Trung Quốc bị 7 cường quốc cảnh báo ngầm

07:46, 05/06/2014
|

(VnMedia) - Lãnh đạo nhóm nước G-7 gồm 7 cường quốc hàng đầu thế giới tối qua (4/5) đã lên tiếng bày tỏ sự quan ngại về mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và một số nước Châu Á khác trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông. G7 cũng đã ngầm cảnh báo Trung Quốc về những hành động đơn phương, dọa dẫm.

 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


"Chúng tôi quan ngại sâu sắc về căng thẳng ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Chúng tôi phản đối bất kỳ nỗ lực đơn phương của bất kỳ nước nào nhằm tranh giành chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải thông qua việc sử dụng sự dọa dẫm, bắt nạt, ép buộc hay dùng vũ lực", các nhà lãnh đạo G7 cho biết như vậy trong một tuyên bố sau các cuộc hội đàm buổi tối ngày hôm qua ở Brussels, Bỉ.

 

"Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên hãy làm rõ và theo đuổi những đòi hỏi chủ quyền về lãnh thổ và hàng hải theo luật quốc tế”, tuyên bố của G7 cho hay.

 

Rõ ràng, những phát biểu trên của nhóm các cường quốc là nhằm ám chỉ đến Trung Quốc bởi nước này đang gây quan ngại cho cộng đồng thế giới vì những hành động hung hăng, ngang ngược, vi phạm luật quốc tế trong tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với các nước láng giềng ở Biển Đông, biển Hoa Đông.

 

Trung Quốc đòi chủ quyền đối với gần như toàn bộ khu vực Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên, ngang nhiên bác bỏ những đòi hỏi chủ quyền chính đáng, phù hợp với luật phát quốc tế của nhiều nước trong khu vực. Trung Quốc còn có tranh chấp với Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.

 

Căng thẳng ở Biển Đông đang leo thang nghiêm trọng trong những tuần gần đây sau khi Trung Quốc đưa một giàn khoan vào vùng biển Việt Nam , hạ đặt trái phép giàn khoan này trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam . Cùng với đó, Trung Quốc còn trắng trợn đưa hàng chục tàu thuyền, có lúc lên tới 134 chiếc, bao gồm cả tàu chiến, tàu quân sự; và máy bay vào vùng biển Việt Nam để bảo vệ cho việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981. Tàu Trung Quốc thường xuyên tỏ ra hung hăng, bao vây, chèn ép, chủ động đâm va, bắn súng vòi rồng và có nhiều hành động quấy rối khác đối với các tàu chấp pháp và tàu đánh cá Việt Nam . Đỉnh điểm, tàu Trung Quốc có lúc đã đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam .

 

Những hành động trên của Trung Quốc đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt của cộng đồng thế giới. Mới đây, tại cuộc Đối thoại Shangri-La ở Singapore hồi cuối tuần trước, một loạt nước gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia đã lên tiếng phản đối quyết liệt những hành động, bước đi của Trung Quốc trong những cuộc tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông trong thời gian vừa qua.

 

Trung Quốc cũng rất lo ngại về khả năng họ phải đối mặt với sự lên án của các nước tại hội nghị thượng đỉnh G7. Điều này được thể hiện qua việc, giới chuyên gia Trung Quốc đã cảnh báo Nhật Bản không được dùng cuộc họp ở G7 để chỉ trích họ.

 

Trung Quốc phản đối những nỗ lực của Nhật Bản nhằm thúc đẩy G7 đưa ra một tuyên bố chung trong đó lên án lập trường của Trung Quốc trong các vấn đề ở Biển Đông và biển Hoa Đông tại cuộc họp diễn ra ngày hôm qua, tờ nhật báo Huánqiú Shíbào dẫn lời giới chuyên gia Trung Quốc nói như vậy. Tờ báo trên cáo buộc cách tiếp cận như vậy là dựa vào chương trình chính trị có mục đích riêng của Tokyo .

 

Nhật Bản sẽ tìm mọi cách “để nói quá về cái gọi là mối đe dọa Trung Quốc đối với an ninh khu vực và lấy đó làm cái cớ để sửa đổi hiến pháp hòa bình và dỡ bỏ lệnh cấm họ tham gia vào các hiệp ước phòng thủ tập thể”, giám đốc Viện Nghiên cứu Biển Đông Quốc gia ở Haikou – ông Wu Shicun đã nói như vậy.

 

Nói về mối quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và Liên minh Châu Âu (EU), ông Wu cho rằng, cuộc khủng hoảng kinh tế và tình hình ở Ukraine đang là những vấn đề cấp thiết nhất cho các nước Châu Âu và để giải quyết chúng, các nước đó sẽ cần đến sự giúp đỡ của Trung Quốc.

 

Bắc Kinh luôn cho rằng, các nước đang tìm cách nói quá lên về mối đe dọa Trung Quốc vì mục đích chính trị riêng của họ. Tuy nhiên, Bắc Kinh cần phải nhìn thẳng vào thực tế là nước này đang gây quan ngại thực sự cho các nước láng giềng trong khu vực nói riêng và cho cộng đồng quốc tế nói chung.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc