Vì sao Mỹ không rời bỏ đồng minh ở Biển Đông?

10:11, 24/06/2014
|

(VnMedia) - Tổng thống Mỹ Barack Obama đã được đón chào nhiệt liệt khi ông đến thăm Philippines hồi cuối tháng 4. Tất cả mọi người đều dự đoán về những ảnh hưởng có tính chiến lược trong chuyến công du của ông Obama đến Châu Á, đặc biệt là khi các cuộc tranh chấp hàng hải ở Tây Thái Bình Dương đang bùng lên dữ dội.
 

Ảnh minh họa


Hình ảnh trong một cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Philippines


Trong chuyến đi trước đó đến thủ đô Tokyo, Tổng thống Obama đã thẳng thừng bày tỏ sự sẵn sàng của Washington trong việc ủng hộ về mặt quân sự cho Nhật Bản nếu một cuộc chiến nổ ra trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Tokyo đang tranh chấp với Bắc Kinh ở biển Hoa Đông. Theo quan điểm của một số nhà phân tích, tuyên bố công khai về một sự ủng hộ quân sự của ông chủ Nhà Trắng sẽ có tác dụng như một lời răn đe, một rào chắn ngăn Trung Quốc không tiếp tục đưa ra những hành động khiêu khích Nhật Bản ở quần đảo đang nằm trong sự kiểm soát của Tokyo này.
 
Với việc Philippines và Trung Quốc đang bị mắc kẹt trong một cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải đầy nguy hiểm ở Biển Đông, đặc biệt sau khi Malina quyết định kiện Bắc Kinh ra tòa án quốc tế, người ta có lý do để hồi hộp chờ xem và cẩn thận giải mã những phát biểu, thường là khó hiểu, của ông Obama ở Philippines.
 
Chuyến thăm của Tổng thống Obama trùng đúng thời điểm hai nước Mỹ và Philippines chính thức ký Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Nâng cao mới (EDCA). Vì thế, nhiều người mong đợi ông Obama cũng sẽ nhấn mạnh sự ủng hộ về mặt quân sự của Mỹ đối với Philippines nếu một cuộc xung đột nổ ra ở Biển Đông. Trong khi Nhật Bản có đủ lực để bảo vệ mình và đối phó với Trung Quốc thì Philippines thua xa sức mạnh của đối thủ.
 
Tuy nhiên, thay vì tái bảo đảm sự ủng hộ cho Philippines, Tổng thống Obama lại cố tình giải thích rằng Washington không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp chủ quyền và ủng hộ một giải pháp ngoại giao cho các cuộc tranh chấp. Tổng thống Obama đã gây lo ngại khi tiếp tục nhấn mạnh: “Việc Trung Quốc trở thành cường quốc thống trị ở Đông Á là điều không tránh khỏi”.
 
Ông chủ Nhà Trắng gây ấn tượng nhất khi tuyên bố cam kết “bằng sắt” của Washington đối với liên minh quốc phòng với Manila. Xem xét kỹ thỏa thuận mà Mỹ và Philippines ký kết trong chuyến thăm của ông Obama, người ta thấy không có điều khoản nào bắt buộc quân đội Mỹ phải tự động can thiệp vào nếu Philippines và Trung Quốc có xung đột quân sự với nhau ở Biển Đông. Đây là điều không gây ngạc nhiên bởi học thuyết trung tâm của chính quyền Tổng thống Obama là đảm bảo, duy trì ưu thế về địa chính trị của Mỹ ở Châu Á nhưng không công khai đối đầu với Trung Quốc. Chính quyền Obama thường miêu tả mối quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc như là mối quan hệ song phương quan trọng nhất thế kỷ 21.
 
Vậy thực tế trên có đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ bỏ rơi đồng minh Philippines trong cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông? Câu trả lời là: Không hẳn như vậy.
 
Nhiều nhà phân tích thường sai lầm khi miêu tả Mỹ là một cường quốc đang ngày một suy giảm sức mạnh và đang phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, điều mà các nhà phân tích trên không nhận ra là chính bản thân Trung Quốc cũng phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Trên thực tế, sự tồn tại của Trung Quốc phần lớn phụ thuộc vào việc tiếp tục mở rộng nền kinh tế trong nước và điều này lại phụ thuộc vào mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Mỹ. Tóm lại, cả Mỹ và Trung Quốc đều phụ thuộc chặt chẽ vào nhau trong vấn đề kinh tế.
 
Trong khi đó, trong phạm vi chiến lược của Mỹ, Philippines không phải là ưu tiên hàng đầu. Và Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ-Philippines được ký kết năm 1951 (MDT) khá mập mờ trong những quy định về nghĩa vụ quân sự của Mỹ đối với Philippines.
 
Mặc dù vậy, điều mà nhiều nhà phân tích bỏ quên là Washington không thể và cũng không dám bỏ rơi Philippines bởi điều đó sẽ gây tổn hại rất lớn cho Mỹ. Cụ thể, việc không bảo vệ Philippines trước Trung Quốc sẽ khiến uy tín, vị thế của Mỹ với tư cách là người bảo vệ sự ổn định trong khu vực cũng như vai trò toàn cầu của Mỹ bị ảnh hưởng. Và khi Washington tăng cường sự hiện diện quân sự ở Philippines sẽ khó để Mỹ tránh được các cuộc tranh chấp ở Biển Đông.
 
Tuy nhiên, trên tất cả là Mỹ không thể cho phép Trung Quốc thống trị khu vực Biển Đông chiến lược bởi sự tự do hàng hải ở các vùng lãnh hải quốc tế là điều quan trọng có tính sống còn đối với uy thế hải quân của Mỹ cũng như đối với sự ổn định của các nền kinh tế trên khắp khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Khu vực này đang trở thành một điểm đến xuất khẩu và đầu tư cho các doanh nghiệp Mỹ.
 
Tóm lại, có thể nói, Mỹ sẽ tránh tối đe khả năng đối đầu quân sự trực tiếp với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, trong trường hợp không thể tránh được, Mỹ buộc phải bảo vệ đồng minh của mình trước Trung Quốc. Nếu không làm như vậy, Mỹ sẽ đánh mất uy tín và niềm tin của các nước khác. Chỉ cần hiểu đơn giản thế này, nếu Mỹ bỏ rơi đồng minh Philippines khi nước này có xung đột với Trung Quốc thì chắc rằng, sau này, sẽ chẳng nước nào dám trở thành đồng minh với Mỹ. Đây sẽ là điều rất nguy hiểm đối với Mỹ trong vai trò là cường quốc số 1 của thế giới.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc