Trung Quốc hãy nhìn thẳng vào sự thực

11:31, 04/06/2014
|

(VnMedia) - Trung Quốc từ chối thừa nhận rằng các nước láng giềng của họ có những lý do chính đáng, hợp lý để quan ngại về họ.

 

Ảnh minh họa

Tàu Trung Quốc hung hăng đâm tàu Việt Nam


Ai cũng thể nhận thấy rằng, cuộc Đối thoại Shangri-La gần đây ở Singapore diễn ra căng thẳng. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đều lên tiếng cảnh báo về sự khiêu khích của Trung Quốc cũng như việc nước này thiếu tôn trọng luật pháp quốc tế. Đại diện của Trung Quốc – Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Wang Guanzhong đã đáp trả bằng cách cáo buộc Mỹ và Nhật Bản đang “đồng tâm hiệp lực” đưa ra những phát biểu nhằm bôi nhọ Trung Quốc.

 

Trong khi những lời cáo buộc, phản bác được tung qua tung lại giữa đại diện 3 nước Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc là điều có thể đoán trước thì những cuộc khẩu chiến này cũng có ích trong việc giúp người ta hiểu được một vấn đề sâu sa hơn, đó là học thuyết “mối đe dọa Trung Quốc” của Bắc Kinh. Học thuyết thường được các quan chức Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Trung Quốc nhắc đến này cho rằng, Mỹ và Nhật Bản cố tình thổi phồng, phóng đại về “mối đe dọa Trung Quốc” nhằm đạt được mục đích chính trị riêng của họ.

 

Trong trường hợp của các chính khách Mỹ, động cơ được cho là nhằm để giúp các ứng cử viên giành được chiến thắng trong các cuộc bầu cử tiếp theo. Vấn đề này đã được nhắc đến trong một bài bình luận mới đây trên tờ Tân Hoa Xã – hãng thông tấn chính thức của nhà nước Trung Quốc. Một học thuyết khác cho rằng, “mối đe dọa Trung Quốc” được đưa ra làm cái cớ để giúp những người trong ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ duy trì sức mạnh, uy tín và ảnh hưởng mà họ đã giành được thời Chiến tranh Lạnh bằng cách tạo ra một mối đe dọa từ bên ngoài mà họ cho là Mỹ đang phải đối mặt. Trong khi đó, giới phân tích Trung Quốc cho rằng, Thủ tướng Shinzo Abe và những người ủng hộ ông này tìm cách tạo ra “mối đe dọa Trung Quốc” để có thể thực hiện giấc mơ lâu nay là tái quân sự hóa Nhật Bản.

 

Có thể có một vài sự thật trong những cáo buộc mà giới chức cùng những nhà phân tích Trung Quốc đưa ra ở trên. Tuy nhiên, vấn đề đối với học thuyết “mối đe dọa Trung quốc” của Bắc Kinh là nó đã phớt lờ hoàn toàn thực tế rằng các nước khác thực sự cảm thấy bị đe dọa bởi các hành động của Trung Quốc. Bản thân Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Wang khi phát biểu trước giới phóng viên Trung Quốc đã bác bỏ ý tưởng về “mối đe dọa Trung Quốc”, coi đó là “một thứ hoàn toàn không có sơ sở và không có một tí giá trị nào”. Nói cách khác, học thuyết “mối đe dọa Trung Quốc” bào chữa cho chính phủ Trung Quốc về bất kỳ hay tất cả những lời chỉ trích, buộc tội mà họ phải đối mặt vì gây lo ngại từ việc sử dụng sức mạnh Trung Quốc, cả về kinh tế lẫn quân sự.

 

Đối với các nhà phân tích Trung Quốc, họ luôn coi điều hiển nhiên là sự nổi lên của Trung Quốc đi theo hướng hòa bình mặc dù nước này luôn cảnh báo sẽ bảo vệ “từng cm” lãnh thổ trong chủ quyền của họ. Họ nhìn vào lịch sử lâu dài của Trung Quốc – một lịch sử mà họ xem là không có cuộc xâm lược hay sự thống trị đế quốc nào, và họ tin rằng việc Trung Quốc tìm cách lạm dùng quyền lực, sức mạnh là điều không thể tin được. Giới chức Trung Quốc rõ ràng không thể tưởng tượng được rằng, các nước khác lại coi tuyên bố “nổi lên hòa bình” của họ chỉ có giá trị bề ngoài, không có chút thực tế nào. Trung Quốc nghĩ rằng, chắc phải có một trò lừa bịp chính trị nào ở đây khi Mỹ biết Trung Quốc phát triển hòa bình và nghĩ như vậy nhưng lại chỉ trích Trung Quốc “khiêu khích”.

 

Sự thực, có một lời giải thích đơn giản hơn nhiều mặc dù rất khó chịu đối với Bắc Kinh. Thông điệp của Trung Quốc về “sự nổi lên hòa bình” không còn đủ để trấn an những nước láng giềng đang lo âu về họ. Trong khi việc phóng đại “mối đe dọa Trung Quốc” đem lại những lợi thế chính trị thực sự ở trong nước thì Bắc Kinh cũng nên thừa nhận có những mối quan ngại thực sự về họ. Đối mặt với một Trung Quốc ngày càng phát triển, Mỹ và các nước trong khu vực không biết rõ về tham vọng của Trung Quốc. Sự không chắc chắn là có thật và điều đó tạo ra sự lo ngại. Nhưng bởi vì giới phân tích Trung Quốc cứ khăng khăng cho rằng, “mối đe dọa Trung Quốc” chỉ là một vỏ bọc chính trị, họ có thể tránh được trách nhiệm nặng nề là hiểu và giải quyết các nguyên nhân gây ra mối quan ngại khu vực.

 

Đối với nhóm chuyên gia cố vấn về Biển Đông của Trung Quốc, bài phát biểu của Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc ở Shangri-La đã “phát đi một thông điệp rằng sự nổi lên của Trung Quốc không phải là một mối đe dọa đối với thế giới”. Tuy nhiên, giới báo chí Mỹ và Nhật Bản tin rằng thông điệp trên của ông Wang không được đón nhận và rằng bài phát biểu của ông này ở Shangri-La được miêu tả là “hiếu chiến”. Thay vì bác bỏ mối quan ngại của các nước láng giềng, Trung Quốc nên nỗ lực tìm hiểu xem những hành động của họ đã góp phần tạo ra khái niệm về “mối đe dọa Trung Quốc” như thế nào.

 

Không quốc gia nào có thể hoàn toàn làm an tâm các nước khác về mục đích và ý định của họ. Tuy nhiên, Bắc Kinh ít nhất nên thừa nhận rằng thông điệp “nổi lên hòa bình” của họ không thuyết phục được các nước láng giềng và không tạo ra được sự tin tưởng trong khu vực. Tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về việc người dân Trung Quốc “không có gen xâm lược” được người ta xem là một lời nói không thành thật hơn là một lời nói có khả năng làm yên lòng các nước xung quanh cũng như cộng đồng quốc tế.


Kiệt Linh - (theo Diplomat)

Ý kiến bạn đọc