Ngày 21/7, Bộ Quốc phòng Nga đã tiến hành họp báo công bố các thông tin về thảm họa rơi máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia tại tỉnh Donetsk của Ukraine mà cơ quan này có được.
Bộ Quốc phòng Nga hy vọng phía Mỹ, vốn trước đó tuyên bố có các thông tin của mình, cũng cởi mở tương tự; đồng thời hy vọng Ukraine sẽ trả lời 10 câu hỏi mà bộ này đặt ra trước đó.
Đồ họa do Bộ Quốc phòng Nga công bố cho biết chiếc Su25 đã áp sát MH17 (Nguồn: RT)
Chiếc máy bay thứ 2
Theo Cục trưởng Cục tác chiến Bộ Tổng Tham mưu Nga, Trung tướng Andrei Kartapolov, gần như ngay lập tức sau khi chiếc Boeing rơi, xuất hiện thông tin không lâu trước khi thảm họa xảy ra, gần chiếc máy bay xấu số có một máy bay quân sự khác. Radar Nga đã xác định đó là máy bay Su-25 của Ukraine. Giả thuyết chiếc máy bay này bay theo hướng chiếc Boeing.
Ông Kartopolov nói: “Thiết bị đã xác định được độ cao chiếc máy bay không quân Ukraine, khoảng cách của nó với chiếc Boeing của Malaysia là từ 3-5km."
Tướng Kartapolov lưu ý rằng theo thông số kỹ thuật, Su-25 có thể đạt tới độ cao 10km và tấn công mục tiêu ở khoảng cách 12km (máy bay của Malaysia cũng bay ở độ cao khoảng 10km).
Bay trệch hành trình
Bộ trên cho biết thông tin chiếc máy bay, bay trên lãnh thổ Ukraine do kiểm soát không lưu Ukraine điều khiển, bay trệch hành trình chút ít đã xuất hiện cách đây vài ngày.
Cuối tuần trước, tại một cuộc họp báo ở Amsterdam, Phó chủ tịch Malaysia Airlines, ông Kheybat Gorter cho biết trên khu vực xung đột ở miền Đông Ukraine, máy bay bay ở độ cao thấp hơn so với yêu cầu trong kế hoạch bay. Hơn nữa, điều này được thực hiện theo yêu cầu của kiểm soát không lưu Ukraine.
Theo ông Gorter, máy bay dự kiến bay ở độ cao 10,66km, song phi công đã hạ độ cao theo yêu cầu của kiểm soát không lưu xuống 10,05km.
Bộ Quốc phòng Nga chiều 21/7 cho biết theo dữ liệu của họ, chiếc Boeing đã bay trệch hành trình 14km. Theo ông Kartopolova, máy bay đã cố quay lại ranh giới hành lang bay song không kịp.
Ukraine triển khai Buk
Ông Kartapolov cũng cho biết trong tay Bộ Quốc phòng Nga có các bức ảnh vệ tinh về vị trí hệ thống phòng không của quân đội Ukraine, xác nhận vào ngày xảy ra thảm họa, một bệ phóng Buk được chuyển vào vùng lãnh thổ do dân quân ly khai kiểm soát. Ông nói: “Chúng tôi có ảnh chụp qua vệ tinh về các vị trí cụ thể của hệ thống phòng không quân đội Ukraine ở Đông Nam nước này."
Theo ông, ba bức ảnh đầu tiên chụp ngày 14/7: “Các bức ảnh đầu tiên cho thấy các bệ phóng tên lửa đất đối không Buk trong khu vực cách Lugansk 8km về phía Tây Bắc. Trong ảnh các bạn có thể thấy rõ xe tự hành và hai bệ phóng tên lửa."
Bức ảnh tiếp theo là các trạm radar gần Donetsk. Bức ảnh thức ba cho thấy vị trí của hệ thống phòng không ở khu vực Donetsk. Cụ thể trong bức ảnh này có thể thấy rõ bệ phóng, khoảng 60 đơn vị thiết bị quân sự đặc biệt.
Ông Kartapolov khẳng định: “Trong cùng khu vực, các bức ảnh chụp ngày 17/7 cho thấy bệ phóng đã không còn. Bức ảnh thứ năm có thể thấy rõ sáng hôm đó gần làng Zaroschinskoe, cách Donetsk 50km về phía Đông và cách Shahtersk 8km về phía Nam, đã phát hiện khẩu đội Buk. Vấn đề là tại sao khẩu đội lại ở khu vực đó, gần lãnh thổ do dân quân kiểm soát, ngay trước thảm họa? Ảnh chụp khu vực này ngày 18/7 cho thấy khẩu đội đã rời vị trí trước đó." Ông Kartapolov còn nhấn mạnh vào ngày 17/7 cường độ của radar hệ thống tên lửa Buk của Ukraine tăng lên.
Ông Kartapolov cũng khẳng định Nga không chuyển giao cho dân quân hệ thống tên lửa đất đối không Buk, cũng như vũ khí và thiết bị quân sự khác. Việc truyền thông đăng tải video, dường như là vận chuyển Buk từ Ukraine về Nga là bịa đặt.
Ông nói: “Đây rõ ràng là tư liệu bịa đặt. Bức ảnh được thực hiện tại thành phố Krasnoarmeysk, điều chứng thực là nằm cạnh đường có một tấm biển, trên đó địa chỉ của salon ôtô là Dnepropetrovsk, 34. Chính Krasnoarmiysk từ ngày 11/5 thuộc quyền kiểm soát của quân đội Ukraine."
Vệ tinh Mỹ hiện diện trong khu vực
Ông Kartapolov còn cho biết vào ngày 17/7, từ 17 giờ 6 đến 17 giờ 21 giờ Moskva một thiết bị thử nghiệm của Mỹ nhằm phát hiện các vụ phóng tên lửa đã bay qua bầu trời khu vực Đông Nam Ukraine. Trung tướng Kartapolov lưu ý thời điểm xảy ra thảm họa Boeing trùng với thời điểm vệ tinh giám sát của Mỹ trên bầu trời Ukraine.
Bộ Quốc phòng Nga kêu gọi Mỹ công bố với cộng đồng quốc tế các bức ảnh vệ tinh của họ trong ngày máy bay rơi. Về phần mình, Bộ Quốc phòng Nga đã đăng tải trên trang web của mình toàn bộ thông tin tại cuộc họp báo ngày 21/7.
Ý kiến bạn đọc