ biển phía đông nước này trong ngày 2/7, đúng một ngày trước khi ông Tập Cận Bình đến Hàn Quốc. Các nhà phân tích nhận định, hành động trên là thông điệp thể hiện sự tức giận của Bình Nhưỡng trước sự lựa chọn của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Quan hệ Trung Quốc-Hàn Quốc nở rộ
Trong khi quan hệ giữa Trung Quốc và đồng minh thân nhất Triều Tiên ngày càng trở nên xa cách thì quan hệ giữa Bắc Kinh và Seoul dường như lại đang nở rộ.
Việc ông Tập Cận Bình chọn đến Hàn Quốc thay vì Triều Tiên được xem là cử chỉ thể hiện Trung Quốc đang ngày càng coi trọng mối quan hệ với Hàn Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ ở thăm Hàn Quốc trong hai ngày và chương trình nghị sự của ông này sẽ là các cuộc đàm phán về việc làm thế nào để mở rộng mối quan hệ thương mại song phương đang nở rộ giữa hai nước cũng như bàn thảo về vấn đề nhạy cảm là chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Trong khi Trung Quốc mấy năm nay chưa có cuộc gặp gấp cao nào với Bình Nhưỡng thì cuộc gặp lần này của ông Tập Cận Bình với nữ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye là cuộc gặp gỡ thứ hai, sau khi bà này có chuyến thăm chính thức đến Bắc Kinh hồi tháng 6 năm ngoái.
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc hôm 2/7 đưa tin, Chủ tịch Tập Cận Bình và người đồng cấp Hàn Quốc sẽ hướng tới việc ký kết tới 12 thỏa thuận và có kế hoạch ra tuyên bố chung. Hai nước cũng đang trong tiến trình đàm phán một thỏa thuận thương mại tự do. Thỏa thuận này có thể được hoàn thành sớm nhất vào cuối năm nay.
Thương mại song phương giữa Trung Quốc và Hàn Quốc đạt 270 tỉ USD trong năm 2013 và thỏa thuận thương mại tự do sẽ giúp tạo ra một bộ khung để hai nước tiếp tục phát triển quan hệ thương mại.
Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Hàn Quốc cũng sẽ bàn về vấn đề Triều Tiên. Nữ Tổng thống Park hy vọng sẽ tìm kiếm được một tuyên bố chắc chắn từ Chủ tịch Tập Cận Bình về việc Trung Quốc sẽ nỗ lực hơn nữa để gây sức ép buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân. Ngoài Triều Tiên, không nghi ngờ gì nữa, ông Tập Cận Bình và bà Park sẽ thảo luận về kế hoạch mở rộng vai trò quân sự của Nhật Bản.
Việc ông Tập Cận Bình đến Seoul được tin là ngoài phát đi thông điệp về sự thiếu kiên nhẫn với đồng minh thân nhất Triều Tiên còn là hành động nhằm ve vãn đồng minh Hàn Quốc của Mỹ, làm suy yếu liên minh của Mỹ ở khu vực Đông Á. Hàn Quốc vốn có mối quan hệ không mấy êm đẹp với Nhật Bản – đồng minh thân thiết nhất của Mỹ ở Châu Á. Lý do xuất phát từ nỗi ám ảnh thời phát xít Nhật chiếm đóng Hàn Quốc. Gần đây, Seoul đã phản đối việc Nhật Bản tìm kiếm một vai trò an ninh tích cực, chủ động hơn.
Chủ tịch Trung Quốc đã tận dụng thời điểm Hàn Quốc đang không hài lòng về Nhật Bản để đến ve vãn Seoul. Bắc Kinh đang tìm cách lôi Hàn Quốc ra xa Nhật Bản và Mỹ.
Tuy nhiên, bất chấp lập trường cứng rắn của Tổng thống Park với Nhật Bản, Seoul được tin là sẽ không rơi vào “vòng xoáy ve vãn” của Bắc Kinh. Bà Park biết rõ, mục tiêu của ông Tập Cận Bình là chia rẽ Mỹ với Hàn Quốc và bà đương nhiên không chấp nhận điều đó. Mỹ đang là người bảo vệ cho Hàn Quốc với 30.000 quân Mỹ đang đóng trên lãnh thổ Hàn Quốc.
Trung Quốc còn phải đi một đoạn đường dài để tìm được chỗ đứng trong lòng người Hàn Quốc. Theo một cuộc thăm dò dư luận của Viện Nghiên cứu Chính sách Asan ở Seoul, người Hàn Quốc có cái nhìn tích cực về Trung Quốc hơn nhưng họ vẫn coi Mỹ là nước nổi tiếng nhất và là đồng minh quan trọng nhất. Nhà Trắng cũng tự tin cho rằng, bất chấp những vấn đề giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, mối quan hệ giữa Washington với Seoul vẫn có một chỗ đứng vững chắc.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc