(VnMedia) - Nhận lời mời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Kishida Fumio hôm nay (31/7) đã đến Việt Nam trong một chuyến thăm chính thức và sẽ đồng chủ trì Phiên họp Ủy ban Hợp tác Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 6. Chuyến thăm này sẽ kéo dài đến ngày 2/8.
|
Chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản cũng như Phiên họp Ủy ban Hợp tác Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 6 được tổ chức với mục đích thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản phát triển toàn diện, tăng cường sự tin cậy và hợp tác giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, nông nghiệp, thương mại, đầu tư…
Ngoài ra, trong thời gian chuyến thăm, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Kishida Fumio dự kiến sẽ chào Lãnh đạo cấp cao Việt Nam, thăm khu Công nghệ cao Hòa Lạc…
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Nhật Bản đến Việt Nam lần này, hai nước Nhật Bản và Việt Nam có đưa ra những kế hoạch hợp tác nào hay không, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết: “Trên tinh thần quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng, Việt Nam và Nhật Bản đã nhất trí tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực, trong đó có hoạt động hợp tác để nâng cao năng lực cho các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam. Hiện nay, các cơ quan chức năng của hai bên đang thảo luận về các bước cũng như hình thức hợp tác.
Quan hệ giữa hai nước Việt Nam-Nhật Bản đã không ngừng đổi mới và phát triển toàn diện trong suốt 40 năm qua. Việt Nam và Nhật Bản đã xác lập khuôn khổ “Quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” năm 2009. Thành quả của mối quan hệ đó không chỉ mang lại những lợi ích to lớn, thiết thực cho nhân dân hai nước, mà còn khẳng định một chân lý rằng, tinh thần khoan dung, đối thoại thay cho đối đầu, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi là sự lựa chọn tốt nhất đối với các quốc gia, dân tộc.
Nhật Bản đã trở thành đối tác hàng đầu và quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam. Với những lợi thế so sánh quan trọng như vị trí địa-chiến lược thuận lợi, chính trị-xã hội ổn định, lực lượng lao động dồi dào với cơ cấu dân số “vàng” và giá nhân công hợp lý, Việt Nam đã và sẽ tiếp tục là điểm đến quan trọng, lâu dài của các nhà đầu tư Nhật Bản. Nhiều thương hiệu nổi tiếng như Honda, Toyota, Sony, Hitachi và nhiều công ty Nhật Bản khác đã trở nên quen thuộc, gắn chặt với cuộc sống hàng ngày của mỗi người dân Việt Nam.
Nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) quý báu của Nhật Bản đã được Việt Nam sử dụng rất hiệu quả. Nhiều công trình quan trọng, phục vụ thiết thực đời sống của người dân Việt Nam như hạ tầng giao thông, trường học, bệnh viện, nhà máy, các cảng biển và hàng không… đã trở thành biểu tượng đẹp của sự hợp tác, góp phần thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị của nhân dân hai nước.
Kiệt Linh
Ý kiến bạn đọc