Lý giải Nga kín tiếng trong vấn đề Biển Đông

16:24, 22/06/2014
|

Trang tin The Diplomat (Nhật Bản) ngày 21/6 đăng tải bài viết có tiêu đề "Tại sao Nga không ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông", lý giải việc Moskva "kín tiếng" đối với tranh chấp tại vùng biển này. Bài viết có một số nội dung đáng chú ý như sau: 

 

Căng thẳng ở Biển Đông có bước leo thang nguy hiểm, sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Người ta được thấy Mỹ chỉ trích Trung Quốc, nhưng chưa nghe một quan điểm chính thức nào từ phía Nga, nước hiện được xem là “đối tác chiến lược” của Bắc Kinh.


Ảnh minh họa

 

Điều này hẳn nhiên làm một số người ở Trung Quốc thấy buồn và họ buộc phải nghĩ lại rằng quan hệ Nga – Trung không hẳn tốt đẹp như những gì vừa tuyên bố. Ngay cả với tranh chấp Trung - Nhật tại Senkaku/Điếu Ngư, Moskva cũng cho thấy thái độ không rõ ràng. Điều này không hẳn là việc Nga chơi trò hai mặt trong quan hệ với Trung Quốc. Thay vào đó, 4 nhân tố chính trị, chiến lược dưới đây chi phối cách hành xử của Nga.

 

Một là: Quan hệ Nga - Trung khác quan hệ Mỹ - Philippines. Trung Quốc và Nga không phải là đồng minh. Chưa có một hiệp định nào tương tự Hiệp định an ninh Nhật - Mỹ, Mỹ - Philippines được ký kết giữa Moskva và Bắc Kinh. Trong quan hệ liên minh này, một bên sẽ buộc phải tuân thủ trách nhiệm cung cấp hỗ trợ chính trị, quân sự cho đối tác. Đây là cấp độ cao nhất của các quan hệ song phương. Quan hệ Nga - Trung mang đặc điểm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, nhưng hai bên không buộc phải tuân thủ điều khoản hiệp định hết mình vì lợi ích quốc gia và vị thế quốc tế của bên còn lại.

 

Đã từ lâu, truyền thông nhà nước Trung Quốc coi trọng, đề cao những nhân tố tích cực trong quan hệ Nga – Trung. Thậm chí, nhiều cơ quan báo chí nhìn nhận Nga và Trung quốc là “đồng minh” mà chẳng cần hiệp định đồng minh. Nó dẫn đến việc nhiều tin hợp tác giữa hai nước là không giới hạn, giúp Bắc Kinh cải thiện các vấn đề an ninh. Nhưng những diễn biến trong quan hệ quốc tế trong lịch sử chỉ ra rằng, quan hệ Nga – Trung dù có tốt đẹp đến mức nào thì nó cũng sẽ không giúp ích nhiều cho chính sách của Bắc Kinh ở Biển Đông và Hoa Đông. Sự thực thì quan hệ Nga - Trung cơ bản được dựa trên lợi ích song phương. Biển Đông không phải là nơi mà Moskva có thể mở rộng ảnh hưởng của mình và vì thế không nhất thiết phải can thiệp vào khu vực này.

 

Thứ hai, Nga đang duy trì quan hệ tốt đẹp với nhiều nước ASEAN và không muốn làm “buồn lòng” ASEAN chỉ vì Trung Quốc. Và đó là lý do giải thích tại sao từ khi khủng hoảng leo thang đến nay, Moskva không thực sự hào hứng với việc công khai ủng hộ Bắc Kinh trong tranh chấp ở Biển Đông. Quan hệ Nga – Việt là quan hệ thân thiết theo lịch sử, không có trở ngại nào trên tất cả các lĩnh vực hợp tác như kinh tế, quốc phòng… Cùng với đó hợp tác Nga-Philippines cũng có những diễn biến tích cực thời gian gần đây.

 

Thứ ba, Nga thấy không thực sự cần thiết ra mặt đối đầu trực tiếp với Mỹ trong vấn đề Biển Đông. Mối quan tâm hiện nay của Nga là ở châu Âu, nhất là những hệ quả của khủng hoảng chính trị tại Ukraine. Xử lý quan hệ với phương Tây hậu Ukraine là vấn đề nan giải, vì thế Nga sẽ không có khả năng lẫn mong muốn đối đầu Mỹ trên Biển Đông. Hơn nữa, tranh chấp ở vùng biển này không hẳn là xung đột giữa Mỹ với Trung Quốc, mà là giữa Trung Quốc với một số nước trong khu vực về lịch sử, hiện trạng, chủ quyền. Mỹ chỉ là bên bị ảnh hưởng, không phải là quyết định cục diện tranh chấp tương lai. Trong bối cảnh này, dưới tư cách là một người ngoài cuộc, Nga sẽ chẳng có động cơ gì để hỗ trợ Trung Quốc, chỉ trích Mỹ.

 

Thứ tư, hành xử của Trung Quốc quả thực đã gây ra một số quan ngại nhất định đối với Nga. Đã luôn có nghi ngờ rằng một hành vi mang tính bành trướng như vậy sẽ dẫn đến việc nhiều vùng đất Viễn Đông của Nga sẽ dần bị Trung Quốc “thôn tính”, do đây là vùng lãnh thổ rộng lớn, giàu tài nguyên khoảng sản, rất có giá trị đối với Trung Quốc. Dù quan chức Nga đang lạc quan về tiềm năng hợp tác với quốc gia đông dân nhất thế giới tại vùng Viễn Đông, thì họ chưa bao giờ có ý để cho các binh lính “thư thái” trước cái gọi là “mở rộng lãnh thổ” của Trung Quốc.


(theo Báo Tin Tức)

Ý kiến bạn đọc