Thực hư tàu Việt Nam đâm húc tàu Trung Quốc 1.547 lần

07:27, 17/06/2014
|

(VnMedia) - Trung Quốc công bố tính đến 12 giờ ngày 13/6, các tàu Việt Nam đã tiến hành đâm húc 1547 lần vào các tàu của Trung Quốc và làm cho mũi tàu Trung Quốc hư hỏng. Ông Ngô Ngọc Thu - Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Cảnh sát Biển Việt Nam đã chỉ ra tính phi lý và sai lệch của thông tin trên tại cuộc họp báo chiều qua (16/6).

 

Ảnh minh họa


Tàu hải cảnh 46001 của Trung Quốc đâm vào mạn trái của tàu 4032 của Việt Nam. (Ảnh: Pháp luật)


Hôm 13/6 mới đây, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tổ chức họp báo về giàn khoan Hải Dương-981 trong đó có đưa ra một số thông tin và hình ảnh sai lệch hoàn toàn với tình hình thực tế trên hiện trường .

 

Trung Quốc công bố, tính đến 12 giờ ngày 13/6, các tàu Việt Nam đã tiến hành đâm húc 1547 lần vào các tàu của Trung Quốc và làm cho mũi tàu Trung Quốc hư hỏng. Phản ứng trước thông tin do phía Trung Quốc đưa ra, ông Ngô Ngọc Thu tuyên bố: “Chúng tôi bác bỏ thông tin sai lệch và phi lý trên. Thực tế vừa qua chỉ có các tàu Trung Quốc mới chủ động đâm va và phun nước vào các tàu Việt Nam, làm cho 36 lần/chiếc tàu Việt Nam bị hư hỏng (tàu Kiểm Ngư là 23 tàu, tàu Cảnh sát biển là 05 tàu, tàu cá là 07 tàu trong đó tàu cá Việt Nam số hiệu ĐNa 90152 TS bị tàu cá Trung Quốc số hiệu 11209 đâm chìm vào lúc 16 giờ ngày 26/5/2014 tại khu vực cách giàn khoan 16,5 hải lý về phía Tây Nam). Từ ngày 03/5 đến nay tổng cộng có 15 kiểm ngư viên và 02 ngư dân Việt Nam bị thương. Chúng tôi có đầy đủ bằng chứng và hình ảnh về những tàu Trung Quốc tiến hành đâm và tàu Việt Nam bị đâm. Các tàu Việt Nam không thể sử dụng mạn và boong tàu để đâm vào mũi tàu Trung Quốc được”.

 

Về việc Trung Quốc vu khống Việt Nam cử nhiều người nhái, thả nhiều lưới đánh cá và chướng ngại vật tại khu vực hiện trường gây ảnh hưởng tới người và tàu của Trung Quốc, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Cảnh sát Biển Việt Nam khẳng định, “cho đến thời điểm hiện nay, Việt Nam không hề sử dụng lực lượng người nhái tại khu vực hiện trường. Về một số lưới đánh cá và một số vật trôi nổi Trung Quốc vớt được, nguyên nhân đây là vùng đánh cá truyền thống của Việt Nam khi ngư dân của Việt Nam tiến hành đánh bắt cá các tàu của Trung Quốc ngăn cản, đâm va và phun nước nên tàu cá Việt Nam buộc phải bỏ lưới, cơ động tàu để tránh sự truy cản của tàu Trung Quốc; tàu Trung Quốc đã tiến hành thu mất lưới của ngư dân Việt Nam. Những vật trôi nổi trên biển như thùng phi, mảnh gỗ Trung Quốc vớt được trên biển là do tàu Trung Quốc đâm va vào các tàu của Việt Nam và sử dụng vòi rồng công suất lớn phun sang các tàu Việt Nam làm cho các thùng phi chứa dầu, thùng sơn, các khúc gỗ là dụng cụ huấn luyện để trên mặt boong tàu, các mảnh ván và thiết bị của tàu Việt Nam bị đâm vỡ… bị văng xuống biển. Phía Trung Quốc vớt lên coi là vật chứng là hoàn toàn sai với sự thật”.

 

Cùng với ông Ngô Ngọc Thu, ông Hà Lê - Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cũng đã phản bác mạnh mẽ những thông tin vu cáo, xuyên tạc sự thật tình hình ở thực địa mà Trung Quốc đưa ra.

 

Theo ông Hà Lê, Trung Quốc duy trì trung bình khoảng 120 tàu/ngày, trong đó có nhiều tàu quân sự, máy bay tuần thám, trực thăng nhằm uy hiếp lực lượng tàu Việt Nam. Các tàu Trung Quốc đã chủ động tấn công, uy hiếp các tàu Kiểm ngư Việt Nam dưới các hình thức vây ép, húc đẩy, đâm va, phun nước bằng vòi rồng, thậm chí còn có hành động áp mạn và ném các vật cứng sang tàu Kiểm ngư, dùng hệ thống âm thanh âm tần, đèn pha công suất lớn nhằm làm ảnh hưởng tới tâm lý, sức khỏe của lực lượng Kiểm ngư Việt Nam. Bên cạnh đó, các tàu Trung Quốc còn sử dụng các phương thức tạo cớ để tàu Việt Nam đâm va như chặn đuôi, vượt lên trước các tàu của Việt Nam cắt mặt để tàu Việt Nam đâm vào hoặc cố tình lùi lại với mục đích đâm vào tàu Việt Nam, từ đó tạo ra các tư liệu giả để vu cáo Việt Nam đâm tàu Trung Quốc… “Chúng tôi có đầy đủ tư liệu, bằng chứng để chứng minh và khẳng định đến nay, chưa có bất kỳ một trường hợp nào tàu của Việt Nam chủ động đâm va vào tàu của Trung Quốc như Trung Quốc đã đưa tin”, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư nhấn mạnh.

 

Đến thời điểm này, đã có 23 tàu Kiểm ngư Việt Nam bị các tàu của Trung Quốc chủ động đâm va, phun nước áp lực cao gây hư hỏng (gãy be chắn sóng, lan can, méo cabin, vỡ kính cabin, hỏng các thiết bị hàng hải như các máy thông tin liên lạc, radar, la bàn, dụng cụ tác nghiệp hải đồ, hệ thống tời neo......); làm 15 Kiểm ngư viên bị thương.

 

Từ tháng 5, Trung Quốc đã đơn phương áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá đối với các tàu cá trong nước và nước ngoài trong một số khu vực ở biển Đông trong vòng 2 tháng rưỡi bắt đầu từ ngày 16/5 (trong đó có vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam). Tuy nhiên, cũng đúng từ ngày 16/5, Trung Quốc đã huy động khoảng 50 tàu cá vỏ sắt ra khu vực hạ đặt giàn khoan; và thực tế đã chứng minh, các tàu cá này của Trung Quốc không vì mục đích khai thác hải sản mà tham gia cùng các tàu khác của Trung Quốc nhằm cản trở, uy hiếp, phá hoại tài sản của tàu cá Việt Nam (sử dụng công cụ chuyên dùng để cắt lưới; phá hỏng các ngư cụ và trang thiết bị thông tin liên lạc, máy móc trên tàu....), đối xử thô bạo với ngư dân, đâm chìm các tàu cá Việt Nam đang hoạt động khai thác bình thường, hợp pháp trên các ngư trường truyền thống của Việt Nam.

 

Chỉ tính từ ngày 1/5 đến nay, trong quá trình sản xuất bình thường trên ngư trường truyền thống tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, đã có hàng trăm lần tàu cá của Việt Nam bị phía Trung Quốc quấy nhiễu, uy hiếp; trong đó 17 tàu cá của Việt Nam đã bị các lực lượng tàu Trung Quốc gây thiệt hại và làm bị thương hàng chục ngư dân, trong đó có 3 ngư dân bị thương nặng.

 

Ông Hà Lê cũng bác bỏ thông tin Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra tại cuộc họp báo hôm 13/6, trong đó nói rằng, chiều 26/5, một tàu cá Việt Nam nhiều lần đâm vào tàu cá của Trung Quốc và tự bị lật. Tàu Trung Quốc định vào cứu, nhưng 30 tàu Việt Nam đã nhanh chóng vây quanh tàu cá này, phía Trung Quốc không có cách nào vào cứu được. Không hề có chuyện tàu Trung Quốc ngăn cản việc cứu hộ".

 

Ông Hà Lê khẳng định, “tại khu vực này, các tàu cá của Việt Nam thường xuyên bị phía Trung Quốc quấy nhiễu, uy hiếp. Đặc biệt nghiêm trọng là vụ việc xảy ra vào ngày 26/5, khi tàu cá của Việt Nam mang số hiệu ĐNa-90152-TS có 10 ngư dân trên tàu đang hoạt động khai thác hải sản cách giàn khoan Hải Dương-981 khoảng 17 hải lý thì bị nhiều tàu cá của Trung Quốc bao vây, uy hiếp, trong đó tàu cá của Trung Quốc mang số hiệu 11209 đã chủ động bám đuổi, đâm, đẩy tàu cá ĐNa-90152-TS của Việt Nam đến khi lật úp. Ngoài ra, các tàu cá của Trung Quốc còn có hành động ngăn cản các tàu của Việt Nam tham gia cứu hộ, cứu nạn 10 ngư dân của tàu cá ĐNa-90152-TS”.

 

“Chúng tôi phản đối và bác bỏ thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại cuộc họp báo ngày 13/6/2014. Chúng tôi có đầy đủ tư liệu, bằng chứng chứng minh hành động sai trái này của Trung Quốc”, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư khẳng định lại một lần nữa.

 

Trên thực địa, các tàu Kiểm ngư Việt Nam vẫn tiếp tục kiềm chế chủ động tránh va chạm, nhưng kiên quyết, kiên trì dùng các biện pháp hòa bình để tuyên truyền, yêu cầu Trung Quốc phải rút khỏi vùng biển mà họ đang hoạt động trái phép; tiếp tục các hoạt động thực thi pháp luật trên biển, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, bảo vệ ngư trường và hỗ trợ ngư dân khai thác trên các vùng biển của Việt Nam.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc