Theo chân Mỹ, Châu Âu cho Tổng thống Putin “cơ hội cuối”

14:44, 20/07/2014
|

(VnMedia) - Sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi thảm họa MH17 là “cú gọi thức tỉnh” để Châu Âu cùng tham gia với Mỹ trong việc đe dọa Moscow bằng những biện pháp trừng phạt kinh tế hà khắc hơn nếu không giúp chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine, Đức và Hà Lan cùng lên tiếng tuyên bố cho Tổng thống Vladimir Putin “cơ hội cuối”.

 

Ảnh minh họa
Các quan chức cấp cao ASEAN tại phiên khai mạc cuộc họp sáng nay. (Ảnh: Nhandan) - See more at: http://vtv.vn/Thoi-su-quoc-te/SOM-ASEAN-Cuoc-hop-dac-biet-cua-cac-quan-chuc-cao-cap-ASEAN/121702.vtv#sthash.iJmioISa.dpuf


Tổng thống Putin (bên trái) và Thủ tướng Merkel


Các nước Châu Âu dường như đang theo sau Mỹ tin rằng lực lượng ly khai ủng hộ Nga ở miền đông Ukraine là thủ phạm gây ra vụ rơi máy bay Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airlines. Vì thế, các nước đang tìm cách đổ lỗi cho Nga và gây sức ép với Nga.

 

Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm qua (19/7) đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, kêu gọi ông này sử dụng ảnh hưởng của mình với lực lượng ly khai miền đông Ukraine để đảm bảo một lệnh ngừng bắn khẩn cấp.

 

" Moscow có thể có một cơ hội cuối cùng để thể hiện rằng nước này thực sự nghiêm túc mong muốn một giải pháp”, Ngoại trưởng của Thủ tướng Merkel – ông Frank-Walter Steinmeier đã nói như vậy trên tờ Bild am Sonntag.

 

"Bây giờ là thời điểm để tất cả mọi người dừng lại và nghĩ xem chuyện gì có thể xảy ra nếu chúng ta không ngăn chặn tình trạng leo thang”, ông Steinmeier cho biết.

 

Đức giống như nhiều nước thành viên khác của Liên minh Châu Âu (EU) phụ thuộc rất nhiều vào nguồn năng lượng và mối quan hệ thương mại với Nga. Vì thế, các nước này tỏ ra không mấy hào hứng như Washington trong việc tung ra các đòn trừng phạt nhằm vào Nga. EU thực tế không muốn phá hoại chính nền kinh tế của họ bằng việc làm leo thang cuộc đối đầu với Moscow .

 

Chính phủ Hà Lan – nước có số công dân chiếm phần lớn trong 298 nạn nhân thiệt mạng trong vụ rơi máy bay, cho biết, họ “rất tức giận” trước cách “cư xử thô bạo với các thi thể nạn nhân đang nằm rải rác ở khu vực rộng nhiều km và đề nghị Tổng thống Ukraine giúp đỡ đưa “người của chúng tôi” trở về nhà.

 

"Ông ấy (Tổng thống Putin) có một cơ hội cuối cùng để thể hiện ông ấy muốn giúp”, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã phát biểu như vậy sau cuộc điện đàm với Nhà lãnh đạo Nga.

 

Malaysia – nước phải trải qua thảm họa máy bay kinh hoàng thứ hai chỉ trong vòng vài tháng qua, cho rằng, thật là “vô nhân đạo” khi ngăn chặn khả năng tiếp cận vào hiện trường vụ rơi máy bay ở làng Hrabove, gần Donetsk, nhưng khẳng định Nga “đang giúp đỡ ở mức cao nhất”. Theo các giám sát viên nước ngoài, họ đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận hiện trường nơi chiếc máy bay MH17 rơi.

 

Chiếc máy bay Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airlines đang trên đường bay từ Amsterdam tới Kuala Lumpur thì bị rơi ở gần thành phố Torez thuộc khu vực Donetsk hôm 17/7, khiến toàn bộ 283 hành khách và 15 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng. Dù chưa có kết luận chính thức của các nhà điều tra nhưng Kiev cùng với Mỹ và phương Tây đã vội vàng đổi lỗi cho Nga và lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine .

 

Giới chức Nga kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra toàn diện, tỉ mỉ và khách quan vụ rơi máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines. Đây cũng là lời kêu gọi chung của cộng đồng quốc tế.

 

Donetsk đảm bảo an ninh cho các chuyên gia điều tra vụ MH17

 

Chính quyền của nước cộng hòa tự xưng Donetsk tuyên bố, họ sẽ đảm bảo an ninh cho các chuyên gia quốc tế đến điều tra vụ rơi máy bay Boeing 777 tại hiện trường vụ việc.

 

Ông Andrei Purgin – Phó Thủ tướng của nước cộng hòa tự xưng Donetsk cũng đã lên tiếng về việc Kiev liên tục đổ lỗi cho lực lượng ly khai miền đông bắn rơi máy bay chở khách của Malaysia.

 

Giới chức Kiev khăng khăng đổi lỗi vụ rơi máy bay Boeing 777 cho lực lượng phòng vệ miền đông mà không có bất kỳ bằng chứng nào ngoài những bằng chứng giả rẻ tiền, ông Purgin đã viết như vậy trên website chính thức của Donetsk.

 

“Mọi việc đã rất rõ ràng, thảm kịch khiến gần 300 người thiệt mạng là kết quả của một âm mưu vô nhân đạo. Âm mưu này có thể được dàn dựng lên bởi rất nhiều tác giả: giới chức cầm quyền ở Kiev, các tướng lĩnh diều hâu của Ukraine hay lãnh đạo của Lực lượng Bảo vệQuốc gia Ukraine hoặc các thủ lĩnh của phong trào Cánh Hữu – lực lượng đang tự do hành động theo ý mình. Tất cả họ đều dính máu trên tay – máu của những người Mariupol, Slavyansk , Kramatorsk , Snezhnyi và Donetsk ”, ông Andrei Purgin nhấn mạnh.

 

Theo lời ông Purgin, “mục đích của âm mưu bắn máy bay là để thuyết phục cộng đồng thế giới rằng người dân Donbas là những kẻ tội phạm không đáng có được những gì mình muốn và để Kiev có thể toàn quyền hành động bằng việc tự do sử dụng chiến thuật ‘đốt cháy trái đất’ ở khu vực Donbas đồng thời làm cho cộng đồng quốc tế phải nhắm mắt làm ngơ việc Kiev giết hàng loạt những người dân đang đấu tranh cho tự do, đấu tranh chống lại những kẻ hiện thân của chủ nghĩa phát xít trong thế kỷ 21”.

 

Trong khi Kiev và phương Tây đang cáo buộc, chỉ trích lực lượng ly khai Ukraine về việc ngăn cản không cho các chuyên gia quốc tế tiếp cận hiện trường vụ rơi máy bay để thực hiện cuộc điều tra thì chính quyền Donetsk cho biết, họ bảo đảm an ninh cho các chuyên gia. Lực lượng ly khai cũng kêu gọi Kiev thực hiện một lệnh ngừng bắn để tạo điều kiện cho các chuyên gia quốc tế có thể thực hiện công việc của họ ở hiện trường vụ rơi máy bay.

 

Giao tranh vẫn tiếp tục bùng lên ở miền đông Ukraine . Chính phủ Kiev cho biết, họ đang tăng cường chiến dịch tấn công vào khu vực gần Donetsk và Luhansk.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc