Tại sao quân đội Ukraine lại bất lực như vậy?

09:22, 02/06/2014
|

(VnMedia) - Quân đội Ukraine đã cho thấy sự bất lực, yếu kém của họ trong vụ Crimea sáp nhập vào Nga và trong việc đối phó với làn sóng biểu tình rầm rộ ở các khu vực miền đông nam.

 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Diễn biến mới nhất thể hiện sự thất bại của quân đội Ukraine chính là việc lực lượng phòng vệ địa phương ở thành phố miền đông Slavyansk đã bắn hạ một trực thăng của quân đội, làm ít nhất 13 người thiệt mạng, trong đó có một vị tướng. Vụ việc này được xem là đòn giáng mạnh vào quân đội Ukraine và nó cũng khiến lực lượng này bẽ mặt vì sự yếu kém của họ.

 

Ukraine có thể làm gì để đảo ngược vị thế quân sự yếu ớt của họ lại một lần nữa trở thành chủ đề tranh luận nóng bỏng ở Kiev . Giải pháp nhanh chóng là không thể. Tuy nhiên, câu chuyện về việc lực lượng vũ trang Ukraine suy yếu như thế nào trong những năm gần đây có thể được thấy rõ qua tình trạng tham nhũng ở quy mô tràn lan trong giới quan chức, những cú sốc về mặt chính trị và sự phân cực giữa những người ủng hộ Nga và ủng hộ Châu Âu đang đẩy Ukraine vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.

 

“Trong thời gian độc lập, quân đội Ukraine không phát triển. Trên thực tế, nó bị thụt lùi đi. Vì thế hiện tại, cái chúng ta có là một quân đội có rất ít nguồn lực”, ông Dmitry Tymchuk, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Chính trị-Quân sự ở Kiev , cho biết.

 

Chi tiêu quốc phòng của Ukraine đã giảm hàng năm kể từ khi Liên Xô sụp đổ cách đây 23 năm. Ví dụ như năm 2002, Ukraine chi khoảng 6,8% ngân sách quốc gia hàng năm cho quân sự. Năm 2011, con số này chỉ còn khoảng 4% và tiếp đó là tụt xuống 3,6% năm 2013.

 

Khi ngân sách sụt giảm thì điều đó đồng nghĩa với việc quân đội cũng suy yếu đi mặc dù phần lớn việc cắt giảm lực lượng là do việc kết thúc Chiến tranh Lạnh. Năm 1992, Lực lượng Vũ trang Ukraine có khoảng 780.000 quân. Đến năm 1999, quân số của họ chỉ còn một nửa và đến năm 2009, quân đội Ukraine còn 245.000 binh lính.Hiện nay, quân số trong lực lượng vũ trang đứng ở con số 140.000 quân.

 

Trong nhiều năm, giới lãnh đạo Ukraine hưởng sự thoải mái trong Bản Ghi nhớ Budapest năm 1994 - một hiệp ước mà theo đó Ukraine từ bỏ vũ khí hạt nhân để đổi lấy sự bảo đảm về chủ quyền từ Mỹ, Anh và Nga.

 

“Chúng tôi đã ký trao lại tất cả vũ khí hóa học của mình và các nước đều cam kết bảo vệ chúng tôi”, ông Leonid Kravchuk - Tổng thống đầu tiên của Ukraine  - người ký thỏa thuận, cho biết.

 

Năm 2010, dưới thời Tổng thống Yanukovych, ông này không thấy cần thiết phải đầu tư cho quân đội khi mới quan hệ giữa Ukraine và Nga đang hết sức tốt đẹp. Thay vào đó, ông Yanukovych đầu tư cho lực lượng cảnh sát nhằm đảm bảo an ninh trong nước. Kết quả là quân đội đang giảm dần về con số 0.

 

Từ năm 2010 đến 2013, chính phủ của Tổng thống Yanukovych đã chuyển giao 25 căn cứ quân sự cho các chính quyền địa phương. Sau đó, 25 căn cứ này được chính quyền cho các công ty tư nhân thuê lại. Vào tháng 11 năm 2013, chính phủ Ukraine có kế hoạch chuyển giao thêm 96 tòa nhà và đất của quân đội cho các chính quyền địa phương nhưng ông Yanukovych đã bị lật đổ trước khi kế hoạch này được hoàn thành.

 

Ngân sách quốc phòng của Ukraine đứng ở con số 1,6 tỉ USD hồi năm ngoái. Trong khi quân đội Ukraine tham gia vào nỗ lực gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc thì chỉ có khoảng 6.000 binh lính trong tổng số 140.000 quân của nước này có thể chiến đấu, ông Tymchuk cho biết. Nếu ông ấy đúng thì việc quân đội Ukraine chật vật tìm cách kiểm soát phong trào biểu tình ở miền đông Ukraine một cách khó khăn là điều hoàn toàn dễ hiểu.

 

Một quân đội sống bằng tiền trợ cấp?

 

Khi chính phủ lâm thời hiện nay lên cầm quyền ở Kiev sau nhiều tháng biểu tình lật đổ Tổng thống Yanukovych, chính phủ này được thừa hưởng một Bộ Quốc phòng với những binh lính có tinh thần rệu rã và không hề muốn khoác lên người bộ quân phục của mình.

 

Trong một cuộc họp báo hồi đầu tháng 5, ông Arkadiy Stuzhuk, người phụ trách vấn đề quân nhu, hậu cần trong Bộ Quốc phòng Ukraine, cho biết, các binh lính của họ chỉ được đáp ứng 40% những gì họ cần cho một cuộc chiến tranh, trong đó có những thứ tối thiểu là mũ sắt vào áo chống đạn.

 

Để quyên tiền, Bộ Quốc phòng đã phát động một chiến dịch gây quỹ trong dân chúng. Tính đến ngày 28/5, quân đội đã quyên góp được 10,6 triệu USD.

 

Các nước phương Tây cũng nhảy vào giúp đỡ, trong đó có Mỹ. Cường quốc số một thế giới đã cung cấp khoảng 3,5 triệu USD viện trợ quân sự cho Ukraine dưới hình thức hàng hóa không gây sát thương.

 

Một số nhà tài phiệt ở Ukraine cũng đã đưa ra đóng góp. Ông Ihor Kolomoisky – hiện được Kiev bổ nhiệm vào vị trí thị trưởng của Dnepropetrovsk , đã cam kết sẽ ủng hộ tiền để mua xe tăng và cá phương tiện quân sự cho Ukraine . Ông Kolomoisky cũng là nhà tài trợ cho ít nhất 3 tiểu đoàn bán quân sự đang tham gia vào cuộc chiến với các lực lượng phòng vệ ở miền đông nam Ukraine .

 

Các tiểu đoàn trên về mặt lý thuyết đang nằm dưới sự chỉ huy của Lực lượng Bảo vệ Quốc gia mới được thành lập gần đây ở Ukraine . Một số người lo ngại, các lực lượng bán quân sự tình nguyện đó có thể phớt lờ mệnh lệnh và tự phát động chiến dịch riêng chống lại những người biểu tình ở miền đông nam Ukraine khi cuộc chiến ở đây đang diễn ra ngày một căng thẳng với số thương vong đang tăng lên ở cả hai phía.

 

“Có một số lý do để lo ngại”, ông Syrotyuk nói. "Tuy nhiên, ngay lúc này, Ukraine cần những nhóm tình nguyện đó để hỗ trợ cho quân đội - lực lượng về cơ bản chẳng có gì”.


Vân Linh - (theo CSM)

Ý kiến bạn đọc