(VnMedia) - Khi thế giới đang tìm cách đối diện với sự mất mát to lớn và đầy thảm kịch khi gần 300 người thiệt mạng trong một vụ rơi máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines ở Ukraine thì những câu hỏi cũng đang dấy lên về việc tại sao một chiếc máy bay dân sự lại liều mình bay qua vùng chiến sự.
Chiếc máy bay MH17 chở 298 người đang bay từ Amsterdam đến Kuala Lumpur thì gặp nạn ở khu vực Donetsk của Ukraine ngày hôm qua (17/7). Donetsk là nơi đang chứng kiến những cuộc giao tranh ác liệt nhất, dữ dội nhất giữa quân đội Ukraine với lực lượng ly khai miền đông chống đối Kiev. Trong những ngày vừa qua, lực lượng ly khai miền đông đã gặt hái một số thành công, trong đó có việc bắn hạ 3 chiếc máy bay quân sự của quân đội Ukraine.
Bất chấp tình hình bạo lực đang rộ lên ở vùng chiến sự của Ukraine và nguy cơ rõ ràng cho bất kỳ chiếc máy bay nào, máy bay của Malaysia Airline vẫn được hướng dẫn bay qua khu vực vùng chiến. Chiếc máy bay này rõ ràng đã bị bắn rơi bởi một tên lửa phòng không tinh vi được phóng đi từ một bệ phóng kiểu Buk. Không ai nhận trách nhiệm về vụ rơi máy bay và các bên đang ra sức đổ lỗi cho nhau. Trong khi đó, vụ rơi máy bay trên đã gây ra sự mất mát về người lớn nhất từ trước đến nay trong cuộc xung đột kéo dài nhiều tháng qua ở Ukraine.
“Những câu hỏi vẫn đang được đặt ra về việc tại sao chiếc máy bay chở khách đó lại bay qua khu vực chiến sự và liệu rằng nó có đang bay đúng đường bay hay không. Chiếc máy bay đã bay qua vùng chiến sự - nơi những tên lửa thường được bắn ra. Đó là vùng chiến, vậy tại sao máy bay lại bay qua đó?”, ông Neil Clark - một blogger và cũng là một cây viết, đã đặt câu hỏi như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin RT của Nga.
Hiện tại, các hãng hàng không và các nhà quản lý hàng không đã tuyên bố Ukraine là vùng cấm bay nhưng trước khi thảm kịch xảy ra, tuyến đường bay qua khu vực Donetsk vẫn được xem là an toàn cho các hãng hàng không bất chấp chiến sự đang bùng nổ dưới mặt đất. Tuần trước, Ukraine đã đóng cửa không phận phía đông của nước này ở độ cao 7.900m hoặc thấp hơn nhưng MH17 đang bay ở độ cao 10.600m khi gặp nạn.
Lực lượng ly khai miền đông đang sử dụng những vũ khí phòng không tương đối đơn giản như tên lửa vác vai có thể tấn công mục tiêu ở độ cao 3.500m. Đây có thể là lý do đủ tốt để các hãng hàng không và các trung tâm kiểm soát không lưu ở Ukraine vẫn cho phép các máy bay bay qua ở độ cao đủ cần thiết để tránh nguy hiểm.
“Hãng hàng không Malaysia Airlines đã sử dụng tuyến đường bay qua Donetsk trong nhiều năm nay và nó luôn an toàn. 15 trong số 16 hãng hàng không ở Châu Á-Thái Bình Dương và thậm chí là một số hãng hàng không của Châu Âu bay qua tuyến đường này”, Bộ Giao thông Vận tải Malaysia - ông Datuk Seri Liow Tiong Lai cho biết tại một cuộc họp báo vừa diễn ra trong ngày hôm nay (18/7). “Không có bất kỳ hướng dẫn nào vào phút cuối về việc thay đổi một tuyến đường bay khác”.
Các hãng hàng không có lý do hợp lý để bay qua Ukraine bởi đó là tuyến đường bay ngắn nhất giữa nhiều nước Châu Âu và các thành phố lớn ở Đông Nam Á. Đường bay ngắn hơn đồng nghĩa với việc sẽ tốn ít nhiên liệu hơn và thu được lợi nhuận lớn hơn cho các hãng hàng không. Mỗi ngày, có hàng trăm chuyến bay bay qua không phận Ukraine trước khi cuộc xung đột ở nước này leo thang. Những chuyến bay bay qua bầu trời Ukraine vẫn nhộn nhịp cho đến khi xảy ra thảm kịch với MH17 ngày hôm qua.
Việc điều chỉnh tuyến đường bay để tránh vùng chiến sự sẽ khiến các hãng hàng không tốn nhiều chi phí hơn khi máy bay phải tiêu tốn nhiều nhiên liệu hơn. Chuyên gia hàng không Norman Shanks cho biết, nhiều hãng hàng không tiếp tục bay qua Ukraine bất chấp những lời cảnh báo vì đây là tuyến đường ngắn hơn, giúp họ tiết kiệm chi phí.
Theo một chuyên gia hàng không khác – ông Greg Raiff, nếu các hãng hàng không phải điều chỉnh tuyến đường bay, tránh các điểm nóng, giờ bay có thể kéo dài hơn, đòi hỏi tốn nhiều nhiên liệu hơn và thời gian làm việc của phi công hơn. Điều đó có thể khiến các tuyến đường bay trở nên không kinh tế, buộc các hãng hàng không phải từ bỏ tuyến đường bay này.
Có một điều lạ kỳ liên quan đến máy bay MH17 là chiếc máy bay xấu số này đã bay chệch hơn so với đường bay thông thường ở trên không phận Ukraine. Theo các dữ liệu được cung cấp tại flightaware.com – một website chuyên theo dõi hoạt động giao thông đường không, máy bay MH17 đã bay chệch khoảng 200km về phía bắc so với tuyến đường mà máy bay Boeing 777 của Malaysia Airlines bay trong những ngày trước đó. Và điều đó đã dẫn tới việc máy bay của Malaysia bay đúng ngay trên vùng chiến sự ở khu vực Donetsk – nơi lực lượng ly khai miền đông đang cố thủ để quyết chiến với quân đội Kiev.
Cho đến nay, chưa có lời giải thích chính thức nào được đưa ra về tuyến đường bay bất thường của máy bay MH17.
Trong khi đó, sau vụ máy bay MH17 trúng tên lửa, các hãng hàng không chắc chắn sẽ phải cảnh giác hơn để tránh những điểm nóng và họ có thể buộc phải xem xét lại nhiều tuyến đường bay quốc tế để đảm bảo sự an toàn cho hành khách và phi hành đoàn.
Chỉ vài giờ sau khi xảy ra thảm họa với chiếc máy bay Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airlines, hàng loạt hãng hàng không trên thế giới đã đồng loạt điều chỉnh đường bay mới, tránh không phận Ukraine.
Vân Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc