Nhật, Australia “phối hợp tác chiến”, Trung Quốc choáng váng

05:41, 12/06/2014
|

(VnMedia) - Nhật Bản và Australia hôm qua (11/6) đã nhất trí bắt tay hợp tác phát triển công nghệ tàu ngầm tàng hình. Đây là thông tin có thể khiến Trung Quốc “mất ăn mất ngủ” vì lo ngại.

 

Ảnh minh họa


Bộ trưởng Quốc phòng hai nước Australia (bên trái) và Nhật Bản


Công nghệ tàu ngầm là vấn đề được ưu tiên hàng đầu trong các cuộc đàm phán giữa Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Ngoại giao hai nước Nhật Bản và Australia ở thủ đô Tokyo. Vấn đề tàu ngầm cũng đã được đưa vào trong một thỏa thuận giữa hai nước nhằm củng cố quan hệ hợp tác song phương trong linxhv ực công nghệ và thiết bị quốc phòng.

 

Phát biểu tại một cuộc họp báo sau các cuộc hội đàm ngày hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản – ông Itsunori onodera cho biết, các Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao của hai nước đã nhất trí sẽ bắt đầu tiến hành nghiên cứu chung về công nghệ tàu ngầm tàng hình trong năm tới. Công tác nghiên cứu này sẽ tập trung vào công nghệ có thể được áp dụng với bất kỳ loại tàu nào, trong đó có tàu ngầm. Tuy nhiên, ông onodera từ chối cung cấp thông tin chi tiết về thỏa thuận nói trên.

 

“Tôi kỳ vọng rất cao vào kết quả thành công” của sự hợp tác này”, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cho biết. Theo ông onodera, công tác nghiên cứu và khả năng chuyển giao công nghệ tàu ngầm sẽ không vi phạm hiến pháp hòa bình của Nhật Bản.

 

Bộ trưởng Quốc phòng onodera và Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã cùng với hai người đồng cấp Australia Julie Bishop và David Johnston tham dự một cuộc họp trong ngày hôm qua và tại cuộc họp này, cả 4 vị quan chức cấp cao đều nhất trí củng cố quan hệ hợp tác về quân sự giữa Nhật Bản và Australia.

 

Theo giới chức quốc phòng Nhật Bản trước đó hồi đầu tuần cho biết, mục tiêu của việc bắt tay hợp tác nghiên cứu về công nghệ tàu ngầm giữa Nhật Bản và Australia là nhằm để phát triển các tàu ngầm nhanh hơn, hiện đại hơn và chạy êm hơn.

 

Trước khi Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao Australia đến Tokyo, một số nguồn tin đã cho biết, Nhật Bản đang cân nhắc khả năng bán công nghệ tàu ngầm tối tân cho Australia và thậm chí là cả một hạm đội tàu tàng hình với đầy đủ công nghệ hàng đầu, các quan chức Nhật Bản tiết lộ. Nguồn tin từ cả Australia và Nhật Bản đều cho biết, những cuộc đàm phán, thảo luận giữa hai bên đến nay đang khuyến khích hai bên sẵn sàng tiến xa hơn nữa trong thỏa thuận tàu ngầm nói trên.

 

Bất kỳ thỏa thuận nào được ký kết đều phải mất nhiều tháng đàm phán và mọi việc cho đến thời điểm hiện tại chưa có gì là chắc chắn nhưng một thỏa thuận để Nhật cung cấp công nghệ sẽ trị giá hàng tỉ USD và nó sẽ chiếm một phần lớn trong chương trình tàu ngầm có tổng trị giá 37 tỉ USD của Australia. Thỏa thuận này chắc chắn cũng là nhằm đối phó với Trung Quốc.

 

Giới chuyên gia nhận định, một thỏa thuận giữa Nhật Bản và Australia sẽ phát đi một thông điệp đến cường quốc mới nổi Trung Quốc về việc Nhật Bản dưới thời của Thủ tướng Shinzo Abe sẵn sàng xuất khẩu vũ khí đến một khu vực đang ngày càng lo ngại về sức mạnh hải quân của Trung Quốc, đặc biệt khi nước này đang hung hăng theo đuổi việc tranh giành chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

 

Thỏa thuận nghiên cứu tàu ngầm chung mà Nhật và Australia vừa đạt được sẽ giúp mở rộng hơn khả năng cho Nhật Bản cung cấp công nghệ quân sự ra bên ngoài. Chính phủ của Thủ tướng Shinzon Abe hồi tháng 4 đã nới lỏng các giới hạn mà Nhật Bản tự đặt ra trong việc xuất khẩu các mặt hàng quân sự, mở đường cho công nghiệp quốc phòng chủ yếu dựa vào nội địa của nước này mở ra thị trường toàn cầu. Nhật Bản cũng đang hướng tới một số hợp tác về mặt vũ khí, thiết bị quân sự với Anh và Ấn Độ.

 

Thủ tướng Abe cho biết, liên minh Mỹ-Nhật là trọng tâm trong chính sách an ninh của Tokyo nhưng nước này vẫn mở rộng các mối quan hệ hợp tác quốc phòng với Anh, Pháp, Ấn Độ và nhiều quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương khác, đặc biệt là Australia. Việc chính quyền của Thủ tướng Abe ra sức tăng cường các mối quan hệ hợp tác quân sự với một loạt nước diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang đẩy mạnh các hoạt động quân sự trong khu vực và nhiều đồng minh Châu Á của Mỹ đang lo ngại việc cắt giảm ngân sách quân sự sẽ khiến siêu cường số 1 thế giới phải giảm sự hiện diện quân sự ở trong khu vực.

 

Thủ tướng Abe đang nỗ lực tìm cách sửa đổi hiến pháp hòa bình của Nhật Bản theo hướng quân đội nước này không chỉ có thể sử dụng vũ lực để bảo vệ đất nước mình mà còn có thể bảo vệ các lực lượng nước ngoài khi cần.

 

Theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Onodera , Australia đặc biệt quan tâm đến công nghệ tàu ngầm của Nhật Bản. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Johnston được cho là sẽ có chuyến đi thăm một chiếc tàu ngầm lớp Soryu của Nhật Bản tại cảng hải quân Yokosuka, phía nam thủ đô Tokyo, trong khuôn khổ công du lần này.

 

Tàu ngầm lớp Soryu chạy bằng điện-diesel với trọng tải 2.950 tấn là mô hình tàu ngầm hiện đại nhất trong hạm đội 16 chiếc tàu ngầm của Nhật Bản. Nó được trang bị công nghệ động cơ đẩy không phụ thuộc vào không khí của Thụy Điển. Tàu ngầm lớp Soryu được trang bị ngư lôi và các tên lửa Harpoon.

 

Xây dựng một hạm đội tàu ngầm là cốt lõi trong chiến lược phòng thủ lâu dài của Australia .

 

“Chúng tôi muốn phía Australian xem xét thật kỹ các thiết bị quân sự của Nhật Bản để chúng tôi có thể thiết lập một mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Nhật Bản và Australia”, Bộ trưởng onodera phát biểu.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc