(VnMedia) - Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel chiều ngày hôm qua (15/7) đã thông báo, họ sẵn sàng “phối hợp tác chiến” với nhau để tung “đòn đánh” mới vào Nga.
Theo tuyên bố của Nhà Trắng về kết quả cuộc điện đàm mới nhất giữa Tổng thống Obama và Thủ tướng Merkel, hai nước này đã sẵn sàng áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga.
“Tổng thống và Thủ tướng tái khẳng định cam kết sẽ phối hợp cùng nhau và với các đồng minh khác để đảm bảo rằng Châu Âu và Mỹ vẫn gắn kết, hợp tác chặt chẽ trong việc tung ra các biện pháp nhằm bắt Nga trả giá nếu thấy cần thiết cũng như tiếp tục ủng hộ cho sự ổn định và thịnh vượng lâu dài của Ukraine”, tuyên bố của Nhà Trắng cho hay.
Ông Obama và bà Merkel cũng kêu gọi Nga “ngay lập tức phải tiến hành các bước đi nhằm làm dịu tình hình căng thẳng ở miền đông Ukraine trong bối cảnh bạo lực ở đây tiếp tục leo thang”. Theo hai nhà lãnh đạo của Mỹ và Đức, những bước đi mà Nga cần phải thực hiện bao gồm việc “ủng hộ một lệnh ngừng bắn song phương, một lộ trình cho các cuộc đàm phán dưới sự làm trung gian của nhóm tiếp xúc của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE), và thiết lập một cơ chế giám sát ở khu vực biên giới do OSCE thực hiện”.
Hai nhà lãnh đạo của Mỹ và Đức cho rằng, Moscow nên kêu gọi lực lượng ly khai ở miền đông nam Ukraine hạ vũ khí và phóng thích tất cả các con tin. Tổng thống Obama và Thủ tướng Merkel một lần nữa cáo buộc Nga đang cung cấp vũ khí và chiến binh cho các lực lượng phòng vệ miền đông bất chấp việc Tổng thống Vladimir Putin đã phủ nhận cáo buộc trên, khẳng định rằng không có bất kỳ vũ khí hay binh lính Nga nào từng được triển khai ở Ukraine và “sẽ không bao giờ điều đó xảy ra”.
“Tổng thống Obama và Thủ tướng Merkel đều nói rằng họ chưa thấy Nga thực hiện các yêu cầu được đưa ra”, tuyên bố của Nhà Trắng đã cho biết như vậy. Đây là lần đầu tiên ông Obama và bà Merkel tiến hành một cuộc hội đàm kể từ sau khi vụ scandal về gián điệp giữa Mỹ và Đức bùng lên.
Mặc dù Thủ tướng Merkel tỏ ra có vẻ kiên quyết trong việc sẵn sàng tung ra các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga nhưng người ta cho rằng đây là điều không dễ khi mà bà này đang phải đối mặt với sức ép từ giới doanh nhân Đức đòi chấm dứt việc trừng phạt thêm nữa Nga.
Mỹ có thể đơn phương trừng phạt Nga
Trong bối cảnh người ta hoài nghi về khả năng Liên minh Châu Âu (EU) tìm được tiếng nói chung trong việc tung ra các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn nhằm vào Nga, Mỹ được cho là đã sẵn sàng “một mình một mặt trận” trong vấn đề này.
Mỹ đang cân nhắc khả năng đơn phương áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Sự thay đổi về chiến lược này của Mỹ phản ánh sự tức giận và mất kiên nhẫn của chính quyền Obama trước sự chần chừ, lưỡng lự của EU trong việc tung ra những đòn trừng phạt quyết liệt hơn, đau đớn hơn nhằm vào Nga, giới chức Mỹ và Châu Âu cho biết.
Cho đến thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn nhấn mạnh sẽ phối hợp với EU để tung ra các biện pháp trừng phat nhằm đạt được hiệu quả tối đa nhất và đồng thời cũng để thể hiện một mặt trận thống nhất của phương Tây trước Nga. Liên minh Châu Âu có mối quan hệ kinh tế lớn hơn, mạnh hơn và gắn bó hơn với Nga. Điều đó có nghĩa là khối liên m inh gồm 28 nước thành viên này mới chính là lực lượng nắm chìa khoá để bảo đảm những biện pháp trừng phạt được tung ra đủ “sắc” để làm Nga đau.
Tuy nhiên, cũng chính vì mối quan hệ kinh tế gắn bó giữa Nga và EU khiến EU lo sợ rằng, những biện pháp trừng phạt hà khắc mà họ áp đặt nhằm vào Nga có thể gây ra hậu quả ngược lại, gậy ông đập lưng ông và gây tổn hại đến chính nền kinh tế của các nước thành viên EU. Sau nhiều tuần không có hành động gì, giới chức Mỹ cho biết, nước này hiện tại đã sẵn sàng để đi một mình trong “cuộc chiến” với Nga nếu giới chức EU không thống nhất được về việc tung ra các biện pháp trừng phạt mới trong cuộc họp dự kiến diễn ra trong ngày hôm nay (16/7) ở Brussels.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn thận trọng cho biết, họ chưa đưa ra quyết định cuối cùng nào cho đến sau khi kết thúc cuộc họp ngày hôm nay của EU.
Việc Nhà Trắng tuyên bố sẵn sàng ra tay trừng phạt Nga kể cả không có sự ủng hộ của Châu Âu diễn ra khi mà chính quyền của Tổng thống Obama đang phải đối mặt với sự chỉ trích rằng những lời cảnh báo liên tiếp về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn với Nga chỉ là những lời nói sáo rỗng.
"Tôi thỉnh thoảng thấy ngượng thay cho ông bởi ông leien tục nói về các biện pháp trừng phạt nhưng trên thực tế, chúng tôi chưa bao giờ thấy điều đó xảy ra”, Thượng nghị sĩ Bob Corker của Đảng Cộng hoà đã nói như vậy trong một phiên điều trần tại Thượng viện với giới chức chính quyền Mỹ hồi tuần trước.
Mỹ và Châu Âu đã phối hợp với nhau tung ra một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào các cá nhân và công ty Nga trước đó vì cáo buộc Moscow có liên quan đến tình hình bất ổn ở Ukraine. Tuy nhiên, những biện pháp trừng phạt này được cho là chẳng có mấy tác dụng.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc