EU chuẩn bị “ra đòn” quyết định với Nga?

01:44, 02/07/2014
|

(VnMedia) - Một nghị sĩ cấp cao thuộc phe bảo thủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel vừa tiết lộ, Liên minh Châu Âu (EU) hôm nay (1/7) sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc có tăng cường đòn trừng phạt nhằm vào Nga hay không vì việc nước này không đáp ứng yêu cầu ổn định hóa tình hình Ukraine.

 

Ảnh minh họa
Các quan chức cấp cao ASEAN tại phiên khai mạc cuộc họp sáng nay. (Ảnh: Nhandan) - See more at: http://vtv.vn/Thoi-su-quoc-te/SOM-ASEAN-Cuoc-hop-dac-biet-cua-cac-quan-chuc-cao-cap-ASEAN/121702.vtv#sthash.iJmioISa.dpuf

Ảnh minh họa


"Quyết định sẽ được đưa ra ngày hôm nay”, ông Nobert Roettgen – Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Đức (Bundestag), đã cho biết như vậy trên đài phát thanh Đức.

 

Theo ông Roettgen, EU đã đưa ra yêu cầu “rất cụ thể và rất dễ thực hiện” đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin nhưng ông này đã không thực hiện. Và vì vậy, việc tung ra thêm các đòn trừng phạt hơn nữa là điều không thể tránh khỏi.

 

"Liên minh Châu Âu sẽ và phải thực hiện theo những lời mà liên minh đã nói ra, nếu không chúng tôi sẽ mất uy tín và sẽ chẳng làm được bất kỳ điều gì hơn nữa để tiến tới việc tháo ngòi căng thẳng và duy trì sự ổn định”, nghị sĩ đến từ Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo của nữ Thủ tướng Merkel đã nói như vậy với tờ Deutschlandfunk.

 

Tuy nhiên, trong khi EU thể hiện quyết tâm trừng phạt thêm nữa Nga thì mâu thuẫn trong nội bộ liên minh này cũng một lần nữa lại bị phơi bày.

 

Thủ tướng Estonia Taavi Roivas sau cuộc gặp với người đồng cấp Phần Lan Alexander Stubb ngày hôm qua (30/6) đã nói rằng, việc EU tung thêm ra các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế của hai nước Phần Lan và Estonia .

 

Theo ông Stubb, EU có thể sẽ tiếp tục sử dụng các biện pháp trừng phạt ở cấp độ 2, trong đó bao gồm lệnh cấm cấp visa và phong tòa tài sản ở các ngân hàng Châu Âu.

 

Trước đó, Thủ tướng Roivas đã nói rằng, ông tin là EU không thể áp đặt các biện pháp trừng phạt ở cấp độ ba lên Nga bởi điều đó sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất, nhập khẩu của nước ông.

 

“Mục đích của hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra hôm thứ Sáu (27/6) là nói lên tiếng nói để gây áp lực đối với Nga nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc tự động dẫn tới hành động áp đặt những biện pháp trừng phạt ở cấp độ ba”, nhật báo Helsingin Sanomat (Helsinki Times) dẫn lời Thủ tướng Phần Lan cho biết.

 

Các nhà lãnh đạo EU có mặt tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels hôm 27/6 đã cho biết trong một tuyên bố chung rằng, những bước đi cụ thể nên được áp dụng để làm dịu cuộc xung đột ở miền đông nam Ukraine . EU đã cho Moscow thời hạn 3 ngày, tức là đến ngày hôm qua (30/6), để nước này có những hành động cụ thể nhằm tháo ngòi căng thẳng ở nước láng giềng Ukraine.

 

Những biện pháp cụ thể mà EU nhắc tới bao gồm việc phóng thích các con tin, trả lại quyền kiểm soát một loạt chốt chặn an ninh ở biên giới cho giới chức Ukraine và bắt đầu khởi động các cuộc đàm phán ở khu vực miền đông nam Ukraine .

 

Tuyên bố sau hội nghị thượng đỉnh của EU cũng nói rằng, “Hội đồng Châu Âu sẽ đánh giá tình hình và nếu cần sẽ đưa ra những quyết định cần thiết. Hội đồng Châu Âu nhấn mạnh cam kết sẽ nhóm họp lại vào bất kỳ thời gian nào để đưa ra quyết định về việc đưa ra các biện pháp trừng phạt thêm nữa” đối với Nga.

 

Theo một nguồn tin Châu Âu giải thích với hãng tin ITAR-TASS, sẽ không có biện pháp nào được áp dụng một cách tự động sau khi thời hạn ngày 30/6 mà EU đưa ra cho Nga để tháo gỡ tình hình Ukraine kết thúc.

 

Trong trường hợp thiếu sự tiến triển trong các biện pháp nhằm làm dịu căng thẳng trong cuộc xung đột ở Ukraine, một cuộc họp bất thường giữa các nhà ngoại giao hàng đầu hoặc một hội nghị thượng đỉnh có thể sẽ được triệu tập để đánh giá tình hình và đưa ra những quyết định về các biện pháp trừng phạt mới.

 

Nguồn tin trên xác nhận rằng, một gói các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga đã được Ủy ban Châu Âu và Cơ quan Hành động Bên ngoài của Châu Âu soạn thảo ra từ hồi tháng 5.

 

Được khích lệ từ Mỹ, các nước thành viên EU đã áp đặt một số biện pháp trừng phạt lên một loạt các quan chức và công ty Nga, trong đó có biện pháp cấm cấp visa và phong tỏa tài sản, sau khi Crimea được sáp nhập vào Nga.

 

Phương Tây nhiều lần đe dọa sẽ tung thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, trong đó có những biện pháp về kinh tế, vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine . Phương Tây dưới sự dẫn dắt của Mỹ liên tục đổ lỗi cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine cũng như kích động cuộc nổi dậy của người miền đông.

 

Tuy nhiên, Moscow đã bác bỏ thẳng thừng mọi cáo buộc trên đồng thời thẳng thắn chỉ ra rằng, việc dùng ngôn ngữ trừng phạt với Nga chỉ phản tác dụng và sẽ đem lại hậu quả “gậy ông đập lưng ông” cho phương Tây.

 

Mặc dù giới lãnh đạo EU đang lớn tiếng đòi tung ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga nhưng theo nhận định của một số nhà phân tích, các biện pháp trừng phạt mới nếu được đưa ra cũng sẽ chỉ mang tính hình thức mà có ít ảnh hưởng thực sự. Nga sợ nhất những biện pháp trừng phạt về kinh tế, đặc biệt đối với các ngành năng lượng, quốc phòng và tài chính. Tuy nhiên, bản thân phương Tây cũng sợ chính những đòn trừng phạt này bởi nếu đưa ra, phương Tây cũng gánh ảnh hưởng không khác gì Nga. Vì thế, EU được cho là sẽ không áp dụng các biện pháp trừng phạt gây đau đớn cho Nga.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc