Hàn Quốc phũ phàng từ chối hệ thống tên lửa Mỹ

09:10, 05/06/2014
|

(VnMedia) - Hàn Quốc sẽ tự phát triển hệ thống tên lửa phòng thủ của riêng mình để đánh chặn các tên lửa ở tầm cao thay cho hệ thống tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ, một nguồn tin quân sự hôm 3/6 cho hay.

 

Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc trước đó đưa tin, quân đội nước này đã quyết định phát triển hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa tự chế (L-SAM), có khả năng sánh ngang với hệ thống THAAD của tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ. Tên lửa này được phát triển dựa trên một nghiên cứu thử nghiệm do Cơ quan Quản lý chương trình mua sắm quốc phòng (DAPA) tiến hành.


Ảnh minh họa

   

Nguồn tin quân sự giấu tên cho biết qua điện thoại “thông tin trên là có thật”, thêm rằng các kế hoạch chi tiết sẽ được công bố sau cuộc họp của ủy ban dự án quốc phòng vào ngày 11/6 tới.

   

Dự kiến Hàn Quốc sẽ phải mất tới 7 năm để phát triển hệ thống L-SAM này, và nó sẽ được triển khai trong khoảng giữa năm 2023-2024.  

 

Kế hoạch này được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang cân nhắc việc triển khai hệ thống THAAD tại Hàn Quốc để đối phó với những mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên. Tại một diễn đàn được tổ chức tại Seoul hôm 3/6, Tư lệnh quân đội Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) cho biết, Mỹ đang xem xét việc triển khai hệ thống THAAD trên bán đảo Triều Tiên.

 

“Việc triển khai THAAD có được cân nhắc tại Hàn Quốc. Đây là sáng kiến của Mỹ mà tôi đưa ra với tư cách là chỉ huy (quân đội Mỹ tại Hàn Quốc)” – Tướng Curtis Scaparrotti nói tại Seoul .

 

Ông Scaparrotti nói rằng trước các ‘mối đe dọa’ từ Triều Tiên, Mỹ tiếp tục đưa ra các phương án để bảo vệ Hàn Quốc hơn nữa, và hệ thống THAAD sẽ mang lại cảm giác an toàn hơn và thúc đẩy khả năng tương hỗ.

 

Những tuần gần đây, Washington dường như đang thúc đẩy Seoul tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa. Tuy nhiên, đây là phương án mà Seoul vẫn lưỡng lự khi Nhật cũng tham gia, nhằm đối trọng với sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực. 

 

“Điều này chỉ có tính chất phòng vệ, và nhằm bảo vệ Hàn Quốc” – chỉ huy Mỹ trả lời khi được hỏi liệu rằng việc triển khai hệ thống này tại Hàn Quốc có thể là mối lo ngại trong khu vực, đặc biệt là với Trung Quốc.

 

Tuy nhiên, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc – Kim Min-seok tại một cuộc họp báo vắn đã cho biết, Mỹ chưa hề đưa ra một lời đề nghị triển khai hệ thống THAAD với Hàn Quốc, nói rằng, chính phủ sẽ xem xét tình hình nếu phía Mỹ đưa ra lời đề nghị hợp tác chính thức.

   

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-jin nhiều lần từ chối tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ và khẳng định Hàn Quốc không xem xét tới việc mua THAAD cũng như các tên lửa SM-3 phóng từ biển.

 

Chính ông Kim Kwan-jin cũng nhiều lần úp mở về việc Hàn Quốc tự lực phát triển các hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao L-SAM. Hồi tháng 10/2-13, ông Kim cho biết L-SAM sẽ được triển khai trước năm 2020.


L-SAM sẽ có khả năng đánh chặn các tên lửa ở tầm cao trên 40 km, qua đó lấp chỗ trống mà PAC-2 và PAC-3 để lại do không thể bắn hạ các tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân được phóng từ Triều Tiên.

 

Ngoài ra, nguồn tin cũng cho biết Hàn Quốc sẽ nâng cấp các tổ hợp tên lửa PAC-2 của nước này lên bằng PAC-3 của Lockheed Martin để bắn hạ các tên lửa có khả năng phóng từ Triều Tiên ở tầm cao không quá 40 km.

 

Sức mạnh hệ thống tên lửa phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối THAAD

 

THAAD là viết tắt của cụm từ Terminal High Altitude Area Defense (hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối). Đây là hệ thống tên lửa được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Ngoài ra, nó cũng có khả năng hạn chế trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

 

Mỗi hệ thống tên lửa THAAD có chứa tám tên lửa đánh chặn và được bắn từ một bệ phóng gắn trên xe cơ động.

 

THAAD được thiết kế và phát triển bởi Lockheed Martin. Mỗi khẩu đội THAAD bao gồm: 4 xe phóng mang tên lửa (8 ống phóng/xe), radar tìm kiếm mục tiêu và điều khiển hỏa lực AN/TPY-2 cùng một xe trung tâm điều khiển di động và 2 trung tâm hoạt động chiến thuật TOC (“trái tim” của mỗi trung tâm là hệ thống xử lý dữ liệu Hewlett-Packard HP-735).

 

Trong đó, AN/TPY-2 là một radar mạng pha hoạt động ở băng tần X, có khả năng phát hiện các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung ở cự ly 1.000km.

 

Khi chiến đấu, "mắt thần" AN/TPY-2 sẽ thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm và phát hiện mục tiêu (các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo chiến thuật, tên lửa đạn đạo tầm trung). Nó cũng có thể tiếp nhận thông số về mục tiêu từ các hệ thống radar phòng thủ tên lửa đạn đạo khác. Sau đó, hệ thống dữ liệu chiến đấu sẽ tính toán các thông số về mục tiêu và kích hoạt tên lửa đánh chặn.

 

THAAD được trang bị công nghệ đánh chặn “hit-to-kill” (truy đuổi - tiêu diệt) tương tự như công nghệ được trang bị trên hệ thống tên lửa phòng không Patriot.

 

Đạn tên lửa có chiều dài 6,17m, sử dụng động cơ nhiên liệu rắn điều khiển bằng lực đẩy vector. Tên lửa có khả năng đánh chặn mục tiêu ở cự ly từ 150-200km, tầm cao 25km.

 

Giai đoạn tiếp cận tên lửa địch, THAAD sử dụng module đánh chặn được trang bị đầu tự dẫn hồng ngoại để truy theo mục tiêu. Tên lửa tiêu diệt mục tiêu bằng động năng từ vụ va chạm tốc độ cao, không sử dụng đầu đạn chứa thuốc nổ như tên lửa thông thường.

 

Trong những lần thử nghiệm, THAAD đã chứng minh khả năng tương thích dữ liệu mục tiêu cùng với hệ thống đánh chặn Aegis và Patriot PAC-3.

 

THAAD cùng với Aegis, Patriot PAC-3 tạo nên hệ thống đánh chặn 3 tầng. Trong đó, hệ thống Aegis chống mục tiêu ở tầm cao, THAAD ở tầm trung và PAC-3 ở tầm ngắn. Chúng thiết lập nên “cái ô che chắn” cho Mỹ và các đồng minh khỏi mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo của đối phương.


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc