Việt Nam kêu gọi Mỹ, EU góp tiếng nói mạnh mẽ hơn vì Biển Đông

06:46, 06/06/2014
|

(VnMedia) - Trong khuôn khổ các cuộc làm việc với EU, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã đề nghị các quan chức EU, Bỉ, các học giả và doanh nghiệp Châu Âu góp tiếng nói chung kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, rút giàn khoan và tàu hộ tống ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

 

Ảnh minh họa

 Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam - ông Bùi Thanh Sơn


Từ ngày 01-04/06/2014, theo chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU), đoàn cán bộ liên ngành do Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đã sang Brussels, Bỉ, làm việc với các cơ quan của Liên minh Châu Âu như Hội đồng Châu Âu, Ủy ban Châu Âu, Nghị viện Châu Âu và Cơ quan Đối ngoại Châu Âu… nhằm tìm hiểu về cơ cấu, thể chế của EU cũng như trao đổi về thực trạng và phương hướng thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam – EU. Ông Bùi Thanh Sơn cũng đã có cuộc gặp riêng với Giám đốc điều hành Cơ quan đối ngoại Châu Âu - ông David O’Sullivan để trao đổi về việc triển khai cụ thể các hoạt động hợp tác song phương, một số vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm.

 

Nhân dịp này, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn còn hội đàm với Bộ trưởng Hợp tác phát triển Bỉ - ông Jean Pascal Labille, và Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bỉ - ông Dirk Achten, để trao đổi về quan hệ hợp tác song phương và tham dự Hội thảo “Những diễn biến gần đây ở Biển Đông và những hệ lụy đối với luật pháp và thương mại” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Bỉ - Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ tổ chức.

 

Tại các cuộc gặp với phía EU, Thứ trưởng đã đề nghị Nghị viện Châu Âu và các nước thành viên EU sớm phê chuẩn Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) giữa Việt Nam và EU, dành cho Việt Nam quy chế kinh tế thị trường trước khi hai bên kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và đẩy nhanh tiến trình đàm phán để hai bên có thể hoàn tất EVFTA trước Hội nghị Cấp cao Á – Âu (ASEM10) vào tháng 10/2014, tiếp tục dành GSP cho Việt Nam, tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam nhập khẩu vào thị trường EU. Thứ trưởng cũng khẳng định Chính phủ Việt Nam cam kết tạo điều kiện thuận lợi và thực hiện tất cả những biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh, an toàn tính mạng và tài sản cũng như quyền lợi hợp pháp cho các doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Châu Âu làm ăn tại Việt Nam và khuyến khích doanh nghiệp hai bên tận dụng cơ hội mà EVFTA và TPP… mang lại.

 

Về tình hình gần đây tại biển Đông, Thứ trưởng đã thông báo về việc ngày 2/5, Trung Quốc đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương-981 và hơn 100 tàu, trong đó có cả tàu quân sự và tàu hộ vệ tên lửa vào hoạt động tại khu vực nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), đe dọa ổn định, an toàn, an ninh hàng hải của khu vực và quốc tế, gây ảnh hưởng tới kinh tế thế giới đang trên đà hồi phục.

 

Thứ trưởng đề nghị các quan chức EU, Bỉ, các học giả và doanh nghiệp Châu Âu góp tiếng nói chung kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, rút giàn khoan và tàu hộ tống khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, sớm đi vào đàm phán với Việt Nam để giải quyết vấn đề bằng các biện pháp hòa bình, góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở biển Đông.

 

Trong một diễn biến khác liên quan đến hoạt động của các quan chức ngoại giao Việt Nam, chiều 3/6, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã tiếp đoàn Hạ nghị sỹ Mỹ do ngài John Kline, thành viên Đảng Cộng hòa, Chủ tịch Ủy ban Giáo dục và Lao động, thành viên Ủy ban Quân vụ, dẫn đầu.

 

Trong cuộc gặp nói trên, hai bên đã thảo luận về một loạt vấn đề xung quanh hợp tác song phương Mỹ-Việt trên các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, quốc phòng; ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); công tác tìm kiếm hài cốt quân nhân (MIA) và những diễn biến gần đây trên biển Đông.

 

Đề cập đến vấn đề biển Đông, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc khẳng định, hành vi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương -981 (Haiyang Shiyou – 981) của Trung Quốc trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC).

 

Đáp lại, Hạ nghị sỹ John Kline và các thành viên trong đoàn khẳng định nghị viện Mỹ quan tâm sát sao, chia sẻ với Việt Nam và bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những hành động khiêu khích đối với Việt Nam của Trung Quốc trên Biển Đông cũng như những hành động của Trung Quốc với Philippines và Nhật Bản. Mỹ ủng hộ quan điểm và lập trường của Việt Nam trong việc đấu tranh và bảo vệ chủ quyền và mong muốn các bên sớm có giải pháp giải quyết tình hình hiện nay bằng con đường ngoại giao, hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.

 

Thay mặt Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cảm ơn sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ dành cho Việt Nam. Đây là sự ủng hộ rất kịp thời và đúng lúc đối với Việt Nam. Cùng với sự ủng hộ quý báu từ nhiều nước khác và cả cộng đồng quốc tế, Việt Nam không hề cô đơn trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ.

 

Chiều ngày hôm qua (5/6), tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Việt Nam có kỳ vọng gì vào nước Mỹ để tác động đến vấn đề trên biển của Việt Nam hay không, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam – ông Lê Hải Bình đã cho biết: ”Việc duy trì an ninh trên biển là trách nhiệm của mọi quốc gia. Mỹ là một nước lớn trên thế giới và trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Việt Nam mong muốn Mỹ góp tiếng nói mạnh mẽ hơn để giải quyết vấn đề ở khu vực thông qua luật pháp quốc tế”.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc