Trung Quốc tức tối đáp trả 7 cường quốc

06:46, 06/06/2014
|

(VnMedia) - Trung Quốc hôm qua (5/6) đã tức tối lên tiếng chỉ trích 7 cường quốc trong G7 về việc đưa ra tuyên bố chung bày tỏ sự quan ngại của nhóm này đối với các cuộc tranh chấp ngày càng căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước láng giềng ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Trung Quốc tuyên bố sẽ đáp trả “kiên quyết” bất kỳ ai “cố tình có hành động khiêu khích” để gây cản trở đối với an ninh và hòa bình trên biển.

 

Ảnh minh họa

Lãnh đạo nhóm nước G7


"Việc quốc tế hóa các cuộc tranh chấp hay cho phép sự tham gia hoặc can thiệp của các nước bên ngoài sẽ không giúp được gì cho tiến trình giải quyết tranh chấp mà chỉ làm phức tạp thêm vấn đề và làm phương hại đến hòa bình và sự ổn định khu vực”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Qin Gang hôm qua đã nói như vậy tại cuộc họp báo định kỳ.

 

Một phát ngôn viên khác của Bộ Ngoại giao Trung Quốc –Hong Lei tiếp tục nhấn mạnh, các cuộc tranh chấp lãnh thổ nên được giải quyết thông qua đàm phán trực tiếp giữa các bên có liên quan và sự tham gia của các lực lượng bên ngoài chỉ làm vấn đề thêm phức tạp.

 

"Các nước bên ngoài nên tôn trọng những dữ liệu, thực tế khách quan và nên giữ một thái độ công bằng thay vì khuấy động căng thẳng và tạo ra mâu thuẫn, gây phức tạp cho tình hình khu vực", ông Hong nói.

 

"Trung Quốc sẽ đáp trả kiên quyết đối với bất kỳ hành động gây khiêu khích nào của một vài nước nhằm cố tình xâm phạm chủ quyền lãnh thổ và các quyền khác cũng như làm phương hại đến hòa bình và sự ổn định”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói thêm như vậy.

 

Những phát biểu trên của Trung Quốc rõ ràng là nhằm cảnh báo các nước G7 nên tránh xa Biển Đông. Đây là thông điệp mà Bắc Kinh thường xuyên đưa ra với các nước lớn không có tranh chấp ở Biển Đông hay biển Hoa Đông. Trước đó, Trung Quốc cũng từng cảnh báo Mỹ, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản... tránh xa Biển Đông. Tuy nhiên, điều mà Trung Quốc muốn khó có thể được đáp ứng khi nước này gây quan ngại cho cả cộng đồng quốc tế về những hành vi hung hăng, ngang ngược, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của các nước khác và vi phạm luật pháp quốc tế ở Biển Đông, đặc biệt là trong thời gian gần đây, ở vùng biển của Việt Nam.

 

Các nước có ảnh hưởng và có trách nhiệm trên thế giới không thể phớt lờ trước những hành động đáng lên án của Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp. Vì thế, Trung Quốc đã trở thành mục tiêu chỉ trích và lên án mạnh mẽ của hàng loạt nước trong thời gian vừa qua.

 

Mới đây nhất, hôm 4/5, lãnh đạo nhóm nước G-7 gồm 7 cường quốc hàng đầu thế giới đã lên tiếng bày tỏ sự quan ngại về mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và một số nước Châu Á khác trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông. G7 cũng đã ngầm cảnh báo Trung Quốc về những hành động đơn phương, dọa dẫm.


"Chúng tôi quan ngại sâu sắc về căng thẳng ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Chúng tôi phản đối bất kỳ nỗ lực đơn phương của bất kỳ nước nào nhằm tranh giành chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải thông qua việc sử dụng sự dọa dẫm, bắt nạt, ép buộc hay dùng vũ lực", các nhà lãnh đạo G7 cho biết như vậy trong một tuyên bố sau các cuộc hội đàm buổi tối ngày 4/5 ở Brussels, Bỉ.

 

"Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên hãy làm rõ và theo đuổi những đòi hỏi chủ quyền về lãnh thổ và hàng hải theo luật quốc tế”, tuyên bố của G7 cho hay.

 

Tuyên bố trên của G7 rõ ràng là nhằm vào Trung Quốc bởi nước này đang gây ra một “cơn bão lớn” ở Biển Đông khi ngang nhiên đưa một giàn khoan vào vùng biển Việt Nam, hạ đặt trái phép giàn khoan này trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Cùng với đó, Trung Quốc còn trắng trợn đưa hàng chục tàu thuyền, có lúc lên tới 140 chiếc, bao gồm cả tàu chiến, tàu quân sự; và máy bay vào vùng biển Việt Nam để bảo vệ cho việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981. Tàu Trung Quốc thường xuyên tỏ ra hung hăng, bao vây, chèn ép, chủ động đâm va, bắn súng vòi rồng và có nhiều hành động quấy rối khác đối với các tàu chấp pháp và tàu đánh cá Việt Nam . Đỉnh điểm, tàu Trung Quốc có lúc đã đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam .

 

Trước tuyên bố của G7, tại cuộc Đối thoại Shangri-La ở Singapore hồi cuối tuần trước, các cường quốc như Mỹ, Nhật Bản, Australia cũng đã lên tiếng phản đối quyết liệt những hành động, bước đi của Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông trong thời gian vừa qua.

 

Trung Quốc đang đòi chủ quyền đối với gần như toàn bộ khu vực Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên, ngang nhiên bác bỏ những đòi hỏi chủ quyền chính đáng, phù hợp với luật phát quốc tế của nhiều nước trong khu vực. Trung Quốc còn có tranh chấp với Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.

 

Trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở khu vực, Trung Quốc luôn khăng khăng đòi giải quyết thông qua cơ chế đàm phán song phương trực tiếp với từng nước một. Mục đích của Trung Quốc là để dễ bề gây áp lực nhằm giành lợi thế cho mình khi đàm phán với từng nước nhỏ hơn. Với lý do như vậy, Bắc Kinh quyết liệt phản đối quốc tế hóa các cuộc tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Thậm chí, Trung Quốc còn kiên quyết không chịu tham gia giải quyết tranh chấp thông qua cơ chế tòa án quốc tế dù nước này đã tham gia vào Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc