Nga “ra đòn”, Ukraine ở tình trạng khẩn cấp

09:12, 17/06/2014
|

(VnMedia) - Nga hôm qua (16/6) đã “ra đòn” quyết liệt với Ukraine bằng cách cắt đứt nguồn cung cấp khí đốt cho nước láng giềng. “Đòn đánh” của Nga đã buộc Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseny Yatsenyuk phải nhanh chóng tuyên bố “tình trạng khẩn cấp” trong ngành năng lượng của quốc gia Đông Âu này.

 

Ảnh minh họa


Giám đốc điều hành Gazprom - ông Alexei Miller


Tập đoàn năng lượng quốc gia Nga – Gazprom hôm qua đã chính thức thông báo quyết định áp dụng chế độ thanh toán trước với công ty Naftogaz của Ukraine sau khi công ty này không chịu trả khoản nợ tiền hóa đơn khí đốt lên tới nhiều tỉ USD. Theo chế độ thanh toán trước, Ukraine phải trả tiền trước nếu muốn mua khí đốt từ Nga.

 

"Quyết định trên được đưa ra sau khi công ty Naftogaz của Ukraine không chịu trả tiền mua khí đốt của Nga một cách có hệ thống. Khoản nợ tồn động của công ty Naftogaz đã lên tới con số 4,458 tỉ USD", tập đoàn Gazprom cho biết trong một tuyên bố.

 

Quyết định cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Ukraine và áp dụng chế độ trả trước với nước này chính thức có hiệu lực từ 10h00 sáng ngày hôm qua theo giờ Moscow (tức 13h chiều qua theo giờ Hà Nội), vài giờ sau khi đại diện của Nga, Ukraine và Ủy ban Châu Âu kết thúc các cuộc đàm phán một cách vô ích với không kết quả nào đạt được nhằm giải quyết mâu thuẫn về khí đốt giữa Nga và Ukraine.

 

Gazprom tuyên bố, tập đoàn này sẽ phát đơn kiện lên tòa án Stockholm , đòi Ukraine phải trả toàn bộ khoản nợ khí đốt. Đáp lại, Naftogaz cũng tuyên bố kiện Nga ra tòa án tương tự để phản đối mức giá khí đốt mà Kiev miêu tả là không công bằng. Công ty của Ukraine đòi Gazprom trả lại 6 tỉ USD mà họ tin là đã đội lên do hợp đồng khí đốt “không công bằng” được ký từ năm 2010.

 

Giải thích về quyết định ra tay quyết liệt với Ukraine, tập đoàn khí đốt khổng lồ của Nga cho biết, họ buộc phải làm vậy vì Ukraine có hành động dọa dẫm trong các cuộc đàm phán, Giám đốc điều hành Gazprom - ông Alexei Miller hôm qua cho biết.

 

“Cần phải nói rằng, do lập trường thiếu tính xây dựng của phía chính phủ Ukraine , chúng tôi hôm nay buộc phải thực thi chế độ thanh toán trước với họ. Trên thực tế, phía Ukraine đã thay đổi và điều đó làm thay đổi chủ đề của cuộc đàm phán”, ông Miller cho biết trong cuộc họp với Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev bên ngoài thủ đô Moscow .

 

Thủ tướng Medvedev cáo buộc giới lãnh đạo Ukraine “không đủ năng lực”, đưa ra dẫn chứng là việc Thủ tướng Ukraine Arseny Yatsenyuk từ chối mức giá khí đốt ưu đãi và “hành vi hoang tưởng” của quyền Ngoại trưởng Andrei Deshchytsa khi buông những lời xúc phạm nặng nề nhằm vào Tổng thống Vladimir Putin hồi cuối tuần vừa rồi.

 

Ukraine tuyên bố tình trạng khẩn cấp

 

Sau “đòn” ra tay cứng rắn và quyết liệt của Nga, Thủ tướng Ukraine Arseny Yatsenyuk đã nhanh chóng tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong ngành năng lượng nước này.

 

"Tôi ủy quyền cho Bộ Năng lượng và Bộ Tư pháp chuẩn bị một bản dự thảo luật về tình trạng khẩn cấp trong ngành năng lượng", ông Yatsenyuk cho biết ngay khi mở màn cuộc họp chính phủ ngày hôm qua.

 

Thủ tướng Yatsenyuk đã yêu cầu Ủy ban Pháp luật Quốc gia ấn định các mức thuế “hợp lý về mặt kinh tế” cho việc trung chuyển khí đốt từ Nga qua lãnh thổ Ukraine đến cho các khách hàng Châu Âu, nói rằng Kiev không có kế hoạch tiếp tục “bao cấp” cho Nga thêm bất kỳ thời gian nào nữa.

 

Ông Yatsenyuk cũng hướng dẫn Bộ Năng lượng Ukraine chuẩn bị một dự luật để mời gọi đầu tư từ Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) vào việc hiện đại hóa mạng lưới trung chuyển khí đốt của Ukraine.

 

Những bước đi trên của Ukraine rõ ràng là hành động đáp trả quyết liệt không kém đối với đòn ra tay cứng rắn trước đó của Nga.

 

Ukraine vốn phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp khí đốt từ Nga. Tuy nhiên, theo giám đốc điều hành Naftogaz, nước này vẫn còn đủ nguồn dự trữ khí đốt để đáp ứng nhu cầu nội địa trong vòng 6 tháng tới.

 

"Chúng tôi có thời gian ít nhất cho đến tháng 12 tới để giải quyết vấn đề”, Thủ tướng lâm thời Ukraine đã nói như vậy tại cuộc họp nội các. Theo giải thích của ông này, Ukraine hiện đang có khoảng 14 tỉ mét khối khí đốt ở trong các bể dự trữ ngầm dưới lòng đất và dự kiến sẽ nhập khẩu 16 tỉ mét khối khí đốt từ thị trường mua bán giao ngay của Châu Âu để đáp ứng cho nhu cầu nội địa trong nước.

 

Một công ty của Đức đã sẵn sàng bán khí đốt cho Ukraine với mức giá 300 USD/1.000 mét khối khí đốt, ông Kobolev cho biết nhưng không đưa ra cụ thể tên của công ty này.

 

Cũng theo Giám đốc điều hành Naftogaz, công ty này đã đề nghị Ủy ban Châu Âu cho phép tăng nguồn cung cấp khí đốt đến Ukraine qua Slovakia trong trường hợp Nga cắt đứt nguồn cung cấp.

 

Theo một thỏa thuận được ký giữa Kiev và Bratislava hồi tháng 4 mới đây, Ukraine hàng năm năm có thể nhập khẩu khoảng 8 tỉ mét khối khí đốt từ thị trường Châu Âu thông qua Slovakia.

 

Bộ trưởng Năng lượng và Than đá của Ukraine – ông Yury Prodan – người cũng có mặt trong cuộc họp nội các ngày hôm qua, đã cam kết rằng, Ukraine vẫn bảo đảm không để cho nguồn cung cấp khí đốt cho Châu Âu qua lãnh thổ nước này bị ảnh hưởng.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc