(VnMedia) - Giao tranh ác liệt đã bùng lên dữ dội ở miền đông Ukraine trong ngày hôm qua (19/6). Lực lượng phòng vệ địa phương ở miền đông Ukraine đang cầu cứu sự giúp đỡ về quân sự của Nga sau khi thừa nhận họ đang thua trong cuộc chiến với quân chính phủ.
Ảnh minh họa |
Cả chính phủ và lực lượng vũ trang ở miền đông Ukraine đều cho biết, các cuộc giao tranh đã bùng phát mạnh mẽ trong ngày hôm qua ở gần Krasnyi Liman, ngay phía đông của thành trì chính của lực lượng phòng vệ địa phương ủng hộ Nga ở Slovyansk. Slovyansk là một thành phố thuộc khu vực Donetsk và nơi đây đã trở thành trung tâm của cuộc nổi dậy chống chính quyền ở thủ đô Kiev của người dân miền đông Ukraine.
Ông Vladislav Seleznev – một phát ngôn viên của quân đội Ukrain ở miền đông đã cho biết trong một tuyên bố được đưa lên trên trang Facebook rằng, 4 binh lính chính phủ đã thiệt mạng và 20 người khác bị thương trong các cuộc đụng độ ngày hôm qua. Trong khi đó, theo ông này, có tới 200 thành viên của lực lượng phòng vệ ở miền đông thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương trong cuộc chiến. Tuyên bố của ông Seleznev chưa được kiểm chứng về độ xác thực.
Tuy nhiên, người đứng đầu lực lượng miền đông Ukraine – ông Igor Strelkov cho biết trong tuyên bố được tung lên YouTube rằng, lực lượng của ông thua xa quân chính phủ Kiev cả về nhân lực lẫn vũ khí và vì thế, quân của ông có thể phải rút khỏi các cứ điểm ở Yampol và Seversk gần Krasnyi Liman. Theo ông Strelkov, bước tiến của quân Ukraine có thể cắt đứt hoàn toàn nguồn cung cấp hậu cần và vũ khí cho họ. Ông Strelkov đã tuyệt vọng cầu cứu điện Kremlin cung cấp sự giúp đỡ về mặt quân sự cho người miền đông.
"Tôi hy vọng rằng, họ còn đủ lương tâm ở Moscow để áp dụng một số biện pháp”, ông Strelkov nói.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đang đối mặt với áp lực từ những người theo chủ nghĩa dân tộc ở trong nước đòi ông phải đưa quân vào miền đông Ukraine để giúp người dân nơi đây. Tuy nhiên, ông Putin đang tập trung vào kế hoạch hòa bình và ngừng bắn do tân Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đề xuất.
Chưa rõ Moscow trả lời như thế nào trước lời cầu cứu trên nhưng Tổng thống Vladimir Putin hôm qua đã bày tỏ hy vọng, giới chức Ukraine ngừng ngay các hành động bạo lực và bắt đầu cuộc đối thoại quốc gia mà không có một sự trì hoãn hay chậm chễ nào.
"Ông Putin đặc biệt bày tỏ quan ngại về chiến dịch quân sự mà Kiev đang tiếp tục tiến hành ở khu vực đông nam Ukraine", cơ quan báo chí điện Kremlin cho biết, dẫn lời từ cuộc điện đàm giữa Tổng thống Putin với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande.
3 nhà lãnh đạo trên cũng đã thảo luận về sự thất bại trong các cuộc đàm phán nhằm giải quyết mâu thuẫn về vấn đề khí đốt giữa Nga với Ukraine cũng như hậu quả của nó đối với nền kinh tế và an ninh năng lượng của Châu Âu.
Nga hôm qua cũng nhắc lại lập trường về việc Ukraine phải tự mình giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài nhiều tháng qua ở trong nước và không được dựa vào sự chỉ dẫn, chỉ đạo từ bên ngoài.
"Từ trường hợp của Ukraine, chúng ta thấy rõ ràng rằng, thậm chí những đồng minh và những người ủng hộ có ảnh hưởng nhất cũng không thể giải quyết được các vấn đề cơ bản của một nước”, hãng tin RIA Novosti dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Grigory Karasin phát biểu.
Người dân Ukraine cần phải giải quyết các mâu thuẫn trong việc xây dựng đất nước và cân bằng các lợi ích của mình, ông Karasin nói. Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga, giới chức Ukraine đã thất bại trong việc điều hành, quản lý đất nước khi chỉ sử dụng vũ lực và rằng chính sách của Kiev là “bất cẩn”.
NATO lại chọc giận Nga
Liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Tổng thư ký NATO hôm qua lại cáo buộc Nga tăng cường sự hiện diện quân sự ở biên giới để dọa dẫm Kiev.
Khi cuộc chiến ở miền đông Ukraine tiếp tục diễn ra căng thẳng, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen hôm qua cáo buộc Nga nối lại hoạt động tăng cường sự hiện diện quân sự ở gần biên giới Nga, gọi đó là “bước thụt lùi rất đáng tiếc”.
"Tôi có thể xác nhận rằng, chúng tôi đã thấy một đợt triển khai lực lượng quân sự mới – ít nhất là thêm vài nghìn binh sĩ đến biên giới với Ukraine. Và chúng tôi cũng thấy một số hoạt động của binh lính Nga ở gần Ukraine", ông Fogh Rasmussen đã nói như vậy ở thủ đô London. "Nếu họ triển khai quân để bịt kín biên giới và ngăn chặn nguồn cung cấp vũ khí và chiến binh thì đó sẽ là một bước đi tích cực. Tuy nhiên, đó không phải là điều chúng tôi nhìn thấy”.
Bộ Quốc phòng Nga chưa đưa ra lời bình luận gì về cáo buộc trên.
Tuy nhiên, trước đây, giới chức Nga đã đáp trả một cách giận dữ trước những cáo buộc của NATO về việc nước này tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực biên giới kéo dài gần 2.000km với Ukraine.
Moscow bác bỏ cáo buộc của Ukraine và phương Tây về việc gây ra tình trạng bất ổn ở miền đông Ukraine cũng như phủ nhận thông tin mà phương Tây tung ra về việc Nga đang đưa pháo hạng nặng vào biên giới Ukraine.
Ông Denis Pushilin – một trong những lãnh đạo của lực lượng phòng vệ ở Donetsk, hôm qua đã lên tiếng khẳng định, lực lượng của họ có một vài chiếc xe tăng nhưng đó là những vũ khí mà họ tịch thu được từ quân đội Ukraine chứ không phải được Nga cung cấp. Trong khi đó, Mỹ khăng khăng cáo buộc Nga đã đưa xe tăng và thiết bị quân sự hạng nặng vào Ukraine.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc