(VnMedia) - Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm qua (26/6) đã lớn tiếng cảnh báo rằng, Nga sẽ phải đối mặt với viễn cảnh hứng chịu thêm nhiều đòn trừng phạt hà khắc hơn nếu không hành động “trong vài giờ tới” để buộc người miền đông
Tổng thống Putin đang phải đối mặt với sức ép mạnh mẽ từ Mỹ và phương Tây |
Trong bối cảnh các hoạt động tham vấn ngoại giao đang được đẩy mạnh nhằm cứu vãn và duy trì lệnh ngừng bắn mong manh ở miền đông Ukraine, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm qua đã cảnh báo rằng, Nga sẽ phải đối mặt với thêm nhiều biện pháp trừng phạt khắc nghiệt hơn nếu không hành động trong vài giờ tới nhằm gây sức ép buộc lực lượng phòng vệ ở miền đông Ukraine phải hạ vũ khí và từ bỏ cuộc chiến.
Lời cảnh báo trên được ông Kerry đưa ra khi mà Liên minh Châu Âu đang chuẩn bị tiến hành thảo luận về các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn đối với Nga.
Washington và các cường quốc phương Tây đang gia tăng sức ép lên Nga để buộc nước này có những bước đi, hành động cụ thể nhằm tháo ngòi căng thẳng trong cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông Ukraine hiện giờ. Hiện tại, lệnh ngừng bắn đang được thực thi ở đây nhưng nó dường như đang có nguy cơ đổ vỡ.
"Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với nhau rằng, sẽ là vô cùng quan trọng và có tính quyết định để Nga thể hiện trong vài giờ tới rằng họ thực sự đang nỗ lực tiến tới giải trừ vũ khí của các lực lượng ly khai, khuyến khích họ từ bỏ vũ khí, hạ vũ khí và bắt đầu tham gia vào một tiến trình hợp pháp”, ông Kerry đã nói như vậy với các phóng viên ở thủ đô Paris của Pháp.
Ngoại trưởng Mỹ cũng nói thêm rằng, giới lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) sẽ thảo luận về khả năng áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt dối với Nga tại hội nghị thượng đỉnh ở Bỉ trong ngày hôm nay (27/6).
Việc Mỹ gia tăng sức ép lên nước Nga của Tổng thống Putin diễn ra đúng một ngày trước khi EU tiến hành một hội nghị thượng đỉnh ở Brussels trong ngày hôm nay và vào đúng thowfidideemr tân Tổng thống Ukraine Petro O. Poroshenko được cho là sẽ ký một thỏa thuận thương mại tự do với EU – một thỏa thuận đã khiến người tiền nhiệm Viktor F. Yaunkovych bị lật đổ và châm ngòi cho cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng kéo dài nhiều tháng trời ở quốc gia Đông Âu.
Mặc dù Tổng thống Nga Vladimir V. Putin đã lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ đối với lệnh ngừng bắn cũng như các cuộc đàm phán hòa bình giữa chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine, đồng thời tỏ rõ thiện chí qua việc hủy bỏ quyền lựa chọn biện pháp quân sự ở Ukraine mà Thượng viện Nga cấp cho ông, Mỹ vẫn bày tỏ sự hoài nghi về việc liệu ông Putin có thực sự cam kết chấm dứt bạo lực ở nước láng giềng hay không.
Mỹ, phương Tây có thực sự gây sức ép được với Nga
Trong khi Ngoại trưởng Kerry rất hùng hồn khi đưa ra cảnh báo về những biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga từ Mỹ và các nước phương Tây thì người ta không rõ liệu Liên minh Châu Âu (EU) có thực sự tung ra các đòn trừng phạt mới với Nga hay không nếu Tổng thống Putin không đáp ứng được kỳ vọng của phương Tây trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Điều đáng chú ý là giới doanh nhân ở Mỹ đang lên tiếng phản đối việc nước này áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Nga.
Phòng Thương mại Mỹ và Hiệp hội Các nhà Sản xuất Mỹ đã chuẩn bị một quảng cáo trên báo, trong đó nói rằng việc Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với ngành năng lượng, quốc phòng và tài chính của Nga sẽ gây hại cho các doanh nhân và công nhân Mỹ. Lời cảnh báo này sẽ được đăng tải đồng loạt trên các tờ báo uy tín hàng đầu của Mỹ gồm New York Times, Thời báo Phố Wall và Washington Post.
Ông Mark Weisbrot – đồng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế, tin rằng, quảng cáo trên báo của Phòng Thương mại Mỹ và Hiệp hội Các nhà sản xuất Mỹ về việc phản đối các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga sẽ có tác động đến chính quyền của Tổng thống Obama để chính quyền này phải từ bỏ chiến lược đang áp dụng.
“
“Động thái đăng quảng cáo phản đối Mỹ trừng phạt Nga của Phòng Thương mại Mỹ và Hiệp hội Các nhà Sản xuất Mỹ đã chứng tỏ điều mà chúng tôi đã biết, đó là có sự phản đối mạnh mẽ việc Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt về kinh tế nhằm vào Nga. Sự phản đối này ngày càng công khai hơn và quyết liệt hơn. Giới doanh nhân phản đối các biện pháp trừng phạt cũng có tổ chức hơn và đã cùng nhau đưa ra một tuyên bố có khả năng gây ảnh hưởng”, ông Weisbrot nhận định.
Vị chuyên gia Weisbrot nói thêm rằng, Phòng Thương mại Mỹ rất quyền lực và cơ quan này có ảnh hưởng lớn đến chính sách ngoại thương của Mỹ. Mặc dù Hiệp hội Các nhà Sản xuất của Mỹ không có những thành viên là các tập đoàn lớn nhất như Phòng Thương mại Mỹ nhưng đó cũng là một hiệp hội rất có ảnh hưởng.
“Nếu họ công khai phản đối điều đó thì tôi sẽ rất là ngạc nhiên nếu chính quyền không lắng nghe họ. Chính quyền Obama sẽ phải quan tâm đến tiếng nói của cả hai tổ chức trên. Tôi không biết chính quyền sẽ bướng bỉnh trong bao lâu nhưng cuối cùng họ cũng phải từ bỏ chiến lược đó”, ông Weisbrot khẳng định.
Ý kiến bạn đọc