Quân đội bất lực, Tổng thống Ukraine nổi giận ra tay

10:12, 04/07/2014
|

(VnMedia) - Tân Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã quyết liệt ra tay cải tổ mạnh mẽ quân đội yếu kém của nước này bằng cách bổ nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng mới và một vị tướng hàng đầu mới. Ông Poroshenko đã tức giận nói về nhiều năm mục ruỗng và tham nhũng trong quân đội, khiến lực lượng này không thể đối phó hiệu quả với cuộc nổi dậy ở miền đông Ukraine.
 

Ảnh minh họa
Các quan chức cấp cao ASEAN tại phiên khai mạc cuộc họp sáng nay. (Ảnh: Nhandan) - See more at: http://vtv.vn/Thoi-su-quoc-te/SOM-ASEAN-Cuoc-hop-dac-biet-cua-cac-quan-chuc-cao-cap-ASEAN/121702.vtv#sthash.iJmioISa.dpuf


Quân đội Ukraine


Các nhà phân tích tin rằng, giọng điệu cứng rắn của Tổng thống Poroshenko đã phản ánh áp lực ngày càng tăng của công chúng Ukraine đòi chính quyền phải chấm dứt tình trạng bạo lực ở miền đông Ukraine. Các nỗ lực tìm kiếm hòa bình ở miền đông đã thất bại trong khi quân đội chuyên nghiệp của Ukraine đánh mãi mà vẫn không thể giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại lực lượng phòng vệ ở khu vực này.
 
"Chúng tôi đã quá chán ngán chiến tranh. Mong ước duy nhất của chúng tôi là tất cả chuyện này kết thúc và chúng tôi có thể làm việc trong hòa bình”, ông Anton Orlets – một doanh nhân 58 tuổi cho biết. Ông này bày tỏ hy vọng, với sự cải tổ trong quân đội bằng những quyết định bổ nhiệm mới sẽ “giúp quân đội Ukraine giành chiến thắng” ở Donbass.
 
Trong khi đó, Nadezhda Grishko – một nhân viên bán hàng 32 tuổi cho biết, cô “sợ rằng họ sẽ tiếp tục đánh bom miền đông dữ dội hơn để thể hiện rằng họ đã giành được chiến thắng trong chiến dịch ở đây. Tuy nhiên, họ càng ép chúng tôi thì nước cộng hòa nhân dân Donetsk sẽ càng trở nên mạnh hơn”.
 
Ông Vadim Karasev – Giám đốc Viện Nghiên cứu Toàn cầu ở Kiev, nhận định, tân Tổng thống Poroshenko "đang đối diện với áp lực từ phía dưới”.
 
Tổng thống Poroshenko đã lên án gay gắt "sự sụp đổ hoàn toàn” về năng lực của chính phủ trong việc cung cấp cho lực lượng vũ trang Ukraine trong bài phát biểu có những ngôn từ đầy tức giận trước Quốc hội.
 
Ông Poroshenko đã nhận được sự phê chuẩn nhanh chóng của Quốc hội cho sự bổ nhiệm cựu quan chức cảnh sát hàng đầu Valery Heletey vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng, thay thế cho ông Mikhailo Koval. Tân Tổng thống Ukraine cũng chọn Trung tướng Viktor Muzhenko vào vị trí Tổng Tham mưu trưởng quân đội.  Ngoài ra, ông Poroshenko còn bổ nhiệm ông Yury Kosyuk – ông trùm trong ngành nông nghiệp và là một trong những người đàn ông giàu nhất Ukraine, vào vị trí giám sát các vấn đề quốc phòng trong chính quyền Kiev đồng thời giúp Kiev “thanh trừng những tên trộm cắp và kẻ đục khoét” trong quân đội. Những cáo buộc về tình trạng tham nhũng trong quân đội đã rộ lên kể từ khi Kiev tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch đàn áp lực lượng phòng vệ ở miền đông.
 
"Ngày hôm nay, chúng ta đang bắt đầu khôi phục lại quân đội từ con số 0. Chúng ta sẽ xây dựng một quân đội có khả năng chiến đấu và giành chiến thắng”, Tổng thống Poroshenko đã phát biểu như vậy trước Quốc hội.
 
Tân Bộ trưởng Quốc phòng Heletey có kinh nghiệm lâu năm trong ngành cảnh sát và ông Poroshenko hiểu rằng một quan chức quân sự không nên dẫn dắt Bộ Quốc phòng bởi vì quân đội đang trở nên mạnh hơn và đang tìm kiếm ảnh hưởng chính trị.
 
Việc ông Poroshenko quyết liệt ra tay cải tổ quân đội đã cho thấy được công việc phức tạp mà vị Tổng thống Ukraine phải đối mặt khi vừa phải đưa những lời đề nghị hòa bình vừa phải đàn áp cuộc nổi dậy ở miền đông có nguy cơ làm chia rẽ đất nước của ông này hoặc tạo ra một khu vực bất ổn vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chính phủ.
 
Các áp lực khác xuất phát từ bên ngoài. Ukraine và phương Tây cáo buộc Nga đang giúp trang bị vũ khí cho lực lượng phòng vệ ở miền đông và để cho công dân Nga vượt qua khu vực biên giới vào chiến đấu ở nước láng giềng. Trong khi đó, các đồng minh chính là Pháp và Đức đang thúc đẩy tân Tổng thống Poroshenko theo đuổi những cuộc đàm phán nhằm chấm dứt  tình trạng bạo lực ở miền đông.
 
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tham vấn nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel qua điện thoại về việc làm thế nào để các bên ở Ukraine quay trở lại con đường đàm phán hòa bình. Nhà Trắng cho biết, họ đã thảo luận về các nỗ lực ngoại giao nhằm đem đến lệnh ngừng bắn lâu dài. Mỹ và Đức đã nhất trí với nhau rằng, sẽ bắt Nga phải trả thêm giá nếu không làm dịu tình hình ở nước láng giềng.
 
Moscow mong Kiev ngừng bắn
 
Trong khi Ukraine và phương Tây đổ lỗi cho Nga về tình hình Ukraine và gây sức ép đòi Nga phải làm dịu tình hình ở nước láng giềng thì Moscow tuyên bố, nước này mong muốn tiến trình đàm phán hòa bình ở Ukraine được nối lại và rằng các nước cũng không nên kỳ vọng quá cao vào ảnh hưởng của Nga đối với lực lượng miền đông.
 
Bộ Ngoại giao Nga hôm qua cho biết, Moscow mong chờ kết quả của cuộc họp 4 bên diễn ra ở thủ đô Berlin hôm 2/7 sẽ thuyết phục được Kiev quay trở lại với thỏa thuận ngừng bắn trước đây.
 
“Chúng tôi mong dợi những kết quả tích cực của cuộc họp 4 bên giữa ngoại trưởng 4 nước Nga, Đức, Pháp và Ukraine hôm 2/7 ở thủ đô Berlin được đưa ra trong một tuyên bố chung sẽ thuyết phục được Ukraine ngay lập tức trở lại với chế độ ngừng bắn”, Bộ Ngoại giao Nga đã nói như vậy.
 
“Chúng tôi một lần nữa kêu gọi giới chức Ukraine hãy ngừng ngay những cuộc tấn công vào mục tiêu dân thường và bảo vệ mạng sống của nhân dân”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cho biết thêm.
 
Trước đó, hôm 1/7, ngay sau khi Tổng thống Ukraine tuyên bố chấm dứt lệnh ngừng bắn kéo dài 10 ngày ở miền đông, Lực lượng Bảo vệ Quốc gia Ukraine đã tái khởi động lại giai đoạn tích cực của chiến dịch quân sự nhằm đàn áp phong trào biểu tình của người miền đông.
 
Trong khi phương Tây và Kiev ra sức đổ lỗi cho Moscow về tình hình ở miền đồng thì chính Nga lại đưa ra khá nhiều nhượng bộ, thể hiện mong muốn giải quyết cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng bằng biện pháp hòa bình.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc