(VnMedia) - Nhận lời mời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Ủy viên Quốc vụ, Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì sẽ sang Việt Nam tham dự cuộc gặp giữa hai Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc tại Hà Nội vào ngày mai (18/06).
Ủy viên Quốc vụ, Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì sẽ đến Việt Nam vào ngày mai (18/6) |
Trước đó, tại cuộc họp báo diễn ra chiều qua (16/6), Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cũng đã cho biết, Ủy viên Quốc vụ, Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì sẽ đến Việt Nam tham dự cuộc họp Ủy ban Chỉ đạo Hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc. Dự kiến, vấn đề Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam sẽ trở thành chủ đề được bàn thảo trong cuộc gặp này.
Ủy ban Chỉ đạo Hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc được thành lập năm 2006 với mục đích tổ chức các cuộc họp thường niên để thảo luận những vấn đề song phương quan trọng.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu cuộc họp của Uỷ ban Chỉ đạo Hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc sắp tới có bàn về vấn đề Biển Đông hay không, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết: “Tôi tin rằng, vấn đề Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 sẽ được bàn đến. Như chúng tôi nhiều lần khẳng định, Việt Nam luôn kiên trì tìm kênh đối thoại với Trung Quốc để giải quyết vấn đề căng thẳng hiện tại nên cuộc họp lần này sẽ là sự kiện để hai bên thảo luận, tìm ra giải pháp”.
Việt Nam đã nỗ lực và thiện chí giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay trên Biển Đông do việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển Việt Nam gây ra thông qua đàm phán và các biện pháp hòa bình nhưng Trung Quốc phản ứng thiếu tính xây dựng.
Trong hơn một tháng qua, phù hợp với quy định của Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông và các thỏa thuận cấp cao giữa hai nước, Việt Nam đã nỗ lực liên lạc và đối thoại với Trung Quốc dưới nhiều hình thức và nhiều cấp để yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành vi vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, tạo điều kiện để hai bên đàm phán tìm biện pháp ổn định tình hình và quản lý các vấn đề trên biển giữa hai nước. Việt Nam đã tiến hành hơn 30 lần tiếp xúc với các cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc nhưng Trung Quốc vẫn từ chối đàm phán thực chất.
Kiệt Linh
Ý kiến bạn đọc