Mỹ, Trung: Ai mắc sai lầm chiến lược?

20:25, 07/06/2014
|

(VnMedia) - Ông Amitai Etzioni - một giáo sư đại học chuyên về các vấn đề quốc tế của Trường Đại học Washington và là tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng, mới đây đã viết một bài phân tích về việc Mỹ và Trung Quốc ai mới thực sự đang mắc sai lầm chiến lược. Bài viết này đã được đăng trên tờ Diplomat số ra ngày hôm nay (7/6).
 

Ảnh minh họa


Trung Quốc hung hăng bắn vòi rồng vào tàu Việt Nam ở vùng biển của Việt Nam.


Dưới đây là nội dung bài viết của ông Amitai Etzioni:
 
“Thiếu tướng Zhu Chenghu - một giáo sư của trường Đại học Quốc phòng Trung Quốc, gần đây có nói rằng, “người Mỹ đang mắc những sai lầm chiến lược hết sức quan trọng” trong cách tiếp cận với Trung Quốc. Những phát biểu của ông này được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel thẳng thừng chỉ trích Trung Quốc đang “có những hành động đơn phương gây bất ổn trong khu vực khi tranh giành chủ quyền ở Biển Đông”.
 
Tuy nhiên, vào thời điểm này, chính Trung Quốc mới là nước đang mắc một sai lầm chiến lược nghiêm trọng. Cách mà Trung Quốc đang tiến hành có thể cho phép nước này giành chiến thắng ở nhiều lượt đấu hơn như việc nước này chiếm một bãi cạn của Philippines và thậm chí đưa nhiều tàu cá cũng như tàu của lực lượng bờ biển vào “quần thảo” ở biển Hoa Đông. Hơn nữa, Trung Quốc có thể đúng khi cho rằng, Mỹ vì quá mệt mỏi sau hai cuộc chiến tranh lâu dài và tổn thất ở Trung Đông, sẽ không muốn có một cuộc chiến ở những bãi đá ở Biển Đông hay biển Hoa Đông.

Và Trung Quốc thậm chí có thể đúng khi cho rằng Nhật Bản đang trên con đường trở nên chủ nghĩa dân tộc hơn và đang củng cố sức mạnh quân sự. Cuối cùng, Trung Quốc có thể tin rằng, nhiều quốc gia nhỏ trong khu vực có thể cảm thấy rằng, họ tốt hơn hết là nên chịu đựng Trung Quốc chứ không nên đối đầu. Tuy nhiên, Trung Quốc cần phải thừa nhận một điều rằng, một người có thể thắng hết lượt đấu này đến lượt đấu khác những vẫn có thể thua cả một trận đấu.
 
Trước khi tôi giải thích việc Trung Quốc có thể thua trận thế nào, tôi cần nhấn mạnh rằng, không có mấy học giả viết bài phân tích và mang tính học thuật nhiều hơn tôi về việc kêu gọi Mỹ và Trung Quốc tránh xa khỏi con đường đối đầu nhau và tôi cũng đã chỉ ra cách mà  hai cường quốc này có thể giải quyết bất động bằng con đường hòa bình và bình đẳng. Các bài viết đó đều chỉ ra rằng, họ có nhiều lợi ích chung hơn là những mâu thuẫn, bất đồng. Những bài viết của tôi viết ra không phải để biện hộ hay hậu thuẫn cho Trung Quốc mà như là một người bạn của hòa bình, một người đã trực tiếp biết chiến tranh như thế nào.
 
Trong tinh thần đó, tôi thấy mình có phận sự để chỉ ra rằng Trung Quốc dường như đang hiểu lầm bản chất của người Mỹ. Mặc dù người Mỹ có thể chậm chạp trong việc huy động sự ủng hộ cho những cuộc can thiệp lớn ở bên ngoài, đặc biệt sau những thất bại lớn như ở Việt Nam, Iraq và Afghanistan - nhưng khi họ tức giận, những lời cam kết có thể mang họ đi rất xa. Người Mỹ rất chần chừ trong việc tham dự vào cuộc Chiến tranh Thế giới thứ II, nhưng một khi họ tham gia (hợp tác với Liên Xô), họ sẵn sàng hy sinh ở những nơi cách bờ biển của họ hàng ngàn dặm và họ đã góp phần dẫn đến chiến thắng của quân đồng minh trước chủ nghĩa phát xít.

Sau cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng năm 2001, Mỹ mất một số thời gian để huy động người Mỹ tiến hành một cuộc chiến chống khủng bố mạnh mẽ. Kết quả cuối cùng của cuộc chiến này chưa được biết nhưng đến nay, người ta có thể thấy, Mỹ không phải là nước trốn trong hang hay trong rừng, tránh máy bay không người lái, điện thoại và ánh sáng. Sự thực, nước Mỹ đang sụt giảm về mặt kinh tế so với thời hoàng kim nhưng vẫn giàu hơn rất nhiều so với năm 1941 hoặc 1947. Và quan niệm về việc Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ và có thể giành một số lượng lớn nguồn lực từ nhu cầu nội địa cho chi tiêu quân sự không nên được coi là điều hiển nhiên, đúng đắn.
 
Trung Quốc, Mỹ và thế giới tất cả đều được lợi rất nhiều nếu cả hai cường quốc tránh xa con đường đối đầu. Cái gì bắt đầu từ những bước nhỏ cũng có thể leo thang nhanh chóng một cách không cần thiết bằng cách biến những cuộc đụng độ, xung đột nhỏ, ở cấp địa phương, thành những cuộc xung đột lớn hơn. Nhưng một cuộc xung đột lớn có thể xảy ra nếu một cường quốc thấy rằng những thách thức nhỏ mà nước khác tạo ra là một sự xúc phạm toàn diện đối với họ. Trung Quốc có như cầu hợp pháp để bảo đảm nguồn cung cấp năng lượng, nhiên liệu thô và đi lại tự do: Mỹ có cam kết mạnh mẽ với các đồng minh trong khu vực và cái mà họ xem là trật tự quốc tế hợp lý. Cả hai có thể chung sống với nhau nếu biết kiềm chế và tìm kiếm những giải pháp đem lại lợi ích chung thay vì tung ra những lời cáo buộc và thử thách sức chịu đựng của nhau. Trung Quốc nên nhớ rõ rằng không ai có độc quyền trong việc mắc những sai lầm chiến lược”.
 
Bài viết trên của ông Amitai Etzioni được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc được cho là đang tính toán rằng, họ có thể hoành hành ở Biển Đông, biển Hoa Đông cũng như khu vực Châu Á bởi Mỹ đang yếu đi và bởi Bắc Kinh tin rằng, Mỹ sẽ không can thiệp vào khu vực như những lời tuyên bố cứng rắn của giới chức ở Washington. Một số nhà phân tích cũng nhận định, Trung Quốc đang lấn tới trong các cuộc tranh chấp ở Châu Á vì sự thiếu hành động của Mỹ.


Kiệt Linh - (theo Diplomat)

Ý kiến bạn đọc