(VnMedia) - Trong hai ngày qua, lực lượng vũ trang của Kiev đã bắn một loạt tên lửa đạn đạo tầm ngắn vào khu vực miền đông Ukraine đang nằm trong quyền kiểm soát của quân ly khai, hãng tin CNN dẫn nguồn tin từ chính phủ Mỹ cho biết.
|
Diễn biến trên “đánh dấu một bước leo thang lớn” trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
“3 quan chức Mỹ vừa xác nhận với tôi rằng, giới tình báo Mỹ trong 48 giờ qua đã phát hiện những vụ bắn tên lửa đạn đạp tầm ngắn từ lãnh thổ được kiểm soát bởi quân chính phủ Ukraine vào các khu vực do lực lượng ly khai chiếm đóng”, phóng viên Barbara Starr của hãng tin CNN cho hay.
Tên lửa đạn đạo tầm ngắn có thể mang đầu đạn lên tới 450kg và có khả năng giết chết hàng chục người trong một lần bắn, phóng viên Starr cho biết.
Một phóng viên Moscow làm việc cho một đài truyền hình khác của Mxy là ABC hôm qua (29/7) cũng cho biết, quân Kiev đã bắn liên tiếp 3 quả tên lửa đạn đạo vào lực lượng ly khai ở gần thành phố Snezhnoe (Snizhne theo tiếng Ukrainian) trong khu vực Donetsk.
Giới phân tích nhận định, rất có thể lực lượng vũ trang Ukraine dùng tên lửa tấn công quân ly khai ở miền đông bởi họ không muốn đối mặt với nguy cơ máy bay của họ bị bắn rơi trong khu vực.
CNN không cung cấp các thông tin chi tiết liên quan đến những vụ bắn tên lửa cũng như ảnh hưởng mà các vụ tấn công kiểu này gây ra.
“Trên thực tế, Mỹ đang nắm những thông tin này, các quan chức cho biết. Nhưng bởi vì họ đang ở tình trạng khó xử, bạn biết đấy, những người được gọi là ‘người tốt’ – chính phủ Ukraine đang bắn tên lửa”, phóng viên Starr đã thẳng thừng phát biểu như vậy trên sóng của đài truyền hình CNN.
Cho đến nay, chưa có phản ứng chính thức nào từ Kiev và Moscow đối với các vụ tấn công bằng tên lửa nói trên. Vấn đề được nhiều người quan tâm lúc này là Washington sẽ phản ứng như thế nào trước những tiết lộ trên. Washington ủng hộ mạnh mẽ cho chính phủ Kiev.
Hồi đầu tuần này, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố những hình ảnh vệ tinh mà họ tuyên bố là “bằng chứng” để chứng minh cho việc Nga bắn tên lửa vào quân Kiev qua biên giới. Bộ Quốc phòng Nga đã đáp trả bằng lời tố cáo những hình ảnh “giả” trên đã được các cố vấn Mỹ “có mối quan hệ chặt chẽ với Hội đồng An ninh Ukraine” dựng lên.
“Liệu chúng ta có thấy những hình ảnh vệ tinh cho thấy Ukraine bắn tên lửa vào lực lượng ly khai? Đó có thể là một vấn đề chính trị rất hóc búa đối với cộng đồng tình báo Mỹ hiện nay”, phóng viên Starr cho hay.
Tuy nhiên, phóng viên CNN ở Donetsk - Nick Paton Walsh cho biết, anh này không nghe thấy tiếng gì giống tên lửa đạn đạo được bắn vào khu vực và cũng không thấy ai nói gì về những thông tin kiểu như trên. Mặc dù vậy, phóng viên Walsh khẳng định, việc hai bên của cuộc xung đột ở Ukraine đang sử dụng “vũ khí hạng rất nặng” để tấn công nhau đã không còn là điều gì lạ lẫm.
Giới chuyên gia quân sự Nga cho biết, nếu quân đội Ukraine sử dụng tên lửa đạn đạo, rất có thể đó là loại tên lửa Tochka-U (NATO Designation SS-21 Scarab).
Chuyên gia Viktor Murakhovsky nhận định, quân đội Kiev có thể sử dụng tên lửa để tấn công các mục tiêu cố định như đại bản doanh của lực lượng ly khai. “Tôi đang nói đến tên lửa đạn đạo Tochka-U được đặt trên một bộ khung có bánh xe. Đây là loại vũ khí mà quân đội Ukraine có trong kho vũ khí. Đó là một tên lửa được thiết kế và chế tạo từ thời Liên Xô”.
Chuyên gia Anatoly Tsyganok – người đứng đầu Trung tâm Dự đoán Quân sự ở thủ đô Moscow, cũng đồng quan điểm với ông Murakhovsky về việc quân Kiev sử dụng tên lửa Tochka-U.
Tin tức trên được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Moscow đang leo thang vì cuộc khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng ở Ukraine.
Mỹ - nước hậu thuẫn mạnh mẽ cho chính quyền Kiev, liên tục cáo buộc Nga ủng hộ cho lực lượng lykhai ở miền đông Ukraine và cung cấp vũ khí cho họ. Tuần trước, giới chức Mỹ còn tố Nga bắn đạn pháo vào lãnh thổ của Ukraine từ khu vực biên giới nhưng từ chối cung cấp bằng chứng thuyết phục ngoài những bức ảnh mà họ tuyên bố chụp được từ một vệ tinh dân sự. Bộ Quốc phòng Nga đã nhanh chóng bác bỏ và phản bác những hình ảnh nói trên.
Cho đến nay, Mỹ vẫn chưa thể chứng minh cho những lời cáo buộc nhằm vào Nga của họ bằng bất kỳ bằng chứng thuyết phục và đáng tin cậy nào. Thay vào đó, Mỹ chỉ cung cấp được một số hình ảnh vệ tinh hay những thông tin mà họ phán đoán theo “lẽ thường” và thu thập được từ các trang mạng xã hội.
Những lời cáo buộc và phản bác qua lại giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới Nga-Mỹ mỗi ngày một tăng lên sau khi xảy ra vụ máy bay Boeing-777 của hãng hàng không Malaysia Airlines rơi ở miền đông Ukraine hôm 17/7. Ngay ngày hôm sau, một thời gian khá dài trước khi các chuyên gia có mặt tại hiện trường và một cuộc điều tra được tiến hành, Tổng thống Barack Obama đã nhanh chóng khẳng định, Mỹ “ngày càng tin” rằng chiếc máy bay MH17 bị bắn rơi bởi một tên lửa đất đối không được phóng đi từ khu vực do lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine kiểm soát và rằng Nga có trách nhiệm trong vụ này. Giới tình báo Mỹ sau đó thừa nhận, họ không phát hiện bất kỳ mối liên hệ trực tiếp nào giữa Nga với vụ rơi máy bay. Tuy vậy, trò chơi đổ lỗi vẫn tiếp tục khi Mỹ cáo buộc Nga “tạo điều kiện” dẫn đến thảm hoạ máy bay đó.
Đáp lại, Nga yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra quốc tế công bằng, minh bạch, công khai và toàn diện về vụ MH17.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc