(VnMedia) - Mỹ và Philippines sẽ huy động một lực lượng hùng hậu gồm nhiều tàu chiến và binh lính để tiến hành một cuộc tập trận hải quân rầm rộ gần bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát từ Manila. Cuộc tập trận khiến Bắc Kinh “mất ngủ” sẽ diễn ra ngay trong tháng này. Giới phân tích tin rằng, hành động quân sự mới nhất của hai đồng minh Mỹ, Philippines chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc nổi giận đùng đùng trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông leo thang từng ngày.
Ảnh minh họa |
5 chiếc tàu chiến, trong đó có tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Mỹ, cùng với khoảng 1.000 binh lính sẽ tham gia vào cuộc tập trận kéo dài một tuần mang tên Hợp tác Huấn luyện và Sẵn sàng chiến đấu trên biển CARAT-2013. Cuộc tập trận này có cả các màn diễn tập bắn đạn thật ở khu vực cách Zambales – bờ biển phía tây của đảo Luzon Philippines, chỉ khoảng 64km.
Cuộc tập trận rầm rộ giữa Mỹ và Philippines diễn ra ở khu vực cách khoảng 80 hải lý so với nơi Trung Quốc triển khai hai hoặc ba tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển để tuần tra bãi cạn Scarborough mà nước này đã giành quyền kiếm soát từ tay Philippines hồi năm 2012.
Hồi tháng 1 năm 2013, Manila đã chính thức kiện Trung Quốc ra tòa án ở The Hague về chính sách đòi hỏi chủ quyền “thái quá” của Trung Quốc ở Biển Đông. Philippines hy vọng, tòa án sẽ ra lệnh cho Trung Quốc rút tàu thuyền ra khỏi bãi cạn Scarborough – ngư trường đánh cá truyền thống của ngư dân Philippines bao nhiêu năm nay.
Cuộc tập trận chung sắp tới giữa Mỹ và Philippines được tổ chức nhằm giúp củng cố năng lực của cả hai bên trong các chiến dịch đổ bộ, các chiến dịch đặc biệt và chiến tranh trên mặt nước cũng như tăng cường chia sẻ thông tin, phát ngôn viên Lực lượng Hải quân Rommel Rodriguez cho biết.
Theo lời ông Rodriguez, các cuộc diễn tập trên diễn ra trong khuôn khổ sự kiện định kỳ hàng năm.
"Họ sẽ nhằm vào các mục tiêu trên biển. Tất cả các tàu sẽ nhằm vào các mục tiêu của đối thủ và sau đó sẽ hướng mũi súng vào đó”, ông Rodriguez nói.
Tàu USS Halsey – một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Arleigh Burke, sẽ cập cảng ở Vịnh Subic của Philippines trong ngày 26/6 để tham gia các cuộc diễn tập quân sự. Con tàu này sẽ gia nhập cùng với hai tàu chiến khác của Mỹ là USNS Safeguard và USS Ashland.
Manila sẽ phái tàu chiến BRP Ramon Alcaraz – một tàu cũ của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ, và tàu BRP Emilio Jacinto – một tàu cũ của Hải quân Hoàng gia Anh, để tham gia cuộc tập trận cùng với một loạt chiếc trực thăng do Ba Lan chế tạo.
Trung Quốc đòi chủ quyền với 90% Biển Đông – một vùng biển chiến lược và giàu tài nguyên. Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với một loạt nước láng giềng xung quanh gồm Philippines, Malaysia, Brunei, Việt Nam và cả Vùng lãnh thổ Đài Loan. Bắc Kinh luôn nghi ngờ rằng Mỹ đang tìm cách “khiêu khích” họ bằng cách ủng hộ mạnh mẽ cho các đồng minh của cường quốc này trong khu vực trong các cuộc tranh chấp với Trung Quốc.
Trung Quốc lại khuấy động sóng gió Biển Đông
Trung Quốc lại khuấy động thêm sóng gió Biển Đông khi triển hai 4 giàn khoan ở Biển Đông. Đây là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang tăng cường các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí ở khu vực căng thẳng. Bước đi này của Trung Quốc diễn ra chỉ chưa đầy 2 tháng sau khi nước này ngang nhiên hạ đặt trái pháp giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam, khiến Biển Đông “sôi sùng sục” suốt trong thời gian qua.
Theo thông tin được đưa lên trên website của Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc, giàn khoan Nam Hải số 2 và số 5 đã được triển khai đến khu vực giữa phái nam Trung Quốc và quần đảo Pratas đang nằm trong sự kiểm soát của Vùng lãnh thổ Đài Loan. Giàn khoan Nam Hải số 4 được kéo gần tới bờ biển Trung Quốc.
Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc chưa cho biết, ai là chủ sở hữu của những giàn khoan trên.
Trước đó, hôm 19/6, Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc cũng tuyên bố, họ đang đưa giàn khoan Nam Hải số 9 đến gần bờ biển của Việt Nam. Giàn khoan Nam Hải số 9 (Nan Hai Jiu Hao) dài 600m được cho là đã được kéo đến gần với Việt Nam hơn trong ngày hôm qua (20/6).
Những bước đi trên của Trung Quốc đã gây quan ngại đặc biệt cho các nước láng giềng ở Châu Á. Các nước này đang ngày càng cảm thấy bất an, lo lắng trước những hành động ngày một hung hăng, quyết liệt của Trung Quốc trong việc tiến tới thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông, phớt lờ những đòi hỏi chủ quyền chính đáng của các nước xung quanh.
Tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times) – một tờ báo thuộc tờ People's Daily của Đảng Cộng sản Trung Quốc, dẫn lời ông Zhuang Guotu – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á ở trường Đại học Xiamen, đã miêu tả hoạt động triển khai các giàn khoan ở Biển Đông là “bước đi chiến lược”.
Việc Trung Quốc đưa thêm một loạt giàn khoan vào Biển Đông khiến cộng đồng quốc tế lo ngại dõi theo bởi nó diễn ra trong bối cảnh nước này đang “khuấy đảo” Biển Đông suốt hơn một tháng qua bằng những hành động ngang ngược, bất chấp pháp luật khi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam.
Hôm 2/5, Trung Quốc đã đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào khoan thăm dò và định vị tại tọa độ 15-29.58 độ vĩ Bắc, 111-12.06 độ kinh Đông. Tiếp đó, ngày 27/5, giàn khoan được dịch chuyển đến vị trí 15-33.38 độ vĩ Bắc, 111-34.62 độ kinh Đông. Các vị trí này đều nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và cách bờ biển Việt Nam từ 130 đến 150 hải lý. Hành động của Trung Quốc vi phạm thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước về không mở rộng, làm phức tạp tình hình Biển Đông, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Ý kiến bạn đọc