Trung Quốc thề không bắt nạt các nước khác

09:41, 30/06/2014
|

(VnMedia) - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây đã lên tiếng cam kết rằng, đất nước của ông sẽ không bao giờ tìm cách áp đặt ý chí của mình lên các nước khác dù có trở nên mạnh đến đâu. Lời thề này được đưa ra khi mà Trung Quốc đang gây bất bình trong dư luận quốc tế vì những hành động hung hăng, dọa dẫm các nước láng giềng đang có tranh chấp với họ ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

 

Ảnh minh họa
Các quan chức cấp cao ASEAN tại phiên khai mạc cuộc họp sáng nay. (Ảnh: Nhandan) - See more at: http://vtv.vn/Thoi-su-quoc-te/SOM-ASEAN-Cuoc-hop-dac-biet-cua-cac-quan-chuc-cao-cap-ASEAN/121702.vtv#sthash.iJmioISa.dpuf

Tổng thống Myanmar (bên trái) và Chủ tịch Trung Quốc


Phát biểu ở thủ đô Bắc Kinh – nơi ông Tập Cận Bình đón tiếp các nhà lãnh đạo đến từ Ấn Độ và Myanmar, Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng, thời của các siêu cường quốc đã qua.

 

"Người dân Trung Quốc không có gen tìm kiếm sự thống trị hay bắt nạt nước khác hay là theo đuổi chủ nghĩa quân phiệt. Trung Quốc sẽ kiên quyết theo đuổi con đường phát triển hòa bình. Chúng tôi sẽ không can thiệp vào công việc của nước khác”, ông Tập Cận Bình phát biểu. Đây không phải là lần đầu tiên Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói đến từ gen. Cách đây không lâu, ông này cũng tuyên bố rằng, người Trung Quốc không có gen xâm lược.

 

Những phát biểu trên được ông Tập Cận Bình đưa ra khi ông này tiếp đãi lãnh đạo của hai nước láng giềng Ấn Độ và Myamar hôm thứ Bảy vừa rồi (28/6) nhân dịp kỷ niệm 60 ngày ký thỏa thuận trong những ngày đầu của Chiến tranh Lạnh trong đó Trung Quốc cam kết nổi lên một cách hòa bình.

 

Năm 1954, Trung Quốc, Ấn Độ và Myanmar đã ký thỏa thuận Năm Nguyên tắc Chung sống Hòa bình, cam kết sẽ không xâm lược lẫn nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Thỏa thuận này sau đó được hợp nhất vào Phòng trào Không liên kết của những nước không muốn lựa chọn giữa Mỹ và Liên Xô.

 

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Trung Quốc với cả Ấn Độ và Myamar sau đó đã xấu đi vào những năm 1960 khi Trung Quốc và Ấn Độ có cuộc chiến tranh biên giới và giới lãnh đạo quân sự ở Myanmar để xảy ra những cuộc bạo động chống Trung Quốc mạnh mẽ. Những sự kiện trên đã làm phương hại đến các mối quan hệ cho đến tận ngày nay.

 

Gần đây, sự nổi lên của Trung Quốc đang gây lo ngại khắp khu vực, đặc biệt khi Bắc Kinh ngày càng hung hăng, quyết liệt trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với các nước láng giềng xung quanh ở Biển Đông và biển Hoa Đông như Philippines, Việt Nam và Nhật Bản....

 

Phát biểu trước khoảng 700 người ở Đại lễ đường Nhân dân Trung Hoa rộng lớn, trong đó có sự có mặt của Tổng thống Myanmar Thein Sein và Phó Tổng thống Ấn Độ Mohammad Hamid Ansari, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố, Trung Quốc sẽ không bao giờ áp đặt ý chí của nước này lên các nước khác dù có trở nên mạnh như thế nào.

 

"Trung Quốc không tán thành với quan niệm cho rằng, một nước buộc phải tìm kiếm sự thống trị khi sức mạnh gia tăng. Quyền bá chủ hay chủ nghĩa quân phiệt không có trong gen của người Trung Quốc. Trung Quốc sẽ kiên định theo đuổi con đường phát triển hòa bình bởi điều đó tốt cho Trung Quốc, tốt cho Châu Á và tốt cho thế giới”, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói như vậy.

 

"Quan niệm về việc thống trị các công việc của quốc tế thuộc vào một thời đại khác và những nỗ lực như vậy chắc chắn sẽ thất bại”, ông Tập Cận Bình cho biết trong một bài phát biểu mập mờ, chung chung về hòa bình và thiếu những điều cụ thể.

 

"Những hành động phô trương sức mạnh chỉ cho thấy sự thiếu đạo đức và thiếu tầm nhìn chứ không bộc lộ được sức mạnh của một nước. An ninh có thể được duy trì và chỉ được đảm bảo nếu nó dựa trên tầm nhìn và cách hành xử đạo đức”, ông Tập Cận Bình đã nói như vậy.

 

Hoài nghi về những phát biểu hay ho của Tập Cận Bình

 

Giới phân tích tin rằng, ông Tập Cận Bình sẽ khó mà có thể thuyết phục được Châu Á tin vào những lời phát biểu hay ho của ông này và tin vào ý định phát triển hòa bình của Trung Quốc khi mà chỉ trước đó một ngày, Nhà lãnh đạo này vừa lên tiếng kêu gọi tăng cường phòng thủ khu vực biên giới của Trung Quốc, đặc biệt trên biển.

 

"Nói về việc phòng thủ biên giới, người ta không thể không nghĩ đến lịch sử hiện đại của Trung Quốc khi đất nước quá yếu ớt và nghèo túng đến nỗi bị tất cả mọi người bắt nạt”, tờ Tân Hoa xã dẫn lời ông Tập Cận Bình phát biểu hôm 27/6.

 

"Những kẻ xâm lược nước ngoài đã phá vỡ hệ thống phòng thủ trên đất liền và trên biển của Trung Quốc hàng trăm lần, đẩy Trung Quốc vào vực thẳm của thảm họa”, ông Tập Cận Bình nói đồng thời kêu gọi người dân không quên “lịch sử bẽ bàng” của họ và tăng cường phòng thủ biên giới, đặc biệt là ở biển.

 

Rõ ràng, cũng giống như trước đây, giới lãnh đạo Trung Quốc tiếp tục đưa ra những phát biểu hay ho về hòa bình, về sự ổn định, về lợi ích của khu vực. Tuy nhiên, hành động của họ thường không đi song hành với lời nói.

 

Những phát biểu hay ho mới nhất về hòa bình của Trung Quốc được đưa ra khi mà nước này đang gây quan ngại sâu sắc cho các nước láng giềng vì những hành động hung hăng, quyết liệt trong tranh chấp biển đảo ở Biển Đông. Cùng với việc tăng chi tiêu quốc phòng, tăng cường sức mạnh quân sự, Trung Quốc đang hành xử ngày càng gây hấn. Đặc biệt, gần đây, Trung Quốc ngang nhiên đưa một giàn khoan khổng lồ cùng hàng chục tàu thuyền, trong đó có cả tàu chiến, vào vùng biển của Việt Nam .


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc