Tướng Mỹ muốn đánh Iraq một lần nữa

18:53, 21/06/2014
|

(VnMedia) - Tướng David Petraeus – cựu Chỉ huy Lực lượng Mỹ ở Iraq , hôm qua (20/6) đã lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ việc Mỹ phát động một chiến dịch quân sự mới ở Iraq nhằm vào các mục tiêu chiến binh Hồi giáo mà theo ông này là đang biến thành “một đội quân khủng bố”.

 

Ảnh minh họa


Ảnh minh họa


Ông Petraeus từng được khen ngợi về việc đã dẫn dắt quân đội Mỹ giành được thắng lợi trên chiến trường Iraq trước khi Washington ra lệnh rút quân khỏi đây sau một cuộc chiến tranh đắt đỏ kéo dài suốt 8 năm. Trong cuộc trả lời tờ nhật báo Daily Telegraph ngày hôm qua, Tướng Petraeus cho rằng, lực lượng chiến binh Hồi giáo ở iraq đang gây ra nguy cơ cho các nước ở bên ngoài khu vực.

 

"Chúng ta cần phải thận trọng, không đứng về bên nào nếu chúng ta cung cấp sự giúp đỡ về quân sự. Tuy nhiên, mối đe dọa ngày càng tăng lên từ Nhóm Quốc gia Hồi giáo Iraq và Levant (ISIS) đồng nghĩa với việc hành động quân sự là cần thiết”, cựu Chỉ huy Lực lượng Mỹ ở Iraq đã nói như vậy.

 

"Chúng ta cần phải thừa nhận rằng, ISIS đang gây ra mối đe dọa không chỉ với Iraq mà còn với Anh và các nước khác”, ông Petraeus cho biết.

 

Vị Tướng Mỹ nói thêm: “ ISIS dường như giống với một nhóm khủng bố hơn. Lực lượng này đang trở thành một đội quân khủng bố - một đội quân đang giành được những nguồn lực tài chính lớn từ những tập đoàn tội phạm".

 

Tổng thống Mỹ hôm 19/6 đã cam kết sẽ thực hiện hành động quân sự “chính xác” nếu thấy cần thiết ở Iraq và đã đề nghị đưa 300 cố vấn quân sự đến Iraq để đào tạo lực lượng cho quốc gia Trung Đông này sau khi chính phủ của Thủ tướng Maliki chính thức đề nghị sự giúp đỡ từ Washington.

 

"Nếu Tổng thống Obama và các nhà lãnh đạo khác kết luận rằng, mối đe dọa từ ISIS là lớn thì tôi sẽ ủng hộ các hành động quân sự nhằm mục tiêu vào những yếu tố có tính giá trị cao của ISIS ”, Tướng Petraeus đã nói như vậy với tờ Telegraph.

 

"Nếu ISIS được xem là một tổ chức khủng bố có khả năng thực hiện những hành động khủng bố vượt xa biên giới khu vực Trung Đông thì điều đó đủ đảm bảo cần phải tấn công vào các mục tiêu có giá trị cao của lực lượng này”, ông Petraeus nói thêm.

 

Tuy nhiên, trong một bài phát biểu ở thủ đô London hôm 19/6, Tướng Petraeus đã cảnh báo rằng, cần phải có sự thay đổi toàn diện trên chính trường ở thủ đô Baghdad trước khi Mỹ thực hiện bất kỳ sự can thiệp quân sự nào. "Mỹ không thể là Lực lượng Không quân của các chiến binh Shiite hay của lực lượng Shiite trong cuộc chiến chống lại người Ả-rập dòng Sunni”, Tướng Mỹ nhấn mạnh.

 

Chiến đấu cơ thiện chiến của Mỹ trở lại Iraq

 

Mặc dù, đến thời điểm này, chính quyền của Tổng thống Barack Obama vẫn khẳng định không can thiệp quân sự vào Iraq thêm một lần nữa nhưng Mỹ vẫn đang có những bước đi và dấu hiệu cho thấy, họ sẵn sàng phát động trở lại một chiến dịch không kích nhằm vào Iraq .

 

Các chiến đấu cơ của Mỹ đang quay trở lại bầu trở Iraq sau chưa đầy 3 năm rút khỏi đây. Mỹ đang phái các máy bay chiến đấu thiện chiến F-18 Hornet đến Iraq để làm nhiệm vụ trinh sát, do thám. Có vẻ như một “chiến dịch bão táp sa mạc” mới đang trên đường tiến tới Iraq bởi nhiệm vụ do thám trên không có thể sẽ là hành động mở màn cho một chiến dịch tấn công đất đối không toàn diện nhằm vào các mục tiêu của Nhóm Quốc gia Hồi giáo Iraq và Levant (ISIS), hãng tin Fox News đưa tin.

 

Những chiếc chiến đấu cơ F-18 Hornet đang cất cánh từ tàu sân bay George H.W. Bush – con tàu có mặt ở Vùng Vịnh Persian từ Chủ nhật tuần trước.

 

F/A-18 Hornet là một loại máy bay phản lực chiến đấu hiện đại có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết của Mỹ. Nó được thiết kế và chế tạo với khả năng tấn công cả các mục tiêu trên không và dưới mặt đất. Nhiệm vụ chính của chiến đấu cơ này là hộ tống máy bay ném bom, bảo vệ hạm đội, tiêu diệt lực lượng phòng không của đối phương, ném bom chiến thuật, yểm trợ mặt đất và trinh sát. Nó có tính linh hoạt và khả năng tin cậy cao, mặc dù có những hạn chế về tầm bay và tải trọng chiến đấu so với các đối thủ cùng thời kì.

 

F/A-18 Hornet được hãng McDonnell Douglas thiết kế cho Hải quân và Thuỷ quân Lục chiến Mỹ vào những năm 70, sau đó chuyển giao cho hãng Boeing chế tạo và phát triển thêm một số tính năng mới để có thể phục vụ cho cả không quân nhiều nước khác trên thế giới.

 

Chính Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki đã đều nghị Tổng thống Obama phát động trở lại chiến dịch không kích nhằm vào ISIS . Tuy nhiên, hiện tại, Mỹ mới chỉ thực hiện các hoạt động trinh sát và do thám trên không. Một số nhà phân tích đang dự đoán Washington vẫn chưa quyết định xem liệu ho có cần Thủ tướng Maliki hay họ muốn Iraq thay đổi chính quyền lại một lần nữa hay không.

 

Chính phủ đương nhiệm hiện tại ở Iraq đang được thống trị bởi người Shiite và chính quyền của Tổng thống Obama đang gây sức ép buộc Thủ tướng Maliki phải có những thay đổi, cải tổ trong nội các của ông này. Theo đó, Iraq cần phải đưa thêm nhiều người dòng Sunni vào các vị trí trong chính phủ. Hồi tuần trước, ông Obama đã thừa nhận, bất kỳ hành động quân sự nào của Mỹ ở Iraq đều có thể mang đến kết quả tồi tệ nếu như không có sự thay đổi về mặt chính trị kèm theo trong chính phủ ở Baghdad.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc