(VnMedia) - Trung Quốc được cho là từng trông chờ sự ủng hộ của Nga ở Biển Đông nhưng điều họ nhận được chỉ là sự thất vọng. Những yếu tố về mặt chính trị, chiến lược đã ngăn không cho Moscow ủng hộ Bắc Kinh trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông.
Tàu Trung Quốc hung hăng, ngang ngược bắn súng vòi rồng vào tàu Việt Nam ngay ở vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông |
Gần đây, căng thẳng vì tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông đang át cả cuộc tranh chấp ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Nguyên nhân là do Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam, nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Ngoài ra, việc Philippines bắt giữ các ngư dân Trung Quốc cũng làm gia tăng căng thẳng trong mối quan hệ giữa hai nước này ở Biển Đông. Những diễn biến xảy ra đồng thời trên đã làm tình hình Biển Đông xấu đi một cách đột ngột và đáng báo động.
Trong bối cảnh trên, chúng ta đã chứng kiến Mỹ lên tiếng chỉ trích thẳng thừng Trung Quốc, thể hiện sự ủng hộ với các nước đang có tranh chấp với Trung Quốc và công khai tuyên bố bảo vệ Philippines. Tuy nhiên, người ta không nghe thấy bất kỳ lời nào từ Nga – “đối tác chiến lược” của Trung Quốc. Moscow không đưa ra lập trường nào về vấn đề Biển Đông và điều đó được hiểu là họ không ủng hộ “đối tác chiến lược” Trung Quốc trong vấn đề này. Điều đó là đã khiến nhiều người Trung Quốc cảm thấy thất vọng và tức giận. Những người này giờ đây nghĩ rằng, quan hệ Nga-Trung Quốc thực sự không tốt đẹp như họ vẫn tưởng tượng lâu nay. Thậm chí ngay trong cuộc tranh chấp ở biển Hoa Đông xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Nga cũng giữ một lập trường mập mờ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Nga đang sống “hai mặt” trong quan hệ với Trung Quốc. Trên thực tế, có những yếu tố về mặt chiến lược và chính trị khiến Nga không thể ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Dưới đây là 4 yếu tố chính.
Trước hết, quan hệ giữa Nga và Trung Quốc hoàn toàn khác với quan hệ Mỹ-Philippines. Nga và Trung Quốc không phải là đồng minh. Không có hiệp ước đồng minh nào được ký kết giữa Moscow và Bắc Kinh. Trong khi đó, giữa Mỹ và Philippines cũng như Mỹ và Nhật Bản có những hiệp ước phòng thủ chung. Trong một mối quan hệ liên minh, mỗi bên đều phải có nghĩa vụ theo hiệp ước để cung cấp sự giúp đỡ, hậu thuẫn về mặt chính trị, thậm chí là quân sự, cho đối tác của mình. Trong các mối quan hệ quốc tế, quan hệ đồng minh là kiểu quan hệ song phương ở mức cao nhất. Trong khi quan hệ Nga-Trung có một số đặc điểm của mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện thì hai nước này chưa bị ràng buộc bởi những nghĩa vụ trong một hiệp ước để bảo vệ lợi ích quốc gia và vị trí quốc tế của nhau.
Trong một thời gian dài, báo chí Trung Quốc thường xuyên nhấn mạnh và ca ngợi những nhân tố tích cực trong mối quan hệ Nga-Trung trong khi báo chí nước ngoài thường cố tô vẽ thêm cho mối quan hệ đó. Thỉnh thoảng, một số tờ báo thậm chí còn nói rằng, Nga và Trung Quốc “là đồng minh” với nhau dù chưa ký kết một hiệp ước đồng minh. Thực tế trên đã khiến nhiều người tin rằng, mối quan hệ hợp tác về mặt chính trị giữa Nga và Trung Quốc là không biên giới và như vậy đồng nghĩa với việc an ninh của Trung Quốc được bảo đảm thêm một bậc. Tuy nhiên, những thực tế trong quan hệ quốc tế cho thấy, dù quan hệ Nga-Trung có tốt đến đâu, điều đó sẽ không ảnh hưởng đến chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Trên thực tế, quan hệ Nga-Trung dựa chủ yếu vào lợi ích chung. Biển Đông không phải là nơi mà Nga có thể mở rộng lợi ích và nó cũng không cần thiết để Nga phải can thiệp vào khu vực này khi họ không có quan hệ liên minh chính thức với Trung Quốc. Người Trung Quốc không thể hiểu sai bản chất của mối quan hệ Nga-Trung và không nên chờ đợi, kỳ vọng quá nhiều từ Nga.
Thứ hai, Nga có mối quan hệ rất tốt với các nước ở ven Biển Đông và vì thế, Moscow không cần phải làm tổn thương đến các quốc gia Đông Nam Á vì quyền lợi của Trung Quốc. Như đã nói ở trên, Nga không hề muốn công khai ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất của điều này là Nga có mối quan hệ rất tốt đối với nhiều quốc gia Đông Nam Á. Ví dụ, Nga có mối quan hệ về mặt truyền thống, lịch sử gắn bó, thân thiết với Việt Nam hơn rất nhiều so với Trung Quốc. Với sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô, Việt Nam đã đánh bại Mỹ. Sau đó, Việt Nam lại nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Liên Xô trong cuộc chiến chống lại Trung Quốc. Sau sự sụp đổ của Liên Xô, Nga đã được thừa hưởng mối quan hệ đặc biệt này với Việt Nam. Không có bất kỳ cản trở nào trong con đường phát triển, thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Nga. Quan hệ Nga-Việt không tồn tại tranh chấp hay mâu thuẫn gì cả về mặt lịch sử lẫn trên thực tế. Hơn nữa, giữa Nga và Việt Nam còn có một mối quan hệ hợp tác đặc biệt, đó là trong lĩnh vực quốc phòng. Mối quan hệ này trải dài từ Chiến tranh Thế giới thứ II đến ngày nay. Nhiều vũ khí của Việt Nam xuất phát từ Nga, như tàu ngầm diesel lớp Kilo – một thứ vũ khí giúp Việt Nam tăng cường đáng kể sức mạnh của Hải quân. Dự kiến, trong quý hai của năm 2014, Nga sẽ chuyển giao cho Việt Nam 4 chiếc máy bay chiến đấu Su-30MK2.
Nga cũng có quan hệ êm đẹp với Philippines. Ví dụ như cách đây hai năm, 3 chiếc tàu của Hải quân Nga (trong đó có tàu khu trục chống ngầm mang tên Đô đốc Panteleyev) đã có chuyến thăm 3 ngày đến một cảng ở thủ đô Manila. Theo Moscow, chuyến thăm đó đã giúp tăng cường mối quan hệ Nga-Philippines.
Thứ ba, Nga rõ ràng không cần phải tìm cách đối đầu trực tiếp với Mỹ ở Biển Đông. Hiện nay, Nga đang tập trung vào Châu Âu, đặc biệt là cuộc khủng hoảng ở Ukraine – nơi chứng kiến cuộc đối đầu gay gắt giữa Moscow với phương Tây. Vấn đề trên sẽ khó giải quyết trong thời gian trước mắt. Vì vậy, Nga chẳng hề muốn dính líu vào vấn đề Biển Đông.
Thứ tư, sự phát triển của Trung Quốc thực sự cũng đã gây ra một số lo ngại cho Nga. Đối với một số người ở phương Tây, mâu thuẫn giữa Trung Quốc và các nước ở Biển Đông có thể hạn chế bớt “sự bành trướng” của Trung Quốc vào các khu vực khác. Ở Nga, luôn có những quan ngại về việc sự phát triển của Trung Quốc sẽ dẫn tới khu vực viễn đông của Nga dần dần bị Trung Quốc “chiếm đóng”. Moscow tin rằng, Bắc Kinh đang hướng con mắt thèm muốn sang khu vực lãnh thổ rộng lớn với nhiều nguồn lực ở viễn đông của họ để phục vụ cho sự phát triển của Trung Quốc. Nga chưa bao giờ lơi là cảnh giác trước cái mà họ gọi là “sự bành trướng về lãnh thổ” của Trung Quốc.
Kiệt Linh -
(theo The Diplomat)
Ý kiến bạn đọc