Mỹ bất ngờ thừa nhận sự thật gây sốc trong vụ MH17

07:40, 28/07/2014
|

(VnMedia) - Mỹ đã gián tiếp thừa nhận về sự có mặt của các hệ thống phòng không của quân đội Ukraine gần Donetsk khi chiếc máy bay Boeing 777 chở 298 người của hãng hàng khôngMalaysia Airlines bị rơi ở nơi này. Thừa nhận trên của Mỹ đã xác nhận cho tính chính xác của các dữ liệu mà vệ tinh của Nga cung cấp, Bộ Quốc phòng Nga hôm qua (27/7) cho biết.

 

Ảnh minh họa
Các quan chức cấp cao ASEAN tại phiên khai mạc cuộc họp sáng nay. (Ảnh: Nhandan) - See more at: http://vtv.vn/Thoi-su-quoc-te/SOM-ASEAN-Cuoc-hop-dac-biet-cua-cac-quan-chuc-cao-cap-ASEAN/121702.vtv#sthash.iJmioISa.dpuf


Một nhóm chuyên gia Nga đang điều tra vụ MH17


"Trong tuyên bố của mình, Thư ký báo chí của Nhà Trắng Josh Earnest đã ngầm thừa nhận rằng, các hệ thống phòng không của Ukraine đã có mặt ở khu vực Donetsk mặc dù ông này tuyên bố những hệ thống đó không hoạt động” vào thời điểm MH17 rơi, nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

 

Nguồn tin trên nhấn mạnh, Mỹ như vậy là đã xác nhận tính chính xác của những thông tin, dữ liệu được cung cấp qua các hình ảnh từ vệ tinh của Nga mà Bộ Quốc phòng Nga đã công bố trong một cuộc họp đặc biệt diễn ra ngày 21/7. Trong cuộc họp báo đó, Nga cho biết, lực lượng phòng không của Ukraine đã triển khai 4 hệ thống tên lửa Buk-M1 gần thành phố Donetsk . Buk là loại tên lửa bị tình nghi đã bắn rơi chiếc máy bay dân sự của hãng hàng không Malaysia Airlines.

 

Bộ Quốc phòng Nga đang có trong tay một loạt hình ảnh vệ tinh cho thấy vị trí bố trí của các hệ thống phòng không của Ukraine trước thời điểm chiếc máy bay Boeing 777 của Malaysia bị rơi trên bầu trời phía đông Ukraine hôm 17/7. Cụ thể, 3 hình ảnh vệ tinh đầu tiên mà Nga có được là từ ngày 14/7. “Hình ảnh thứ nhất cho thấy, hệ thống phòng không Buk của Ukraine được đặt ở khu vực cách Luhansk 8km về phía tây bắc. Bức ảnh vệ tinh cho thấy rõ một hệ thống tự đẩy, hai bệ phóng cùng các máy nạp đạn. Một hình ảnh khác cho thấy các trạm radar gần Donetsk . Các hệ thống phòng không gần Donetsk là hình ảnh thứ ba, trong đó có một hệ thống tự đẩy và khoảng 60 thiết bị và vũ khí quân sự đặc biệt.

 

Tiếp đó, các hình ảnh được chụp lại ở cùng khu vực hôm 17/7 cho thấy, hệ thống phóng tên lửa đã không còn hiện diện ở đó. Hình ảnh thứ 5 cho thấy, một hệ thống Buk đã được triển khai ở khu vực Zaroshchinskoye, cách phía đông Donetsk 50km và cách Shakhtersk 8km, trong buổi sáng cùng ngày.

 

Câu hỏi mà giới chức Nga đặt ra ở đây là tại sao hệ thống đó lại tình cờ có mặt ở gần khu vực do lực lượng ly khai kiểm soát ngay trước khi xảy ra thảm kịch máy bay MH17? Những hình ảnh được chụp lại hôm 18/7 lại cho thấy, không còn hệ thống phòng không nào ở đó. Giới chức Nga khẳng định, Ukraine đã tăng cường hoạt động của các trạm radar tên lửa Buk trước ngày 17/7 – đúng ngày xảy ra thảm họa máy bay Malaysia và vào thời điểm chiếc máy bay này rơi, hệ thống phòng không của Ukraine đang được để ở chế độ hoạt động.

 

Chiếc máy bay Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airlines đang trên đường bay từ Amsterdam tới Kuala Lumpur thì bị rơi ở gần thành phố Torez thuộc khu vực Donetsk hôm 17/7, khiến toàn bộ 283 hành khách và 15 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.

 

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Kiev , Mỹ và phương Tây nhanh chóng hướng mũi chỉ trích, đổ lỗi về phía Nga và lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine . Tổng thống Obama hôm 18/6 còn tuyên bố chắc chắn rằng, máy bay MH17 bị bắn rơi bởi một quả tên lửa được phóng đi từ khu vực nằm trong quyền kiếm soát của lực lượng ly khai miền đông và rằng Nga là nước có liên quan. Lực lượng ly khai miền đông Ukraine khẳng định rằng, họ không có đủ công nghệ cần thiết để có thể bắn hạ một chiếc máy bay đang bay ở độ cao hơn 10.000 mét. Trong khi đó, Nga bác bỏ thẳng thừng các cáo buộc của Kiev và phương Tây đồng thời kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra quốc tế toàn diện, tỉ mỉ và khách quan.

 

Hôm 25/7, một nguồn tin từ một trong những cơ quan quốc phòng của Ukraine lại tiết lộ thêm một thông tin gây sốc rằng, lỗi hệ thống trong cuộc tập trận phóng tên lửa của các đơn vị phòng không Ukraine có thể là nguyên nhân của vụ rơi máy bay Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airlines ở miền đông Ukraine.

 

Trong khi các bên vẫn đổ lỗi cho nhau về vụ rơi máy bay MH17 và tìm cách đưa ra các bằng chứng để chứng minh cho cáo buộc của mình thì công việc điều tra của các nhà điều tra quốc tế vẫn đang được xúc tiến.

 

Nga tự mình điều tra vụ MH17

 

Trong một diễn biến mới nhất, ngày hôm qua (27/7), Bộ Giao thông Vận tải Nga đã thành lập một nhóm chuyên gia do Phó Giám đốc Cục Giao thông Đường không Liên bang của Nga (Rosaviatsiya) dẫn đầu để tham gia vào cuộc điều tra vụ máy bay MH17 rơi ở Donetsk. Nga đang bị đổ lỗi nhiều nhất về vụ máy bay rơi nên việc họ tự thành lập một nhóm điều tra để trực tiếp tham gia tìm hiểu vụ việc là điều dễ hiểu.

 

"Một nhóm chuyên gia đã được thành lập. Họ sẽ tham gia vào cuộc điều tra vụ rơi máy bay Boeing 777 của Malaysia trên lãnh thổ Ukraine hôm 17/7. Nhóm điều tra này sẽ do ông Oleg Storchevoy – Phó Giám đốc Rosaviatsiya dẫn đầu", tuyên bố của Bộ Giao thông Vận tải Nga cho hay.

 

Trước đó, người đứng đầu Rosaviatsiya – ông Alexander Neradko cho biết, cơ quan của ông sẵn sàng cung cấp tất cả những thông tin đang có trong tay cho ủy ban điều tra quốc tế cũng như sẵn sàng cử các chuyên gia đến để điều tra vụ việc.

 

Ngoài ra, một nhóm gồm 30 chuyên gia pháp lý của Hà Lan cũng đã đến hiện trường vụ tai nạn máy bay rơi ở miền đông Ukraine, nguồn tin từ Bộ Tư pháp Hà Lan cho biết. Hà Lan là nước có nhiều nạn nhân thiệt mạng trong vụ máy bay rơi nhất với gần 200 người. Nhóm chuyên gia này đã nhanh chóng được tiếp cận hiện trường sau khi lực lượng ly khai Ukraine và đại diện của phái đoàn Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) đạt được một thỏa thuận.

 

Trước đó, hôm 26/7, 40 sĩ quan cảnh sát Hà Lan cũng đến Ukraine để bảo vệ hiện trường vụ máy bay rơi. Trong khi đó, gần 70 cảnh sát Malaysia sẽ đến Ukraine vào ngày thứ Tư (30/7) để cùng tham gia bảo vệ hiện trường vụ rơi máy bay với những người đồng nghiệp Hà Lan.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc