“Nanh vuốt” của phương Tây mất sắc trước Nga

05:50, 05/07/2014
|

(VnMedia) - Khi bạo lực tái bùng phát ở miền đông Ukraine, Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) dường như đã sẵn sàng tung thêm đợt trừng phạt mới nhằm vào Nga. Tuy nhiên, người ta hoài nghi về độ sắc của những chiếc “nanh vuốt” mà Mỹ và EU “nhe” ra với Moscow.

 

Ảnh minh họa
Các quan chức cấp cao ASEAN tại phiên khai mạc cuộc họp sáng nay. (Ảnh: Nhandan) - See more at: http://vtv.vn/Thoi-su-quoc-te/SOM-ASEAN-Cuoc-hop-dac-biet-cua-cac-quan-chuc-cao-cap-ASEAN/121702.vtv#sthash.iJmioISa.dpuf


Liên minh Châu Âu đau đầu bàn cách trừng phạt Nga


Kể từ hồi giữa tháng 3, các chính phủ phương Tây đã đưa vào “danh sách đen” hàng chục cá nhân và công ty của Nga nhằm trừng phạt Tổng thống Vladimir Putin và các đồng minh của ông vì những hành động của họ trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine. “Chúng tôi sẽ không nới lỏng” các biện pháp trừng phạt, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phát biểu đầy cứng rắn như vậy trước cánh phóng viên ở thủ đô Berlin trong ngày hôm qua (3/7) khi ngoại trưởng 4 nước Nga, Đức, Pháp và Ukraine bắt đầu các cuộc đàm phán nhằm tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

 

Cho đến thời điểm này, các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và phương Tây áp dụng đối với Nga không gây ra ảnh hưởng gì đáng kể ngoài việc gây ra một chút phiền toái cho các đối tượng trừng phạt của họ. Lý do của tình trạng này là bởi vì các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và các đồng minh Châu Âu tung ra không đồng bộ, thống nhất với nhau. Hiểu rõ hơn ở đây là Mỹ và EU chỉ thống nhất trên lời nói còn hành động lại đi theo hai hướng khác nhau.

 

Các biện pháp trừng phạt có hiệu quả nhất cho đến thời điểm này là xuất phát từ Mỹ, nhằm vào các doanh nhân thân thiết với Tổng thống Putin, bà Sarah Lain – một nhà phân tích người Nga ở London cho biết. Ví dụ như với trường hợp của Ngân hàng Rossiya – một ngân hàng lớn có một trong những người chủ sở hữu là ông Yury Kovalchuk và ông Gennady Timchenko. Đây là hai người có mối quan hệ chặt chẽ với Tổng thống Putin. Ngân hàng Rossiya bị Mỹ cấm cung cấp các dịch vụ Visa (V) và MasterCard (MA) cho khách hàng. Ông Timchenko đã phải vội vàng bán đi một số cổ phần của mình, trong đó có cổ phần ở một tập đoàn giao dịch dầu mỏ và một tập đoàn liên quan đến ngành hàng không ở Moscow St. Petersburg . Đây là những tập đoàn sẽ phải gánh hậu quả tương đối nặng nếu họ không thể làm ăn với Mỹ.

 

Tuy nhiên, EU lại không đưa ông Timchenko vào danh sách trừng phạt và ông này vẫn tiếp tục làm ăn với các đối tác Châu Âu. Phương tiện đầu tư chính của ông này – Tập đoàn Volga bị Mỹ trừng phạt có trụ sở ở quốc gia thành viên EU là Luxembourg . Và chỉ cách đây vài tuần, tập đoàn xây dựng của ông này Stroytransgaz vừa giành được một hợp đồng lớn trong dự án xây dựng mạng lưới đường ống khí đốt South Stream (Dòng chảy Phía Nam) thông qua Bulgaria – một thành viên khác của EU. Ông Timchenko cũng đang tích cực theo đuổi việc làm ăn ở Trung Quốc, từ khả năng đầu tư vào một công ty sản xuất nước đóng chai đến các dự án xây dựng trong ngành công nghiệp khí đốt sau khi Nga, Trung Quốc vừa ký kết một thỏa thuận khí đốt lịch sử.

 

Còn đối với ông Kovalchuk, ông này được Mỹ miêu tả như là “một chủ ngân hàng riêng” của Tổng thống Putin. Tuy nhiên, ông này không bị EU trừng phạt.

 

Nhiều cá nhân nằm trong danh sách trừng phạt của Châu Âu là người Nga, các quan chức chính phủ và lãnh đạo quân sự có liên quan trực tiếp vào vụ sáp nhập Crimea vào Nga và cuộc chiến ở miền đông Ukraine. Tuy nhiên, những “đòn” trừng phạt đó có ảnh hưởng rất nhỏ bởi những người bị Châu Âu nhắm tới không có mấy tài sản ở Châu Âu. “Họ đang tập trung vào sai đối tượng”, bà Lain nhận định.

 

Những biện pháp trừng phạt thiếu hiệu quả của người Châu Âu không phải là vấn đề duy nhất. Hãng tin Bloomberg hồi tháng trước đã đưa thông tin chi tiết về cách ông Kovalchuk làm ăn với các công ty của Mỹ thông qua một mạng lưới phức tạp của các tổ chức mà ông ta có cổ phần.

 

Tại sao Châu Âu lại né đòn trừng phạt hiệu quả nhằm vào Nga?

 

Người ta đã đặt câu hỏi về việc tại sao Châu Âu lại tránh đòn trừng phạt quyết liệt nhằm vào Nga. Sự phụ thuộc của lục địa này vào nguồn khí đốt của Nga là một lý do. Tuy nhiên, một lý do quan trọng không kém khác chính là hàng tỉ đô la tài sản mà các công ty Nga đang đầu tư vào các nước có mức thuế thu nhập thấp ở Châu Âu. Những người Nga giàu có đã đầu tư hàng tỉ USD vào bất động sản ở Anh, Pháp, Thụy Sỹ và nhiều nơi khác. “Nếu Châu Âu muốn gây ảnh hưởng đến ông Putin thì chính họ cũng phải hứng chịu nỗi đau tương tự”, nhà phân tích Lain cho biết. Và trong thời điểm này, Châu Âu không thể hứng chịu được điều đó.

 

Thậm chí nếu không có sự hợp tác của Châu Âu, Mỹ cũng có thể tung ra những đòn đau đớn nhằm vào nền kinh tế Nga bằng việc áp đặt các biện pháp trừng phạt lên lĩnh vực công nghệ, dịch vụ hay ngành năng lượng của Nga. Tuy nhiên, Mỹ khó có thể tung ra những đòn trừng phạt đó bởi điều này có nguy cơ khiến các công ty Mỹ để mất công việc làm ăn vào tay các đối thủ Châu Âu. Đó là lý do chính khiến nhiều công ty của Mỹ gần đây đã lên tiếng phản đối Mỹ tung ra thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.

 

Về phía liên minh Châu Âu, đặc biệt là Đức, sự phản đối của các doanh nghiệp còn mạnh hơn và nó diễn ra ngay từ khi các nước phương Tây và Mỹ nhăm nhe ý định trừng phạt Nga. Rất nhiều các chính khách, giới phân tích và giới doanh nhân nổi tiếng của phương Tây đã lên tiếng cảnh báo về việc EU tung ra đòn trừng phạt nhằm vào Nga. Những người này đều khẳng định, đòn trừng phạt nhằm vào Nga sẽ gây ảnh hưởng đau đớn cho phương Tây không kém gì cho Nga. Bản thân Moscow cũng hiểu rất rõ điều đó và nước này nhiều lần cảnh báo, dùng biện pháp trừng phạt sẽ chỉ phản tác dụng, khiến EU rơi vào tình trạng “gậy ông đập lưng ông”.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc