(VnMedia) - Ukraine sẽ phải trả lời rất nhiều câu hỏi trong cuộc điều tra quốc tế về thảm hoạ rơi máy bay MH17 ở miền đông Ukraine khiến 298 người tử nạn, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc đã nói như vậy đồng thời thêm rằng Kiev đã tung ra những thông tin giả để cáo buộc lực lượng ly khai miền đông phải chịu trách nhiệm về vụ bắn rơi máy bay.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm qua (21/7) đã nhất trí thông qua một nghị quyết lên án bằng những ngôn từ mạnh nhất vụ bắn rơi máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines ở Ukraine và kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra quốc tế toàn diện, độc lập về thảm hoạ này.
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc – ông Vitaly Churkin cho biết, ông hài lòng với việc Tổ chức Hàng không Dân sự Quốc tế (ICAO) sẽ có một vai trò quan trọng trong cuộc điều tra cũng như hoan nghênh việc Hà Lan sẽ đóng vai trò dẫn dắt trong tiến trình này.
"Chúng tôi đơn giản không thể cho phép Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua một cuộc điều tra do Ukraine dẫn dắt bởi vì chúng tôi không tin vào mục đích của họ trong việc tiến hành một cuộc điều tra có tính khách quan thực sự", ông Churkin đã phát biểu như vậy với giới phóng viên sau cuộc bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Ukraine sẽ phải trả lời rất nhiều câu hỏi trong cuộc điều tra quốc tế, Đại sứ Churkin cho biết trong một bài phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ông này nói thêm rằng, Kiev đã lan truyền những thông tin giả nhằm cáo buộc lực lượng ly khai Ukraine bắn rơi máy bay MH17.
“Trong tiến trình điều tra, Ukraine sẽ phải trả lời nhiều câu hỏi: về hành động của các nhân viên kiểm soát không lưu, lý do di chuyển một trong những hệ thống tên lửa Buk đến gần sát khu vực nằm trong quyền kiếm soát của lực lượng ly khai đúng hôm 17/7. Tại sao hệ thống tên lửa này lại được chuyển đi ngay lập sau khi xảy ra vụ rơi máy bay? Tại sao hệ thống phòng không của Ukraine lại được đặt trong tình trạng hoạt động ở cường độ cao nhất đúng ngày 17/7”, Đại sứ Churkin cho hay.
Chiếc máy bay Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airlines đang trên đường bay từ Amsterdam tới Kuala Lumpur thì bị rơi ở gần thành phố Torez thuộc khu vực Donetsk hôm 17/7, khiến toàn bộ 283 hành khách và 15 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Kiev, Mỹ và phương Tây nhanh chóng hướng mũi chỉ trích, đổ lỗi về phía Nga và lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine. Tổng thống Obama hôm 18/6 còn tuyên bố chắc chắn rằng, máy bay MH17 bị bắn rơi bởi một quả tên lửa được phóng đi từ khu vực nằm trong quyền kiếm soát của lực lượng ly khai miền đông và rằng Nga là nước có liên quan. Nga bác bỏ thẳng thừng cáo buộc trên đồng thời kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra quốc tế toàn diện, tỉ mỉ và khách quan.
“Kiev phải chịu trách nhiệm về vụ rơi máy bay Malaysia”
Trong khi báo chí phương Tây đang tràn ngập những bài báo hướng sự chỉ trích, đổ lỗi lên Nga và lực lượng ly khai miền đông Ukraine về vụ máy bay MH17 bị bắn rơi thì một chuyên gia từng làm việc trong Quốc hội Mỹ lại đưa ra quan điểm hoàn toàn khác. Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Press TV, ông Rodney Martin cho rằng, Kiev phải chịu trách nhiệm cao nhất về vụ máy bay rơi.
Trả lời câu hỏi về việc khi mà chưa có câu trả lời chắc chắn cuối cùng về việc ai thực sự là thủ phạm bắn rơi chiếc máy bay chở 298 người của hãng hàng không Malaysia Airlines thì tại sao phương Tây, cụ thể ở đây là Mỹ, lại rất nhanh chống đổ lỗi cho Nga và lực lượng ly khai Ukraine, ông Martin cho biết: “Rõ ràng là Mỹ đang tìm cách cắn một miếng táo khác trong cuộc chiến tuyên truyền này liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine mà họ tạo ra. Hãy hiểu rằng, Mỹ đã trang bị và đào tạo cho chính phủ ở Kiev.
Kiev có quân đội lớn hơn và kiểm soát bầu trời, không phận. Kiev kiểm soát không lưu trên bầu trời Ukraine và kể từ khi họ phát động chiến dịch quân sự nhằm vào miền đông Ukraine, họ đáng ra phải đóng cửa không phận, không cho những chiếc máy bay thương mại và dân sự đi qua. Vì thế, trách nhiệm cao nhất trong thảm kịch máy bay dân sự bị bắn rơi nằm ở chính Kiev chứ không phải ở miền đông Ukraine.
Về việc Mỹ lên án bất kỳ hành động nào, tôi có thể xem đó là một kiểu đạo đức giả. Tôi nhớ lại rằng Mỹ từng cố tình bắn rơi một máy bay dân sự của Iran cách đây nhiều năm và họ đã đưa ra rất nhiều lý do để biện minh cho hành động của mình nhằm tránh phải chịu trách nhiệm”.
Đã có 298 người tử nạn trong vụ máy bay MH17 bị bắn rơi, khi được hỏi nếu các cuộc điều tra không thể đi đến bất kỳ kết luận nào về việc ai là thủ phạm thì điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, ông Martin đã trả lời: “Ồ, nếu như vậy thì sẽ có thêm nhiều lý do để Mỹ không nên lên tiếng cho đến khi có những câu trả lời chắc chắn về vụ việc. Có một máy bay Châu Á khác đã biến mất khỏi trái đất mà không ai biết nó ở đâu. Trong vụ này, chúng ta biết rõ, một máy bay dân sự đã được phép bay qua vùng chiến sự và điều đó đã phá hỏng năng lực của chính phủ Kiev”.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc